Chuyển đổi số

Chủ tịch Tập đoàn CMC: Chuyển đổi số là cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ không bị bỏ lại phía sau

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC trả lời phỏng vấn xoay quanh việc các DNNVV cần phải có tư duy, định hướng như thế nào để có thể trở thành hạt nhân trong tiến trình chuyển đổi số của quốc gia như kỳ vọng của Chính phủ. Cũng như không bị bỏ lại phía sau trong cuộc Cách mạng số.

Hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh và kỳ vọng rất lớn vào vai trò của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam. Nhưng theo đánh giá của các bộ, ngành chức năng thì doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) chiếm tới hơn 97 % trong tổng số các doanh nghiệp Việt Nam, song lại có một tồn tại rất lớn là các DNNVV đang gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ. Từ máy móc đang sử dụng đều là công nghệ cũ, trình độ khoa học công nghệ đều còn rất yếu kém. Đây là những rào cản rất lớn để các DNNVV tham gia vào Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Trước thực tế này, các DNNVV phải có tư duy, định hướng như thế nào để có thể trở thành hạt nhân trong tiến trình chuyển đổi số của quốc gia như kỳ vọng của Chính phủ. Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC về vấn đề này.

Việt Nam đã bị muộn so với ASEAN trong chuyển đổi số

Thưa ông, ở góc nhìn của một Tập đoàn công nghệ lớn như CMC, ông suy nghĩ như thế nào về tầm quan trọng của chiến lược chuyển đổi số quốc gia?

Ông Nguyễn Trung Chính: Trước hết phải thấy rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số và xã hội số, các khái niệm như: Kinh tế số, Chính phủ số, Xã hội số, Cuộc sống số ngày càng trở nên rất gần gũi đối với hiểu biết và cuộc sống của chúng ta. Rất nhiều hoạt động trên không gian số ngày xưa hay được gọi thế giới ảo, nhưng ngày nay thì ảo mà thực và thực cũng là ảo.

Hiện nay trên thế giới rất nhiều quốc gia đã có chiến lược về xây dựng quốc gia số và kinh tế số, ngay cả ở Đông Nam Á thì nhiều quốc gia đã tuyên bố có một chiến lược xây dựng quốc gia số. Ví dụ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, thậm chí Campuchia cũng đã có chương trình, lộ trình để xây dựng một quốc gia số, chính phủ số.

Do đó việc Chính phủ Việt Nam xây dựng Đề án quốc gia về chuyển đổi số, tôi nghĩ rằng đấy là sự cần thiết và cấp bách. Thậm chí nhiều lần tôi đã phát biểu là bây giờ mình cũng đã muộn, muộn ít nhất là so với ASEAN, muộn ít nhất là so với các nước như Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Về lợi ích của chuyển đổi số thì nhiều lần các tổ chức quốc tế, các tổ chức nghiên cứu về kinh tế đã có nhận định và kết luận rằng: Nếu chúng ta trở thành quốc gia số, việc chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp khoảng 65 % cho GDP, đây là con số mà các nước đã thành công đạt được là những bằng chứng rất rõ nét với Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC.

Làm thế nào để DNNVV không bị bỏ lại phía sau trong cách mạng số?

Thưa ông, ông có thể cho biết các DNNVV có những cơ hội nào để tham gia vào tiến trình chuyển đổi số? Cũng như vai trò dẫn dắt, hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ như thế nào?

Ông Nguyễn Trung Chính: Bất kỳ quốc gia nào thì DNNVVcũng chiếm đa số, có thể là từ 70-80% trong tổng số doanh nghiệp, thậm chí là như Việt Nam là 97 %. Vậy thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các DNNVV cũng được hưởng lợi, hay còn gọi là “không bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chuyển đổi số lần này.

Có thể nói rằng chính việc chuyển dịch kinh tế số đang giúp cho các DNNVVcó cơ hội tận dụng những thành tựu về khoa học công nghệ, tận dụng công nghệ số để có thể phát triển nhanh hơn, điều này sẽ khác trước rất nhiều. Trước đây cơ hội mà DNNVV có thể tiếp cận thị trường, nắm bắt được những thành tựu khoa học công nghệ để tận dụng vào phát triển doanh nghiệp của họ khó khăn hơn rất nhiều. Thì bây giờ chính công nghệ số và cách tiếp cận của nền kinh tế số, chuyển dịch số sẽ giúp cho các DNNVVcó thể tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng hơn.

Ví dụ, bình thường một doanh nghiệp, nếu theo những cách thức phát triển thông thường, sử dụng những giải pháp công nghệ thông thường, hay còn gọi là những giải pháp công nghệ truyền thống thì người ta phải tuần tự đi theo các bước khác nhau, rồi người ta phải đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức để xây dựng hệ thống.

Nhưng ngày nay thì việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây, sử dụng những sản phẩm dịch vụ, hoặc các hạ tầng nền tảng sẽ giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng có những hệ thống để sử dụng mà không cần phải có nhiều chi phí đầu tư, cũng không cần phải có nhiều chuyên gia trong ngành, lĩnh vực công nghệ để xây dựng lên một giải pháp ứng dụng cho họ. Đây là những lợi ích đầu tiên của chuyển đổi số.

Lợi ích nữa mà tôi muốn nói đến đối với DNNVV, là chi phí đầu tư chuyển đổi số tiết kiệm hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp tự làm, thậm chí là còn "bất khả thi" vì DNNVV không có điều kiện để xây dựng một hệ thống CNTT lớn và phức tạp. Bây giờ các doanh nghiệp lớn và đặc biệt là các doanh nghiệp có năng lực về cung cấp dịch vụ nền tảng đã có khả năng cung cấp những ứng dụng cho DNNVVnhư là một dịch vụ với chi phí thấp. Ví dụ, nếu tự xây dựng hệ thống tối thiểu một doanh nghiệp có thể bỏ ra vài tỷ đồng, nhưng bây giờ hàng tháng họ chỉ bỏ ra từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng, hoặc một vài chục triệu đồng 1 năm là có dịch vụ để sử dụng ngay, khoản kinh phí đầu tư này DNNVV hoàn toàn có thể chi trả được.

Điểm thứ hai là về tốc độ để tiếp cận thị trường, chuyển dịch số giúp cho DNNVV tiếp cận thị trường một cách rất nhanh chóng và không có giới hạn. Đơn cử, các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu như Amazon, Alibaba có thể giúp các DNNVV bán những sản phẩm nông sản của họ từ Việt Nam đi khắp thế giới. Nếu bình thường một doanh nghiệp nhỏ trước đây với những điều kiện công nghệ cũ với cách tiếp cận không phải là dựa trên nền kinh tế số, công nghệ kết nối và chia sẻ thì chắc chắn là không thể làm việc đó. Đấy là lý do thứ hai mà tôi cho rằng chuyển đổi số sẽ giúp cho các DNNVV có thể tiếp cận thị trường một cách cực kỳ nhanh chóng, rộng khắp.

Vậy thì rõ ràng ở đây cũng chứng minh một điều là chuyển dịch số không phải chỉ doanh nghiệp lớn, mà ngay cả doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể thực hiện được. Doanh nghiệp lớn có cách đi và sứ mệnh của họ. Ví dụ như CMC, Viettel cũng như các công ty công nghệ số trên toàn cầu thì sẽ xây dựng hạ tầng nền tảng, hạ tầng ứng dụng để giúp cho các DNNVV có thể sử dụng một cách nhanh chóng để khai thác.

Vấn đề đặt ra với các DNNVVlà họ cần có ý thức rằng: Đó là những cơ hội, đó là những lợi ích thực sự, hãy thử và tiếp cận tại vì nó cũng cực kỳ đơn giản. Tôi được biết vừa rồi Google, Amazon có các khóa hướng dẫn cho DNNVV cách sử dụng các ứng dụng của họ để triển khai ngay ý tưởng phát triển bán hàng, xây dựng năng lực quản trị hệ thống ngay và hết sức đơn giản.

Doanh nghiệp chuyển đổi số sớm sẽ thành công nhanh hơn

Theo quan điểm của ông, các DNNVV nên xác định những bước đi như thế nào khi thực hiện chuyển đổi số?

Ông Nguyễn Trung Chính: Tôi nghĩ rằng quá trình chuyển dịch số bao giờ cũng trả lời ba câu hỏi chính. Câu hỏi thứ nhất, tại sao anh lại phải làm việc này? Thông thường để trả lời câu hỏi này thuộc phạm trù về chiến lược. Đây là theo ngôn ngữ của nhà quản trị phải trả lời cho câu hỏi đầu tiên là tại sao tôi phải làm được việc này. Câu hỏi thứ hai, làm như vậy thì nó sẽ giúp tôi quyết định được những vấn đề gì của doanh nghiệp, tăng trưởng ở đâu, giải quyết những vấn đề gì? Và cuối cùng, để làm được việc đấy thì doanh nghiệp của tôi phải thay đổi những cái gì?

Đối với DNNVVthì tôi nghĩ nhận thức là điều rất quan trọng. Chẳng hạn, mọi người phải nhìn thấy chuyển đổi số là cơ hội tiếp cận thị trường rất nhanh chóng. DNNVV phải nhìn thấy việc họ không phải đầu tư hệ thống CNTT phức tạp mà lại có những công cụ để có thể sẵn sàng chuyển đổi số ngay.

Và một điều quan trọng khác, kể cả doanh nghiệp không phải chỉ vừa và nhỏ, mà cả những doanh nghiệp có quy mô lớn, nhiều người còn thấy băn khoăn rằng khi sử dụng công nghệ mới, công cụ mới thì khả năng an toàn sẽ thế nào. Về vấn đề này, tôi có thể khẳng định rằng,việc sử dụng hệ thống của những nhà cung cấp chuyên nghiệp thì tính an ninh an toàn và đảm bảo bí mật còn tốt hơn rất nhiều so với doanh nghiệp tự vận hành hệ thống của mình. Bởi lý do doanh nghiệp chuyên nghiệp thì mọi dịch vụ của người ta đã được chuyên nghiệp hóa, cho nên sẽ tốt hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp tự triển khai mà không có sẵn hạ tầng nền tảng.

Ví dụ, thông thường người ta thường nghĩ nếu tôi giữ một cái dữ liệu trong hệ thống của tôi thì nó sẽ an toàn, nhưng thực tế nếu không biết cách giữ nó một cách an toàn thì việc mình tự cất giữ thậm chí lại không an toàn bằng cách trao cho những người chuyên nghiệp cất giữ.

Cái này cũng giống như tiền bạc, chúng ta đến gửi tiền ở Ngân hàng thay vì giữ ở nhà, chắc chắn là ngân hàng sẽ giữ tiền cho chúng ta an toàn hơn là cất vào két ở nhà. Bởi lý do, ngân hàng có hệ thống an ninh, có hệ thống quản trị rất hiện đại và khoa học. Khi mình gửi tiền cho ngân hàng cất giữ, nếu ngân hàng làm mất thì ngân hàng có trách nhiệm pháp lý là phải đền. Trong khi chúng ta tự cất tiền trong két ở nhà, nhưng khóa cửa không kỹ mà kẻ gian vào lấy trộm thì sẽ không có ai chịu trách nhiệm. Đấy là những ví dụ để nhìn đấy mức độ an ninh an toàn của hệ thống CNTT, sẽ tốt hơn rất nhiều là doanh nghiệp tự vận hành mà lại không chuyên nghiệp.

Quay trở lại cơ hội chuyển đổi số cho các DNNVV, tôi cho rằng, không chỉ DNNVV mà cả nền kinh tế của Việt Nam nói chung thì cơ hội mà chuyển đổi số sẽ giúp cho tất cả có thể cùng thành công. Nếu ai làm sớm, nhận thức sớm, triển khai nhanh thì thành công càng đến sớm hơn.

Chuyển dịch số là cơ hội cho các Startup

Ông có thể nói thêm là Tập đoàn CMC có những hạ tầng nền tảng nào để dẫn dắt các DNNVV, đặc biệt với các Start-up trong tiến trình chuyển đổi số?

Ông Nguyễn Trung Chính: CMC có thể nói là rất may mắn khi chúng tôi đã có chiến lược chuyển đổi số từ rất sớm. Là một công ty công nghệ cho nên CMC may mắn hơn môt số doanh nghiệp khác, vì được tiếp cận và nhận thức sớm, ngay từ 3 năm trước đây CMC đã tuyên bố về Chiến lược chuyển đổi số của Tập đoàn.

Vào đầu năm 2019, CMC đã công bố hệ sinh thái hạ tầng mở C.OPE2N cho các doanh nghiệp, tổ chức. C.OPE2N là một hạ tầng nền tảng giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức có thể kết nối, chia sẻ một cách bình đẳng. Với hạ tầng nền tảng mở này, CMC xây dựng một platform để các doanh nghiệp có thể kết nối với các nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới, có thể tiếp cận với các nhà cung cấp dịch vụ một cách nhanh nhất, cùng chia sẻ lợi ích giữa các đơn vị cung cấp và những người sử dụng. Đây chính là một xu thế như tôi đã trình bày ở trên.

CMC có sứ mệnh tạo dựng ra những hạ tầng nền tảng để giúp cho các doanh nghiệp khác có thể dựa vào đó, khai thác được những cái sức mạnh của nền kinh tế số, để có thể tạo ra sự thành công của chính họ. Với cơ chế làm việc như là một hệ sinh thái hạ tầng nền tảng như vậy, CMC tin tưởng rằng việc các doanh nghiệp tham gia càng ngày càng lớn lên, càng ngày càng đem lại nhiều lợi ích cho chính họ và cho những bên đối tác có liên quan. Từ đấy sẽ góp phần giúp ích cho xã hội phát triển, đấy là sứ mệnh của CMC.

Đối với các doanh nghiệp Startup cũng vậy, trong nền kinh tế số và trong quá trình chuyển dịch số, doanh nghiệp lớn có cơ hội mà doanh nghiệp nhỏ cũng có cơ hội ngang nhau. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ có rất nhiều cơ hội chứ không phải là không. Doanh nghiệp Startup phần lớn là các doanh nghiệp công nghệ, quá trình chuyển dịch số sẽ cần một khối lượng công việc khổng lồ, cần một lực lượng nhân sự rất lớn. Đơn cử như các dịch vụ chuyển dịch các hệ thống từ các môi trường chuyển động lên môi trường điện toán đám mây đã phát sinh ra nhu cầu về công việc rất lớn. Tôi cho rằng nếu các doanh nghiệp Startup biết nắm bắt những cơ hội như vậy hoàn toàn có thể tiếp cận được với nền kinh tế số.

Thêm vào đó, nền kinh tế số có khuynh hướng tạo dựng ra những mô hình kinh doanh mới dựa vào công nghệ, Startup hoàn toàn có thể sử dụng những năng lực công nghệ của mình để tham gia cung cấp dịch vụ, đáp ứng những yêu cầu của xã hội. Giống như các dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ đang thay thế những nhà cung cấp dịch vụ truyền thống khác như trong lĩnh vực về vận chuyển hành khách, giao thông, hay tài chính, ngân hàng mà chúng ta đã thấy rõ trong thời gian gần đây. Tôi cho rằng, khuynh hướng chuyển dịch đưa công nghệ vào thay thế các dịch vụ truyền thống sẽ là cơ hội cho các Startup.

Việc đưa công nghệ vào sản xuất kinh doanh và triển khai dịch vụ sẽ là một xu thế trở nên phổ biến và diễn ra một cách rộng khắp. Cho nên tất cả các doanh nghiệp nào sớm nhận thức được điều này sẽ nắm bắt được cơ hội, sẽ thành công. Theo tôi, đấy là những hướng đi của Startup.

Xin cảm ơn ông!
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo