Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Chuyển đổi số phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức của người đứng đầu
Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực / Thừa Thiên Huế: Phát triển 10-15 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2021
Chiều 28/4, nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2021, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Tin học TP.HCM phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, Hội Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo chủ đề “Chuyển đổi số trong thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao”.
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao.
Tại hội thảo, có 7 tham luận và 1 phiên tọa đàm của các chuyên gia công nghệ thông tin, các Hội, Hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm triển khai, những bài học thực tế cũng như đưa ra hướng giải pháp thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.
Trong đó một số giải pháp quan trọng như hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng, vận hành kinh doanh thương mại, giải pháp số hóa và lưu trữ thông minh trên nền tảng điện toán đám mây…
Bên cạnh đó, các cơ quan, hiệp hội, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã có những chia sẻ, trao đổi về khả năng, nhu cầu, giải pháp và các chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao cũng như trên các lĩnh vực khác.
Nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số; cần có chiến lược xây dựng lộ trình, lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp, tối ưu mang lại hiệu quả cho đơn vị, doanh nghiệp mình. Tài chính là cần thiết trong chuyển đổi số nhưng không phải là tất cả.
Doanh nghiệp và cả người dân phải tìm hiểu những giải pháp công nghệ mới để tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh bởi chỉ có tiếp cận với công nghệ mới tiến bộ.
Mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoạch định cho mình một kịch bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà được coi là nhiệm vụ có tính chiến lược, đột phá trong mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước trở thành quốc gia số.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, cho biết, trong 10 năm qua, tỉnh rất quan tâm đến xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ tin học vào các nội dung vận hành tổ chức và đã đạt được những kết quả đầu tiên. Gần đây, mặc dù gặp không ít những khó khăn nhưng tỉnh vẫn phát triển và được đánh giá là địa phương đi đầu về chuyển đổi số.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các đại biểu bấm nút khai trương Trung tâm Huế IoT Innovation Hub.
Theo ông Thọ, chuyển đổi số là giải pháp tối ưu hiện nay trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng với yêu cầu phát triển. Đặc biệt là trong giai đoạn mới, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch, chuyển đổi số trên lĩnh vực thương mại là rất cần thiết, đây là quá trình tất yếu mà các đơn vị doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ, thấu đáo, không ngại khó, với phương châm quyết liệt, đồng bộ, kiên trì để thực hiện thành công.
“Chuyển đổi số là quá trình thay đổi trong phương thức tổ chức, làm việc trên môi trường mạng một cách xuyên suốt. Trong quá trình chuyển đổi số đó, con người đóng vai trò quan trọng. Chuyển đổi số trước tiên phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp cần tự khắc họ sẽ tìm kiếm các giải pháp thay vì các giải pháp đang đi tìm doanh nghiệp như hiện nay”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Diễn ra từ ngày 27/4 đến 30/4/2021, Tuần lễ Chuyển đổi số – Huế 2021 được tổ chức với nhiều nội dung quan trọng. Đây là dịp để các cơ quan, các hiệp hội, các doanh nghiệp, các hợp tác xã của các địa phương gặp gỡ, trao đổi về khả năng, nhu cầu, giải pháp và các chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trọng tâm của năm 2021 là các lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục và dịch vụ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo