Chuyển đổi số

Thí điểm chuyển đổi số, phát triển kinh tế xã hội bằng công nghệ tại 7 xã khó khăn

DNVN - Ngày 15/7, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Bắc Kạn, Bình Định, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Trị, Thái Bình và Tuyên Quang phối hợp triển khai thí điểm chuyển đổi số tại một số xã.

8 ngành cần ưu tiên chuyển đổi số để đưa Việt Nam thành Quốc gia số vào năm 2030 / 5 trụ cột quan trọng và lộ trình 3 bước của chuyển đổi số

Bộ TT&TT cho biết, để triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đồng bộ, hiệu quả, trên toàn quốc, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy thí điểm chuyển đổi số tại một số xã nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Theo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, các xã có điều kiện kinh tế khó khăn dự kiến được chọn để thí điểm chuyển đổi số lần này là: Vi Hương (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn); Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn, Bình Định); Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang); Hua Nà (huyện Than Uyên, Lai Châu); Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị); Minh Lãng (huyện Vũ Thư, Thái Bình); Tràng Đá (thành phố Tuyên Quang, Tuyên Quang).

Một trong những nội dung được Bộ TT&TT thí điểm chuyển đổi số là hỗ trợ xây dựng một chương trình/dự án chuyển đổi số cho xã, trong đó xác định mục tiêu, nội dung, giải pháp, các bước thực hiện; xác định các công nghệ, nền tảng số được sử dụng. Đồng thời, hỗ trợ trang thiết bị, công cụ phục vụ chuyển đổi số cho xã dựa trên định hướng phát triển sản phẩm/dịch vụ lựa chọn. Mỗi xã sẽ chọn lựa tối thiểu một sản phẩm/dịch vụ chủ lực, đặc trưng (chè xanh, gạo, cafe, sản phẩm thêu truyền thống, du lịch...) của địa phương để thực hiện chuyển đổi số.

Mỗi xã sẽ chọn lựa tối thiểu một sản phẩm/dịch vụ chủ lực, đặc trưng của địa phương để thực hiện chuyển đổi số. (Ảnh minh họa: Báo Hà Giang)

Mỗi xã sẽ chọn lựa tối thiểu một sản phẩm/dịch vụ chủ lực, đặc trưng của địa phương để thực hiện chuyển đổi số. (Ảnh minh họa: Báo Hà Giang)

Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng cho người dân trong việc ứng dụng công nghệ số. Quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, hỗ trợ bán hàng thông qua nền tảng giao dịch trực tuyến.

Chương trình thí điểm chuyển đổi số cho một số xã dự kiến được triển khai với 100% nguồn lực xã hội hóa. Kinh phí, trang thiết bị do các doanh nghiệp công nghệ đóng góp và nhân lực chủ yếu là đoàn viên thanh niên Bộ TT&TT cùng lực lượng tại các địa phương.

Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, ý tưởng thí điểm chuyển đổi số tại một số xã khó khăn được Cục đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT cho triển khai hướng tới mục tiêu kép, đó là: Thực hiện vai trò dẫn dắt của Bộ TT&TT trong chuyển đổi số, giúp một số địa phương phát triển kinh tế xã hội, lấy người dân là trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau; Xây dựng điển hình về chuyển đổi số để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo cảm hứng. Ngoài ra, kết quả thí điểm cũng tạo cơ sở thực tiễn cho Bộ TT&TT trong việc triển khai các nội dung của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đạt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng xác định Nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, cùng với Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp. Bởi lẽ, đây là những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm