Chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu hướng "lột xác" của doanh nghiệp trong tương lai

DNVN - Trong tương lai, bất kỳ ở lĩnh vực ngành nghề nào, mọi doanh nghiệp đều cần “lột xác” thành công ty công nghệ để thích nghi và tồn tại trong cuộc cách mạng số hoá.

Đó là ý kiến của ông Marcin Miller - Phó tổng giám đốc McKinsey Việt Nam tại cuộc tọa đàm về định hình tương lai doanh nghiệp số trong khuôn khổ FPT Techday 2020 vừa diễn ra tại TP.HCM.

Mọi doanh nghiệp rồi sẽ thành công ty công nghệ

Năm 2020, thế giới phải lao đao trước “cơn bạo bệnh” Covid-19. Không chỉ cướp đi sinh mệnh nhiều người, Covid-19 còn làm cho kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng.

Trong bối cảnh ấy, chuyển đổi số được xem là “vị cứu tinh” của nhiều doanh nghiệp. Đây chính là liều thuốc hữu hiệu giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động của mình một cách bền vững.

Ông Pankaj Rathi - Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Deloitte Đông Nam Á cho biết, tác động của Covid-19 khiến GDP toàn cầu sụt giảm, thậm chí hơn thời khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo ông, tiêu dùng toàn cầu sụt giảm, thất nghiệp gia tăng và tất cả chúng ta đang phải đối mặt với một tương lai bất định.

Theo nhận định của lãnh đạo của Deloitte, trong hai năm tới sẽ không còn công ty nào có tài sản cố định lớn nằm trong top các công ty hàng đầu bởi các công ty có tài sản công nghệ số đã nổi lên dẫn đầu khi cả thế giới đối đầu với đại dịch, ví dụ như Amazon tăng trưởng gấp đôi trong đại dịch.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, trong quá khứ lợi thế cạnh tranh tập trung vào việc cân đối giữa chi phí sản xuất tốt và kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề này trong thời điểm hiện tại không bị giới hạn. Thế giới bây giờ rất mở và doanh nghiệp phải đặt mục tiêu vào rất nhiều mảng khác nhau trên thị trường. Tuy nhiên, dù chọn bất kỳ mục tiêu gì thì cũng cần nền tảng công nghệ.

Không gian trưng bày công nghệ tại FPT Techday 2020

Không gian trưng bày công nghệ tại FPT Techday 2020.

Đồng quan điểm trên, ông Marcin Miller - Phó tổng giám đốc McKinsey Việt Nam cho hay, tuy Covid-19 đã thúc đẩy mọi thứ diễn ra nhanh hơn, nhưng những thay đổi do công nghệ mang lại đã có nền tảng từ năm 2008 - khi số lượng thiết bị kết nối ngang bằng với quy mô dân số toàn cầu. Tính đến năm 2020, số thiết bị kết nối đã tăng gấp bốn lần so với số người dùng thế giới.

Dẫn chứng cụ thể, ông Marcin Miller cho rằng, tại Việt Nam, tỷ lệ thâm nhập của điện thoại thông minh tại các thành phố cũng đã lên tới 85%, trong khi con số này tại khu vực nông thôn là 65%. “Đây là nền tảng tuyệt vời cho sự thay đổi, kết nối, hợp tác và để các doanh nghiệp đem đến các sản phẩm dịch vụ mới,” ông Miller nhận định.

Theo Phó tổng giám đốc McKinsey Việt Nam, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Đối với các công ty công nghệViệt Nam, dịch bệnh đã mang lại cho họ cơ hội lớn để chuyển mình từ những đơn vị outsourcing (thuê ngoài)thànhđích thân đi xây dựng và cung ứng sản phẩm dịch vụ.

Ông Will Nguyen - Phó Tổng giám đốc phụ trách bộ phận Tư vấn Công nghệ - KPMG Việt Nam dẫn con số từ một cuộc khảo sát các CIO toàn cầu cho thấy, 71% cho rằng chuyển đổi số là ưu tiên số 1; trên 50% nói họ sẽ tăng đầu tư vào công nghệ thông tin và sáng tạo kỹ thuật số.

Theo ông, Việt Nam vẫn là thị trường đầy cơ hội của các sản phẩm công nghệ vì tất cả các ngành đều đang tìm cách sáng tạo dựa trên kỹ thuật số. Tuy nhiên, có một thực tế là để tìm thuê các chuyên gia về IT ở Việt Nam đang rất khó khăn so với các nước khác trong khu vực.

“Việt Nam cần xây dựng các CIO trọn vẹn: Họ cần phải hiểu cả công nghệ cũ và mới và am hiểu về hoạt động kinh doanh, giúp cho mọi người thấy công nghệ có thể hỗ trợ kinh doanh như thế nào,” ông Will Nguyen cho hay.

chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm 30-70%, thậm chí tiết kiệm lên tới 90% thời gian ở một số quy trình so với trước khi số hoá.

chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm 30-70%, thậm chí tiết kiệm lên tới 90% thời gian ở một số quy trình so với trước khi số hoá.

Ông Vũ Anh Tú - Giám đốc công nghệ FPT cho biết trong thời gian qua, FPT đã nghiên cứu và triển khai hàng loạt sản phẩm, trong đó có giải pháp e-contract để tiết kiệm 70% thời gian và chi phí cho kháchhàng; ứng dụng Omnishop biến chiếc tivi thành kênh bán hàng trực tuyến...

Đặc biệt trong năm 2020, tập đoàn này cũng thành lập công ty con FPT Smart Cloud, nhắm tới việc cung cấp một one-stop ecosystem (hệ sinh thái một điểm đến) để khách hàng có thể sử dụng các sản phẩm của FPT, đối tác FPT và cộng đồng các công ty phần mềm tại Việt Nam hiệu quả hơn.

Bài toán chuyển đổi số doanh nghiệp

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, FPT Techday là sự kiện công nghệ thường niên do Tập đoàn FPT tổ chức quy tụ những xu hướng, công nghệ mới giúp định hình, kiến tạo tương lai đến từ các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế cùng những bài học, kinh nghiệm và giải pháp thực tiễn giúp doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình số của tương lai.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT - khẳng định, công nghệ và chuyển đổi số đã và đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nên những trạng thái bình thường tiếp theo. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề chuẩn bị về nguồn lực, thay đổi cách thức vận hành để khai thác, vận hành công nghệ.

với việc đầu tư đồng bộ, vững chắc cho công nghệ, doanh nghiệp có thể nhanh chóng chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số giúp tối ưu năng suất, giảm chi phí và thời gian. Dựa trên các dự án triển khai sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng tại Việt Nam và trên toàn cầu, các chuyên gia của FPT tính toán chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm 30-70%, thậm chí tiết kiệm lên tới 90% thời gian ở một số quy trình so với trước khi số hoá.

Phía FPT cũng khẳng định hệ sinh thái sản phẩm giải pháp của đơn vị này phù hợp với mọi quy mô và lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động.

FPT Techday có nhiều hoạt động thiết thực, giúp doanh nghiệp lựa chọn công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số để phát triển bền vững.

FPT Techday có nhiều hoạt động thiết thực, giúp doanh nghiệp lựa chọn công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Khoa, khó khăn nhất là thay đổi tư duy, thói quen cũng như tính sáng tạo của lãnh đạo doanh nghiệp. Chẳng hạn trong chuyển đổi số, việc tìm ra được vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số là yếu tố mấu chốt.

Chuyển đổi số thành công không có công thức chính xác, quan trọng nhất là ban lãnh đạo có tìm ra được phương pháp luận để thực hiện không. Tuy nhiên theo ông Khoa, kể cả có phương pháp luận, vẫn rất khó để vận hành thành công.

Tại FPT, các nhà lãnh đạo tập đoàn đã áp dụng 3 chữ H gồm Heart (trái tim), Head (đầu), Hand (hành động) để bắt đầu chuyển đổi số. Ở mỗi doanh nghiệp, thành công chuyển đổi số sẽ khác nhau về thời gian và mức độ.

Đây là thử thách mang tính quyết định. Tại những tập đoàn lớn, người lãnh đạo quá trình chuyển đổi số thường sẽ là người thành công. Đó cũng là những người có tinh thần sáng tạo, tinh thần xông pha và hy sinh.

"Chuyển đổi số là một sự hi sinh. Nếu chấp nhận hi sinh, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi số thành công", ông Khoa khẳng định.

Đồng thời, ông Khoa cũng cho rằng con đường chuyển đổi số còn rất nhiều chông gai, doanh nghiệp sẽ phải đổi mặt với nhiều thách thức khi bước đi trên con đường mới và Covid-19 sẽ là dấu mốc cho các doanh nghiệp trên hành trình này.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo