Chuyển đổi số

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp nên bắt đầu từ đâu?

Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức chính là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu thế tiêu dùng thế giới.

Chuyển đổi số là chìa khóa để ngành nông nghiệp Hà Tĩnh bứt tốc / Bộ Tài chính và Bộ TT&TT ký thỏa thuận phối hợp công tác

Đứng trước những thách thức này, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng tới sản xuất, chế biến và tiêu thụ thì phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số là việc làm cấp thiết và cần phải đẩy nhanh.
Xoay quanh vấn đề trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.
Nông dân Thừa Thiên-Huế thu hoạch lúa vụ Hè Thu trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh tư liệu: Hồ Cầu/TTXVN.

Nông dân Thừa Thiên-Huế thu hoạch lúa vụ Hè Thu trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh tư liệu: Hồ Cầu/TTXVN.

Thưa ông, nhắc đến chuyển đổi số và nhất là chuyển đổi số trong nông nghiệp, không ít người vẫn còn băn khoăn về cách thức thực hiện, nên bắt đầu từ đâu và như thế nào. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Để chuyển đổi nền kinh tế nói chung, trong đó có nền kinh tế nông nghiệp, trước tiên chúng ta cần bắt đầu bằng tư duy của người đứng đầu. Cần đặt ra mục tiêu cơ giới hóa nền nông nghiệp, bởi nếu không có máy móc thiết bị hỗ trợ cho con người sản xuất và lao động, sẽ rất khó tối ưu hóa năng suất lao động và ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, cần có những chính sách phù hợp nhất để thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Nguồn nhân lực cũng là một trong những vấn đề then chốt khi chúng ta vừa phải đào tạo cho cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng chính đưa công nghệ và cơ giới hóa vào nông nghiệp, vừa phải đào tạo người nông dân – đối tượng lao động chính tạo ra sản phẩm nông nghiệp. Tiếp nữa là nền tảng công nghệ làm sao để phù hợp nhất với địa lý, thổ nhưỡng và các điều kiện tự nhiên khác. Không chỉ có vậy, chúng ta cần tiên lượng được thị trường vì nếu không nhìn thấy được rủi ro và nhu cầu của thị trường sẽ rất khó đạt mục tiêu của chuyển đổi số.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc đồng bộ dữ liệu của ngành nông nghiệp còn khó khăn, làm chậm quá trình chuyển đổi số. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Trong quá trình chuyển dịch số, việc đầu tiên cần làm là hoàn thiện cơ sở dữ liệu (big data) giúp có nguồn thông tin gốc để từ đó đưa ra chính sách, quy hoạch, chiến lược… Tuy nhiên, dữ liệu nằm phân mảnh tại các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả người dân gây khó cho quá trình đồng bộ.
Dù vậy, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay tại Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, chúng tôi đã có những giải pháp riêng. Chúng tôi lựa chọn nhóm hàng, ví dụ như nhóm thương phẩm có giá trị cao như lúa, cà phê… để làm trước và đến nay cũng đã có cơ sở dữ liệu ban đầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất chủ động trong việc huy động các bên để cùng tham gia. Theo tôi, với sự chỉ đạo của chính phủ và kế hoạch số hóa của Bộ, dữ liệu cũng sẽ không còn là điểm nghẽn làm chậm quá trình số hóa nữa.
Ngoài ra, còn những khó khăn nào đang cản trở việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thưa ông?
Về yếu tố chủ quan, vùng sản xuất địa lý khá khó khăn. Ví dụ như miền Bắc, quy mô nhỏ, lẻ, manh mún rất khó để tổ chức sản xuất quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ già hóa lao động nông nghiệp rất nhanh bởi người trẻ thường ưu tiên đi làm ở thành phố, khu công nghiệp… Do đó, hiện vẫn thiếu những chính sách đủ hấp dẫn để lao động trẻ quay về với nông nghiệp. Nếu người trẻ xa rời nông nghiệp thì rất khó để đạt mục tiêu chuyển đổi số đã đặt ra.
Thưa ông, để chuyển đổi số thành công, phải bắt đầu từ người nông dân chứ không chỉ là việc của riêng doanh nghiệp hay nhà quản lý. Vậy ông có đề xuất thế nào để có được một thế hệ nông dân số, những lao động số phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của ngành nông nghiệp?
Hiện nay, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã phối hợp đào tạo với trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, việc hỗ trợ hiện nay mới chỉ mới mức điều chỉnh lại kế hoạch giảng dạy, chương trình đào tạo.
Chúng tôi mong muốn có nhiều chính sách thực sự hấp dẫn hơn nữa. Ví dụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có thể kết hợp với các tập đoàn để cấp học bổng cho sinh viên ngành nông nghiệp, giúp hấp dẫn những sinh viên có trình độ học vấn, năng lực tốt tham gia vào ngành. Nếu thực hiện được điều này, trong vòng 5-10 năm tới, chúng ta sẽ có được nhóm nhân lực chủ chốt để thích ứng hoặc sáng tạo ra công nghệ, bù đắp được khuyết thiếu trong quá trình đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Bên cạnh yếu tố về nhân lực, ông có đề xuất nào khác để đẩy nhanh mục tiêu chuyển đổi số ngành nông nghiệp hiện nay?
Theo tôi, vốn là một trong những vấn đề khá then chốt. Bởi bản thân ngành nông nghiệp có những hạn chế như tuổi đời của hàng hóa, mà từ tuổi đời hàng hóa sẽ quyết định tuổi đời của công nghệ. Do đó, bản thân doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải luôn tiên lượng được nhu cầu và mục tiêu phát triển công nghệ, từ đó sẽ ra được vấn đề tài chính. Hiện nay, cũng đã có nhiều chính sách hấp dẫn nhưng khi đưa vào thực thi vẫn còn tồn tại ràng buộc về hành chính. Như 10% nguồn thu của doanh nghiệp được đầu tư cho đổi mới sáng tạo nhưng đổi mới sáng tạo là gì vẫn chưa định hình rõ khiến doanh nghiệp gặp khó khi sắp xếp nguồn vốn. Vì vậy, chúng ta có thể để cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn rồi sau đó đưa ra chính sách hỗ trợ như chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp… giúp họ chủ động và có đủ nguồn lực tài chính đầu tư vào công nghệ.
Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển ngành rất cần thay đổi và rà soát lại bởi nhiều chính sách còn chồng lấn lên nhau, gây khó cho doanh nghiệp, tập đoàn muốn đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng cần công bố sớm, chi tiết và rõ ràng về kế hoạch phát triển ngành. Đồng thời, chủ động hơn nữa về nguồn nhân lực trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông!
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm