Chuyển đổi số

Chuyển đổi số là chìa khóa để ngành nông nghiệp Hà Tĩnh bứt tốc

DNVN - Hà Tĩnh đã triển khai nhanh và hiệu quả về chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số và xã hội số, nhất là đối với ngành nông nghiệp. Để tìm hiểu cách làm của Hà Tĩnh, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn.

Chuyển đổi số nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp, du lịch ở Hà Tĩnh / Bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh được gán mã truy xuất nguồn gốc, dự kiến tiêu thụ 1.000 tấn trên sàn thương mại điện tử

Xin ông cho biết đôi nét về thành quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp và những sản phẩm đặc trưng mà nông dân Hà Tĩnh đã sản xuất?

Ông Đặng Ngọc Sơn: Những năm vừa qua, thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp với nội dung cốt lõi là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống về mọi mặt cho người dân nông thôn, Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả bước đầu khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát huy lợi thế các lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, vùng miền, gắn với nhu cầu thị trường.

Giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,7%/năm, tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản năm 2020 đạt trên 13.117 tỷ đồng, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 90 triệu đồng/ha. Nhóm các sản phẩm đặc trưng của tỉnh (như cam, bưởi Phúc Trạch, nhung hươu, nước mắm, hải sản chế biến,...) đã có bước chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực. Hầu hết các sản phẩm đều tăng về sản lượng, đa dạng chủng loại, hình thức và chất lượng được nâng lên, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhiều sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3-4 sao, được giới thiệu, quảng bá và bán trên các sàn thương mại điện tử uy tín.

Hội chợ Cam trước lúc xuất khẩu ở Hà Tĩnh

Hội chợ Cam trước lúc xuất khẩu ở Hà Tĩnh.

Vì sao nông nghiệp Hà Tĩnh chọn cây bưởi Phúc Trạch, cam chanh và cam bù là đối tượng thực hiện chuyển đổi số đầu tiên thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Sơn:Bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam bù là các sản phẩm kinh tế chủ lực của tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, bưởi Phúc Trạch và cam bù đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, là các sản phẩm đặc hữu của Hà Tĩnh. Trong thời gian vừa qua, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nên phần lớn diện tích đã được người dân sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo chất lượng, hồ sơ sản xuất được cập nhật đầy đủ, dễ dàng truy xuất nguồn gốc và thuận lợi trong công tác số hóa dữ liệu.

Bên cạnh đó, năm 2021 được đánh giá là năm Hà Tĩnh được mùa cam và bưởi, tuy vậy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên công tác tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Với các lý do nêu trên, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp chọn cây bưởi Phúc Trạch, cam chanh và cam bù là đối tượng thực hiện chuyển đổi số đầu tiên để đảm bảo vừa thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số, vừa góp phần quan trọng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Trong thời gian qua, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân ứng dụng công nghệ cao, CNTT vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt thời gian gần đây ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đang nỗ lực xây dựng các nền tảng, phần mềm chuyển đổi số để giải quyết các vấn đề đặt ra. Đó là phần mềm quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản; phần mềm cảnh báo thiên tai; phần mềm quản trị hợp tác xã gắn với công tác quản lý nhà nước; hệ thống chuyển đổi số chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phần mềm quản lý, xúc tiến thương mại cây ăn quả có múi; hệ thống cơ sở dữ liệu nông thôn mới..., đồng thời có nhiều hoạt động kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số.

 

Bước đầu, công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp đã cho thấy những tín hiệu khả quan, nhận thức của đội ngũ cán bộ trong ngành đã có bước thay đổi, nhiều cơ sở sản xuất đã ứng dụng công nghệ số trong công tác quản trị, quản lý sản xuất và đưa sản phẩm tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử…, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hỗ trợ cộng đồng, các tổ chức kinh tế trong quản trị sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại.

Vườn bưởi nguyên chủng ở Phúc Trạch, Hương Khê

Vườn bưởi nguyên chủng ở Phúc Trạch, Hương Khê.

Vậy những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện chuyển đổi số hiện nay là gì thưa ông?

 

Ông Đặng Ngọc Sơn:Kết quả khả quan bước đầu là tín hiệu vui, tạo đà để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có được thành công như mong đợi thì vẫn còn phải giải quyết triệt để nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là nhận thức, ý chí và quyết tâm của một số cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đồng đều nên công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chuyển đổi số chưa thực sự quyết liệt. Cơ sở hạ tầng CNTT chưa đồng bộ, toàn tỉnh còn 5% địa bàn dân cư chưa có mạng 4G và 26 thôn thuộc 7 huyện có xã miền núi chưa có Internet.

Nhân lực CNTT còn nhiều hạn chế. Cán bộ, công chức, viên chức ngành nông nghiệp phần lớn cũng chỉ mới đáp ứng yêu cầu soạn thảo văn bản và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp trên hệ thống gửi nhận văn bản trực tuyến, chưa bảo đảm cho lộ trình chuyển đổi số sắp tới… Chủ các cơ sở sản xuất nông nghiệp hầu hết chưa được đào tạo nên kỹ năng quản lý, sản xuất, thị trường, khả năng ứng dụng các công nghệ số vào sản xuất còn hạn chế; nhận thức, tư duy về chuyển đổi số chưa cao.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu theo phương thức sản xuất truyền thống, và vẫn chủ yếu là sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đã hình thành nhưng chưa nhiều. Vì vậy, việc quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Sự tham gia của doanh nghiệp, người sản xuất trong chuyển đổi số còn hạn chế, chưa có các chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy người dân, doanh nghiệp quan tâm, chú trọng ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và kinh doanh, tham gia mạnh mẽ vào nền kinh tế số.

Kiểm tra giống cam ở Khe Mây, Hương Khê

Kiểm tra giống cam ở Khe Mây, Hương Khê.

 

Ông có thể cho biết kế hoạch thực hiện chuyển đổi số đối với ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới ?

Ông Đặng Ngọc Sơn:Để thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn một cách toàn diện, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý, cung cấp dịch vụ công, giải quyết các vấn đề sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương thì cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung cơ bản. Đó là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành; xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để thực hiện thành công cơ cấu cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, tăng giá trị, phát triển bền vững gắn với xây dựng tỉnh nông thôn mới.

Đồng thời, hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững. Rà soát, nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng CNTT cho cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn các cấp, bảo đảm 100% cán bộ, công chức có máy tính cá nhân; kết nối đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng ba cấp (tỉnh, huyện, xã), liên thông với mạng truyền số liệu quốc gia; đáp ứng mọi nhu cầu kết nối giao dịch nội bộ, khai thác dữ liệu dùng chung, hội nghị trực tuyến, cung cấp dịch vụ công và chỉ đạo điều hành.

Đẩy mạnh số hóa, thiết lập cơ sở dữ liệu của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy lợi… Xây dựng kho tri thức phục vụ sản xuất như các quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến các loại sản phẩm, thông tin về thị trường, tư vấn hỏi, đáp... tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu số dùng chung của ngành nông nghiệp. Xây dựng các nền tảng dùng chung, các phần mềm để hỗ trợ cộng đồng, các tổ chức kinh tế trong quản trị sản xuất, kinh doanh, tự động hóa các quy trình sản xuất; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc một cách chính xác và kết nối với các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó phải quan tâm hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, quản lý điều hành và kỹ năng số cho các chủ thể sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp. Từ đó, làm vai trò cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm,... Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, tiếp cận thị trường và phân phối sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số.

 

Ngày 22/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nông nghiệp được xác định là 1 trong 10 lĩnh vực cần ưu tiên để thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới. Quan điểm của tỉnh xác định chuyển đổi số là chìa khóa để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là bước đi tất yếu, tạo nền tảng hình thành môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Xin cảm ơn ông!

Anh Bình
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm