Chuyển đổi số

Chuyển đổi số tác động đến “tài chính” của doanh nghiệp như thế nào?

DNVN - Những thay đổi có thể không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng theo thời gian, đầu tư vào chuyển đổi số có thể tác động lớn đến tài chính của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số cần có bài toán phù hợp theo cách riêng của Việt Nam / Lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số

Chuyển đổi số bao gồm nhiều thứ hơn là chỉ cập nhật công nghệ và quy trình, chuyển đổi số cũng liên quan đến cả doanh thu và cổ đông. Nhiều công ty đang do dự đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số mà không biết liệu khoản đầu tư có mang lại hiệu quả hay không. Tuy nhiên, khi thực hiện một cách có chiến lược, chuyển đổi số có thể cải thiện giá cổ phiếu và doanh thu về lâu dài. Bảy công ty lớn này cho thấy những thay đổi có thể không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng đầu tư vào chuyển đổi số có thể tác động lớn đến tài chính theo thời gian.

Quá trình


7 năm chuyển đổi số ở Best Buy

Bảy năm trước, hầu hết mọi người đều nghĩ Best Buy đã chết. Ngay cả những người trong công ty cũng tin rằng Best Buy không thể tồn tại trước Amazon. Nhưng một vị giám đốc điều hành mới và một quan điểm kỹ thuật số mới đã biến cửa hàng điện tử Best Buy từ một nơi chỉ để mua đĩa CD thành một công ty dẫn đầu về kỹ thuật số trong công nghệ. Thay vì chỉ bán sản phẩm, thương hiệu này đã hướng tới mục tiêu làm phong phú thêm cuộc sống của mọi người bằng công nghệ.

Để điều đó xảy ra, Best Buy đã nỗ lực rất nhiều nhằm cải thiện thời gian giao hàng. Công ty đã giới thiệu một chương trình phù hợp giá và chuyển sang tập trung tư vấn cho khách hàng chứ không chỉ bán hàng cho họ. Nhân viên của Best Buy cung cấp dịch vụ tư vấn tại nhà về cách khách hàng có thể sử dụng thiết bị của họ một cách tốt nhất, đồng thời sẽ sửa chữa mọi thứ tại nhà của khách hàng với mức phí cố định hàng năm.

Best Buy cũng chuyển đổi từ tiếp thị chủ yếu qua thư sang một chiến lược tiếp thị gần như kỹ thuật số hoàn toàn. Chiến lược đó sử dụng dữ liệu để tạo hồ sơ khách hàng nhằm cung cấp các đề xuất và trợ giúp tùy chỉnh.

Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Best Buy không phải là không gặp trục trặc, nhưng kết quả đã bắt đầu hiển ra. Năm 2012, giá cổ phiếu Best Buy là 23,70 USD. Kể từ tháng 7/2019, cổ phiếu Best Buy đã được bán với giá khoảng 74 USD. Tăng trưởng ban đầu khá chậm, nhưng giá cổ phiếu công ty đã tăng đều đặn trong những năm qua. Doanh thu công ty lúc đầu giảm sút nhưng đã bắt đầu tăng đều trong những năm qua, nhảy từ khoảng 40 tỷ USD vào cuối năm 2017 lên 43 tỷ USD vào năm 2019.

8 năm chuyển đổi số ở Target

Hồi năm 2004, Target từng thuê Amazon thiết kế và phụ trách các nội dung, đề mục trên website của mình và chỉ xem website như một thứ phụ trợ. Nhưng vào năm 2011, Target đã nhận ra tầm quan trọng của website và quyết định tự xây dựng sự hiện diện kỹ thuật số của mình, tập trung vào website như một mảng kinh doanh chính. Target đã và đang đầu tư vào các cửa hàng của mình để tạo ra một thiết kế mới, được tu sửa lại nhằm xóa mờ ranh giới giữa thương mại điện tử và cửa hàng thực. Hơn 400 cửa hàng đã được tu sửa và trang bị công nghệ mới trong bốn năm qua, đồng thời giới thiệu dịch vụ đặt hàng trực tuyến và nhận hàng tại cửa hàng cũng như dịch vụ nhận hàng tại các địa điểm do người tiêu dùng lựa chọn.

Target cũng đã đạt được những bước tiến mới với sự hiện diện trên phương tiện truyền thông xã hội hấp dẫn nhất quán cho phép khách hàng khám phá các sản phẩm mới và thậm chí mua chúng trực tiếp thông qua phương tiện truyền thông xã hội.

Target đã nỗ lực không ngừng để xây dựng một chiến lược kỹ thuật số toàn diện hơn cho phép tùy chỉnh sâu hơn. Và rõ ràng là hãng đang được đền đáp. Target đã tăng trưởng ổn định kể từ thời điểm thấp nhất vào năm 2006. Cổ phiếu Target năm 2017 là khoảng 73 USD/cổ phiếu và giảm xuống khoảng 53 USD vào giữa năm, nhưng giá cổ phiếu Target đã dần tăng lên mức 88 USD, tăng trưởng ổn định trong thời kỳ đó. Năm 2019, doanh thu của Target đã tăng từ khoảng 70 tỷ USD lên 76 tỷ USD. Target đã tiến hành sửa sang lại 600 cửa hàng vào năm 2020 với chi phí 7 tỷ USD.

7 năm chuyển đổi số ở Hasbro

Tại Hasbro, chuyển đổi kỹ thuật số là một “trò chơi”. Sở dĩ nói như vậy vì Hasbro là công ty về đồ chơi cho trẻ em. Công ty đã đầu tư lớn vào các chiến lược dữ liệu và kỹ thuật số của mình. Vào cuối năm 2012, Hasbro nhận ra rằng thay vì tập trung vào trẻ em, hãng thực sự nên tiếp thị cho các bậc cha mẹ, những người thực sự mua hàng.

Công ty đã tận dụng dữ liệu để tạo ra các chiến dịch tiếp thị được nhắm mục tiêu trên nhiều kênh, bao gồm cả thúc đẩy mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông xã hội. Dữ liệu đã giúp công ty hiểu rõ hơn về khách hàng của mình và giới thiệu đồ chơi có liên quan cho các bậc cha mẹ. Việc sử dụng dữ liệu cũng giúp Hasbro tạo ra trải nghiệm dễ dàng vì hãng đã hiểu rõ hơn về khách hàng, có thể chủ động đáp ứng nhu cầu của họ.

Hasbro cũng khai thác sức mạnh của cách kể chuyện kỹ thuật số thông qua mạng xã hội và nội dung video. Hãng kết hợp các thương hiệu uy tín với các kênh có tư duy tương lai để kết nối với khách hàng. Tiếp thị đa kênh giúp sản phẩm luôn hiện hữu trong tâm trí khách hàng để cải thiện mối quan hệ với thương hiệu.

Tất nhiên, cái giá của sự chuyển đổi không hề rẻ. Hasbro đã tăng chi tiêu cho quảng cáo lên 1.100%, nhưng điều đó đã giúp tăng doanh số bán hàng thêm 1 tỷ USD. Năm 2016, lần đầu tiên Hasbro đạt doanh thu 5 tỷ USD. Năm 2013, cổ phiếu Hasbro được bán với giá 36 USD. 6 năm sau đó, vào năm 2019, cổ phiếu của hãng được bán với giá 109 USD. Sự tăng trưởng tại Hasbro bị gián đoạn bởi những thay đổi và biến động của ngành, nhưng việc tập trung vào tiếp thị kỹ thuật số và dữ liệu đã giúp Hasbro vượt qua cơn bão.

2 năm chuyển đổi số tại Home Depot

Từng chỉ là một cửa hàng bán hàng đơn thuần, The Home Depot ngày nay đã có một bộ phận CNTT và dữ liệu mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra. Vào cuối năm 2017, công ty cho biết họ sẽ đầu tư hơn 11 tỷ USD trong ba năm tới để cải thiện và kết hợp trải nghiệm mua sắm trực tuyến và vật lý của mình. Hãng cũng đặt ra kế hoạch thuê 1.000 chuyên gia CNTT và trải nghiệm người dùng. Mục tiêu là tạo ra trải nghiệm liền mạch trên các kênh và cung cấp các sản phẩm và tài nguyên tốt nhất cho khách hàng. Khoản đầu tư đã giúp Home Depot xây dựng các kênh phân phối và bán lẻ.

Home Depot cũng đã cải thiện việc sử dụng dữ liệu để hiểu rõ hơn về khách hàng. Bằng cách theo dõi các xu hướng địa phương, hãng có thể đảm bảo có đúng mặt hàng người tiêu dùng cần ngay trong kho. Home Depot cũng bổ sung tính năng tìm kiếm bằng giọng nói và hình ảnh vào ứng dụng của mình để cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn. Thay vì bị choáng ngợp bởi các sản phẩm, khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy các mặt hàng phù hợp và được trợ giúp để biết cách sửa chữa nhà hoặc hoàn thành một dự án.

Nỗ lực làm lu mờ giữa môi trường trực tuyến và tại cửa hàng đã phát huy tác dụng. Cổ phiếu của Home Depot đã cải thiện từ 135 USD vào đầu năm 2017 lên 215 USD vào hai năm sau đó, năm 2019. Đồng thời, doanh thu đã tăng từ 93,3 tỷ USD lên gần 110 tỷ USD.

Micrososft

Vào đầu năm 2014, ngay trước khi quá trình chuyển đổi số của Microsoft bắt đầu, cổ phiếu hãng phần mềm được bán ra với giá khoảng 38 USD/cổ phiếu. Năm 2019, chúng có trị giá khoảng 136 USD.

5 năm chuyển đổi số tại Microsoft
Microsoft từ lâu đã nổi tiếng là hãng phần mềm số 1 của thế giới, với các sản phẩm hàng đầu là Windows và bộ Office. Nhưng giá cổ phiếu tụt hậu và sức nóng cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các công ty như Apple và Amazon đã khiến công ty phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình. Cuối cùng, cách làm của Microsoft là tạo ra một doanh nghiệp đám mây tập trung hơn vào tương lai.

Khi CEO Satya Nadella tiếp quản Microsoft vào năm 2014, công ty bắt đầu chuyển hướng sang các hệ thống mạng đám mây. Hãng đã chuyển trọng tâm khỏi mảng phần mềm truyền thống sang một hệ thống đám mây linh hoạt hơn cho cả mục đích sử dụng cá nhân và doanh nghiệp. Thay vì né tránh các mối quan hệ đối tác như trước đây, Microsoft đã thay đổi hướng đi để xây dựng mối quan hệ với các công ty phần mềm và công nghệ khác. Quan điểm về quan hệ công chúng cũng thay đổi, khi Microsoft từ chỗ bị coi là một công ty lạc hậu hoặc trì trệ thành một công ty cung cấp giải pháp đám mây có tư duy tương lai.

Vào đầu năm 2014, ngay trước khi quá trình chuyển đổi số của Microsoft bắt đầu, cổ phiếu hãng phần mềm được bán ra với giá khoảng 38 USD/cổ phiếu. Năm 2019, chúng có trị giá khoảng 136 USD. Trong cùng thời kỳ đó, doanh thu đã tăng từ 93,5 tỷ USD lên 122 tỷ USD. Vào năm 2019, Microsoft trở thành công ty thứ ba đạt mức vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD, trước cả đối thủ cạnh tranh Google. Thành tích đó thậm chí còn không thể tin được trong chỉ vài năm trước.

2 năm chuyển đổi số tại Nike

Mặc dù có mặt hàng chủ lực là giày và quần áo thể thao, Nike bắt đầu có vẻ chậm chạp và tụt hậu. Nhận ra điều đó, công ty đã chuyển đổi tư duy và trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số liên tục để tái tạo lại thương hiệu và chuỗi cung ứng của mình.

Thay vì thông qua khâu trung gian, Nike đã cải thiện kết nối với khách hàng thông qua các cơ hội thành viên, tiếp thị kỹ thuật số mạnh mẽ hơn và phân tích dữ liệu mạnh mẽ. Thay vì bán hàng thông qua các nhà cung cấp khác, Nike bắt đầu bán trực tiếp cho khách hàng và hợp tác với Amazon để có chiến lược thương mại điện tử cập nhật.

Việc tập trung từ đầu đến cuối vào dữ liệu người tiêu dùng tốt hơn cho phép Nike kết nối với khách hàng và giới thiệu các sản phẩm phù hợp. Hãng cũng đã mở các cửa hàng ý tưởng và cải thiện trải nghiệm trực tuyến và ứng dụng của mình.

Nỗ lực tập trung vào kỹ thuật số được cải thiện mang lại cho Nike chu kỳ phát triển sản phẩm nhanh hơn, cho phép Nike nhanh chóng đưa sản phẩm mới ra thị trường, đáp ứng và thiết lập xu hướng cũng như kiểm soát số lượng mặt hàng được sản xuất.

Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Nike đã diễn ra với những chiến lược thúc đẩy các cách thức sáng tạo để kết nối với khách hàng và vươn lên trong cuộc cạnh tranh. Vào đầu năm 2017, giá cổ phiếu của Nike là 52 USD; 2 năm sau, giá cổ phiếu của hãng lên gần 88 USD. Đồng thời, doanh thu tăng từ 33,5 tỷ USD lên 39,1 tỷ USD.

3 năm chuyển đổi số tại Honeywell

Là một công ty chuyên giúp các công ty khác thực hiện chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số, Honeywell cũng đã thực hiện những thay đổi lớn trong chính mình. Mục tiêu của hãng là tập trung vào chất lượng hơn là số lượng và tận dụng các giải pháp kỹ thuật số. Honeywell sử dụng dữ liệu để xác định các bước khởi đầu và lên kế hoạch tốt nhất cho công ty của mình.

Cùng với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của riêng mình, Honeywell sử dụng dữ liệu để trợ giúp khách hàng. Năm 2016, Honeywell bắt đầu thành lập nhóm chuyển đổi kỹ thuật số nội bộ. Họ giới thiệu các công nghệ mới, bao gồm nhiều thiết bị và dịch vụ được kết nối IoT và lấy dữ liệu làm trung tâm. Khi đổi mới kiểm soát quy trình công nghiệp và cung cấp nhiều giải pháp công nghệ hơn cho khách hàng, Honeywell cũng thể hiện sự tập trung mới của mình vào dữ liệu khách hàng và các giải pháp nội bộ. Hợp lý hóa các quy trình nội bộ và số hóa càng nhiều càng tốt cho phép công ty xây dựng các mối quan hệ và sản phẩm chất lượng.

Kể từ khi nỗ lực đổi mới bắt đầu cách đây khoảng 6 năm, cổ phiếu của Honeywell đã tăng từ 95 USD/cổ phiếu lên 174 USD vào năm 2019. Doanh thu của hãng đã tăng từ 40,3 tỷ USD lên mức cao nhất gần 43 tỷ USD vào giữa năm 2018, nhưng sau đó nó đã giảm trở lại 38,6 tỷ USD một năm sau. Chuyển đổi kỹ thuật số là một quá trình liên tục.

Rõ ràng, chuyển đổi số là một quá trình liên tục, như trong trường hợp của Honeywell. Không thể nói một công ty nào đó là đã thực hiện xong chuyển đổi số, mà nó phải diễn tiến liên tục, cùng với sự phát triển, vận động của thị trường và công nghệ. Cam kết chuyển đổi kỹ thuật số và các nguồn lực hỗ trợ có thể biến các cổ phiếu tụt hậu trở thành các công ty dẫn đầu ngành. Mặc dù có những rủi ro liên quan, song các công ty này đều cho thấy rằng việc tìm kiếm các giải pháp và quy trình kỹ thuật số có thể dẫn đến lợi nhuận tài chính lâu dài.

Hoàng Lan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm