Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Phụ thuộc vào tầm nhìn và chiến lược của lãnh đạo
Cảnh báo chiêu trò cho vay nặng lãi qua thế chấp tài khoản iCloud / Giải pháp bảo vệ bản quyền của Việt Nam Sigma Multi-DRM đạt tiêu chuẩn toàn cầu
Đó là nội dung mà các chuyên gia kinh tế đưa ra tại chương trình cà phê doanh nhân với chủ đề “Chuyển đổi số trong thương mại điện tử cơ hội và thách thức với doanh nghiệp” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức mới đây.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp “đổi vận”
Có thể thấy, kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện công cuộc chuyển đổi số thì doanh nghiệp được xem là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay. Dịch Covid-19 là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng, nhưng cũng chính là mệnh lệnh khiến cả thế giới phải thay đổi.
Và quá trình chuyển đổi số được nhận định sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đặc biệt là tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, nhanh chóng hơn.
Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Vũ Ngọc Tuấn - TGĐ Công ty CP Công viên nước Đầm Sen tỏ ra rất thực tế trong việc chuyển đổi số hóa vì mối lợi rõ ràng trước mắt. Ông Tuấn cho biết, là khu vui chơi giải trí lớn ở TP.HCM, Đầm Sen thường gặp cảnh quá tải trong khâu bán và kiểm soát vé vào các ngày cuối tuần hay ngày lễ. “Dịp cao điểm, trong vòng 3 tiếng đồng hồ, Đầm Sen có khi đón hơn 10.000 khách đi qua cái cổng nhỏ xíu. Nhân viên và lãnh đạo đều rất đau đầu”, ông Tuấn kể.
Đại diện Công ty CP Công viên nước Đầm Sen cho biết thêm, cũng có đơn vị tư vấn cho Đầm Sen dùng thẻ từ. Nhưng phương án này vừa tốn kém vừa chậm. Sau thời gian dài tìm kiếm giải pháp, đến đầu năm 2020, bài toán này đã được giải. Cổ đông lớn của đơn vị là Ngân hàng Việt Á hợp tác với đơn vị tư vấn triển khai giải pháp bán và kiểm soát vé trên nền tảng đám mây. Khâu bán và kiểm soát vé trước đây có cả chục nhân viên giờ chỉ còn vài nhân viên cầm hai máy tính bảng kiểm tra mỗi ngày.
“Hiện giờ, vào các ngày cuối tuần, có khoảng 15.000 khách đi vào trong vòng ba tiếng nhưng nhân viên vẫn rất nhàn nhã. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến tới một bước số hóa nữa là khách hàng vào chỉ sử dụng chip, sử dụng bao nhiêu dịch vụ thì khi ra sẽ tính tiền”, ông Tuấn cho hay.
Các doanh nghiệp tham gia chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số tại chương trình.
Tương tự như Đầm Sen, đại diện Tập đoàn Napoli Coffee - ông Nguyễn Đức Hưng cho biết, hơn 1 năm trước đơn vị đã chuyển đổi các quy trình hoạt động chọn món và thành toán thủ công sang tự động hoá, rất tiết kiệm thời gian và rất nhiều khoản chi phí.
Theo ông Hưng, chuyển đổi số giúp nhanh, hiệu quả trong vận hành của đơn vị mình. Các công ty công nghệ cung cấp cho mình nền tảng số, trang thiết bị, chúng ta giảm rất nhiều chi phí đầu tư của nhà đầu tư, cũng như các đối tác của Napoli.
“Bây giờ khách vào quán chọn món bằng cách chụp hình bằng điện thoại của mình, hệ thống truyền tải điện tử của quán sẽ tự động chuyển đến quầy pha chế. Khi thanh toán, khách có thể trả tiền mặt hoặc qua ví điện tử. Hoạt động giao hàng cũng được thực hiện nhanh hơn nhờ chức năng trợ lý ảo trên hệ thống”, ông Hưng chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, dù đã có nhiều trường hợp chuyển đổi số thành công, nhưng vẫn còn một nỗi lo chung ở doanh nghiệp là vấn đề bảo mật. Vì khi đưa dữ liệu lên hệ thống máy tính, nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu trở nên hiển hiện. Theo ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu đánh giá, không hệ thống nào đảm bảo an toàn 100%. Do đó, doanh nghiệp cần tìm doanh nghiệp uy tín và hạ tầng tốt để hợp tác.
Ông Tuấn khuyến cáo, khả năng mất cắp dữ liệu từ bên ngoài không quan trọng bằng rủi ro mất dữ liệu từ bên trong. Song song với quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xây dựng quy trình làm việc chặt chẽ để tránh bị thất thoát dữ liệu nội bộ.
Lãnh đạo doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi sổ
Theo GS.TS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Viện John Neumann, ĐHQG TP.HCM, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản cho rằng, chuyển đổi số là quá trình tự thay đổi để thích ứng với môi trường số. Đó là việc thay đổi cách hoạt động bằng các công nghệ mới chứ không phải việc dùng công nghệ này. Trí tuệ nhân tạo dựa vào dữ liệu là công nghệ chính để thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp. Cho nên, doanh nghiệp cần quan tâm đào tạo lực lượng lao động có khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nghề nghiệp của họ.
Theo GS. TS Hồ Tú Bảo, lãnh đạo phải là người dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp.
GS.TS Hồ Tú Bảo phân tích, trong thực hiện việc chuyển đổi số, người lãnh đạo giữ vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại. Theo đó, người lãnh đạo phải biết giao tiếp, có tầm nhìn, trình độ kỹ thuật số, có chiến lược để biến tầm nhìn thành hiện thực, đổi mới sáng tạo, chấp nhận rủi ro, trọng tài năng và biết thích nghi. Đồng thời, cũng như cần sự tham gia của mọi thành viên trong đơn vị.
Về lộ trình chuyển đổi số, GS.TS Hồ Tú Bảo cho hay, không có lộ trình chung mà mỗi doanh nghiệp phải xây dựng lộ trình riêng; đánh giá chi phí chuyển đổi và chi phí không chuyển đổi; việc dễ nhưng hiệu quả thì làm trước (chatbot chăm sóc khách hàng); ưu tiên đầu tư trước các phân hệ giúp tích lũy các dữ liệu có giá trị cao; ưu tiên các phân hệ tạo ra dịch vụ mới, tái đào tạo và điều chuyển nhân sự dôi dư từ các quy trình đã tự động hóa.
Theo GS.TS Hồ Tú Bảo, việc thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp cần trải qua các bước gồm: Xác định thực trạng và mục tiêu; xây dựng chiến lược, mô hình và lộ trình; chuẩn bị năng lực số (nhân lực, hạ tầng, văn hóa…); xác định công nghệ và nền tảng; xác định tiêu chí về tiến bộ khi chuyển đổi; chuyển đổi theo lộ trình, thực hiện - đánh giá - rút kinh nghiệm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo