Chuyển đổi số

Chuyên gia Võ Trí Thành: Chuyển đổi số không còn là câu chuyện sống còn nữa, mà là chuyện bắt nhịp với xu thế

DNVN - Theo chuyên gia Võ Trí Thành thì hậu Covid các DN nên chuyển đổi sản phẩm của mình theo xu hướng và thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó ông cũng cho rằng chuyển đổi số không còn là câu chuyện sống còn nữa mà nó là câu chuyện của bắt nhịp xu thế. Nguyên tắc đầu tiên là phải nhìn xu thế của thế giới và đặt chiến lược của DN trong xu thế đó.

Tổng giám đốc Dong A Solution: Chuyển đổi số chưa bao giờ là vấn đề của phần mềm mà nó là vấn đề của con người và tư duy quản trị / Chủ tịch Sài Gòn Book: Chuyển đổi số và chăm sóc khách hàng là 2 yếu tố quan trọng của DN

Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề, phủ bóng đen lên toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại mặc dù Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh nhưng các nước trên thế giới tình hình vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp lên chuỗi cung ứng toàn cầu, làm ngưng trệ sản xuất, giao thương và gây khó khăn rất lớn đến nền kinh tế trong nước.

Ở những thời điểm khó khăn như hiện tại thì việc nắm bắt được những số liệu thống kê về ngành, về tình hình kinh tế cũng như việc có một cái nhìn tổng quan về nền kinh tế vĩ mô sẽ giúp rất nhiều cho các chủ DN xác định lại mục tiêu, thị trường cũng như hướng đi cho doanh nghiệp (DN) của mình để có thể phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Mới đây, trong một cuộc hội thảo với chủ đề “Tái khởi động SMEs hậu khủng hoảng” Chuyên gia Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đã đưa ra những nhận định của mình về nền kinh tế vĩ mô và đưa ra những lời khuyên để các DN vừa và nhỏ có thể vực dậy hậu Covid-19.

Chuyên gia Võ Trí Thành nhận định, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở thời điểm hiện tại dù là khu vực phát triển hay đang phát triển thì đều có chung một tình trạng là tất cả mức thu nhập ở các khu vực này đều âm. Trường hợp người lao động thất nghiệp, mất việc làm có thể lên tới hàng trăm triệu người.

Chuyên gia Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương

Chuyên gia Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương.

Ông Thành cho rằng, cuộc khủng hoảng này có khác so với những cuộc khủng khoảng đã từng diễn ra trong lịch sử. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu bằng sự hoảng loạn, sợ hãi sau đó là đến việc đứt khúc các chuỗi giá trị sản xuất. Tiếp theo nó liên quan đến việc làm, lao động và tài chính của từng quốc gia. Ông Thành cũng cho rằng, tác động của cuộc khủng hoảng này phụ thuộc rất lớn vào cách ứng xử của Nhà nước, phụ thuộc vào tâm lý của thị trường, nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra những xu hướng thay đổi hậu Covid-19. Ông cho rằng thế giới hiện đang bị chi phối qua nhiều bởi thị trường. “Xu hướng tiêu dùng của 10-15 năm về đây xanh hơn, nhân văn hơn và an toàn hơn. Đại dịch Covid-19 lại được đẩy lên cẩn trọng hơn và thiết thực hơn nữa. Bên cạnh đó xu hướng công nghệ 4.0 hay còn gọi là chuyển đổi số cũng được đẩy mạnh thêm một bước”.

Nói về cách thức phục hồi của nền kinh tế toàn cầu chuyên gia Võ Trí Thành nhận định: "có người nói nền kinh tế sẽ phục hồi theo hình chữ V, có người nói sẽ phục hồi theo hình chữ W nhưng cũng có người lại cho rằng kinh tế sẽ phục hồi theo hình chữ L. Nhưng theo tôi nền kinh tế phục hồi như thế nào sẽ phụ thuộc vào cách khống chế dịch, cách hỗ trợ từ nhà nước và cách đứng dậy của các chủ DN”.

Theo một số liệu cuộc khảo sát mới đây mà ông Thành có được khi được hỏi về nhận định khi nào nền kinh tế có thể quay trở lại hồi phục như trước dịch thì có đến 50% số người được hỏi cho rằng để kinh tế hồi phục được phải đến quý I/2020. Chỉ có khoảng hơn 10% lạc quan cho rằng kinh tế sẽ hồi phục vào quý I/2021 và cũng không ít người cho rằng phải đến quý I/2023 kinh tế mới có thể hồi phục được. Tuy nhiên chuyên gia Võ Trí Thành tin vào sự hồi phục nhanh của nền kinh tế vì ông cho rằng rủi ro phía trước còn rất lớn.

Bên cạnh đó ông Thành cũng đưa ra cảnh báo về quả bom nợ sẽ càng ngày càng lớn hơn với cách bơm tiền và chấp nhận thâm hụt ngân sách vô cùng lớn của các nước. Ở thời điểm hiện tại cách ứng xử tài chính là vô cùng quan trọng, ông cho biết thêm.

Với chủ đề là “tái khởi động doanh nghiệp SMEs hậu khủng hoảng” chuyên gia Võ Trí Thành cũng đưa ra những nhận định và chia sẻ của mình về thời điểm để các DN tái khởi động lại hiệu quả.

Theo ông Thành thì nên thay từ tái khởi động bằng từ “vực dậy” thì sẽ đúng hơn. Tuy nhiên vực dậy cần phải có cách thức làm mới chứ không nên giữ các phương thức làm cũ. Các DN có bản lĩnh, có chất chơi tốt thì sẽ thực hiện hai quá trình đồng thời vừa tìm cách hoạt động để duy trì sự tồn tại của DN bên cạnh đó sẽ tìm các cơ hội tốt hơn để tái cấu trúc luôn DN của mình để có thể bắt nhịp với sự phát triển của tình hình mới.

Một số điểm mà ông thành lưu ý với các chủ DN trong giai đoạn hiện tại cụ thể như sau: Thứ nhất, DN cần chuyển đổi sản phẩm của mình theo xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng. Thứ hai, bằng mọi cách DN cần phải tiết giảm chi phí bằng mọi cách có thể.

Thứ ba, là "cố gắng duy trì sống sót nhưng theo xu thế chuyển đổi mô hình và cách thức kinh doanh, chuyển đổi số gắn với thương mại điện tử, giao hàng online, thanh toán tiền mặt.. Chuyển đổi số không phải là câu chuyện sống còn nữa mà là câu chuyện bắt nhịp với xu thế. Nguyên tắc đầu tiên là phải nhìn xu thế của thế giới, phải đặt chiến lược của DN trong xu thế phát triển đó", ông Thành nhấn mạnh.

Thứ tư, trong thời gian khó khăn các DN vẫn phải kết nối với khách hàng cũ, với đối tác, với thị trường...dù không còn làm việc vì theo ông Thành chi phí chìm cho việc kết nối sẽ là rất lớn nếu như phải làm lại từ đầu.

Cuối cùng các chủ DN phải hiểu được vấn đề tài chính. Trong khó khăn tính thanh khoản là vua chứ không phải là lợi nhuận. Bên cạnh đó ông Thành cũng cho rằng các chủ DN cần chú ý và quan tâm hơn đến việc quản trị rủi ro của DN để có thể đưa ra những phương án phù hợp nhất cho từng thời điểm.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm