Chuyển đổi số

Danang IT Park bắt tay đối tác Singapore đầu tư Trung tâm dữ liệu 100 triệu USD

DNVN - Chiều 23/11, tại Đà Nẵng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Công ty CP Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (DIP - thuộc chủ đầu tư Trungnam Group) và đối tác Infracrowd Capital (Singapore) về đầu tư phát triển khu Data Center theo tiêu chuẩn Tier 3 Plus với tổng vốn khoảng 100 triệu USD.

Đà Nẵng: Xử phạt vi phạm giao thông qua camera giám sát từ 15/11 / Đà Nẵng: 630 tỷ đồng ngầm hóa lưới điện 27 tuyến đường nội thị

Theo ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc Công ty Cổ Phần Phát triển khu CNTT Đà Nẵng (DIP – Danang IT Park, thuộc chủ đầu tư Trungnam Group), việc ký kết hợp tác với Infracrowd Capital (Singapore) đầu tư Trung tâm dữ liệu (Data Center) theo tiêu chuẩn Tier 3 Plus với tổng mức đầu tư tương đương 100 triệu USD tại DIP đánh dấu bước tiến mới trong quá trình phát triển và thu hút đầu tư tại DIP, hướng tới việc hình thành Khu CNTT tập trung trọng điểm của cả nước.

Ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc DIP và ông John Lee, Giám đốc điều hành Infracrowd Capital ký kết trực tuyến biên bản hợp tác đầu tư Data Center trị giá 100 triệu USD tại DIP

Ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc DIP và ông John Lee, Giám đốc điều hành Infracrowd Capital ký kết trực tuyến biên bản hợp tác đầu tư Data Center trị giá 100 triệu USD tại DIP

Ông Nguyễn Anh Huy cho hay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng đến nay DIP có 5 nhà máy quy mô từ 4000 – 6000m2/sàn đang dần hình thành và sẽ đi vào hoạt động trong Quý I/2022. Cùng với đó, Khu chuyên gia và công viên sinh thái dịch vụ với 64 căn biệt thự, 33 biệt thự sườn đồi, khu thể thao, Club House, khu công viên trung tâm… cũng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.

“Những điều trên cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng, đầu tư nghiêm túc, thực hiện theo lộ trình một cách bài bản, đúng định hướng của doanh nghiệp. Kết quả là đã, đang có nhiều nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tại DIP. Một trong số đó là Infracrowd Capital – Quỹ đầu tư ủy thác từ Singapore với những chuyên gia hơn 60 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn phát triển, tại trợ vốn, quản lý thực hiện các dự án hạ tầng bền vững tại châu Á và trên thế giới”, ông Nguyễn Anh Huy nói.

Ông Nguyễn Anh Huy cho hay, ngay sau lễ ký kết, hai bên sẽ bắt tay vào việc phát triển một Data Center đạt tiêu chuẩn Tier III plus với công suất 30 – 40 MW tại DIP. Cam kết bước đầu của hai bên là bằng tất cả nổ lực nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết để có thể triển khai dự án trong năm 2022 và đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024. Đây là dự án hết sức có ý nghĩa với DIP và đã thu hút Infracrowd Capital quyết định hợp tác đầu tư.

Về phần mình, phát biểu qua màn hình trực tuyến từ Singapore, ông John Lee, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành Infracrowd Capital đánh giá thị trường Data Center Việt Nam đạt 858 triệu USD vào năm 2020 và được dự báo sẽ tăng trưởng kép hàng năm trên 14,64% cho đến năm 2026. Hiện tại, nền kinh tế số của Việt Nam ước tính đạt 14 tỷ USD. Theo báo cáo kinh tế Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, các nhà phân tích ước tính nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt khoảng 43 tỷ USD vào năm 2025.

Ông John Lee nói: “Chúng tôi tin rằng sự chuyển dịch mạnh mẽ của Dữ liệu doanh nghiệp sang trung tâm lưu trữ “Đám mây”(Cloud) sẽ thúc đẩy hơn nữa thị trường Data Center tại Việt Nam và thúc đẩy nền kinh tế số. Việc áp dụng Cloud sẽ giúp nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSME) với tỷ trọng chiếm khoảng hơn 96% doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phát triển trong chiến lược và hành trình chuyển đổi số của họ”.

Giám đốc điều hành Infracrowd Capital cũng bày tỏ vui mừng hợp tác với Trungnam Group và DIP nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố thông minh” trong việc thúc đẩy và tăng tốc các dịch vụ Chính phủ điện tử và nền kinh tế số, bao gồm cả việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

Nhân dịp này cũng diễn ra lễ ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược giữa nhà máy Trungnam EMS tại DIP với đối tác Xelex về việc tham gia chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT phát động. Theo đó, hai bên ký kết hợp tác sản xuất 100.000 sản phẩm máy tính bảng phục vụ hỗ trợ cho các em học sinh có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả.

Như vậy, chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, nhà máy Trungnam EMS đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ, có thể sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử, đạt được sự tin tưởng và công nhận của các đối tác trong nước và quốc tế. Nhà máy cũng đã ký kết một đơn hàng với đối tác Mỹ trị giá 200 tỷ đồng, sản xuất trong vòng 6 tháng.

Dự kiến trong năm 2022, nhà máy Trungnam EMS đưa vào vận hành 2 máy trong phân khu A2 với 20 line SMT, tạo công ăn việc làm cho 1000 - 2000 lao động. Hiện nay, để đáp ứng các đơn hàng ngày càng nhiều từ các đối tác, nhà máy cũng đang tăng cường tuyển dụng nhân sự để đào tạo, sớm làm quen với thiết bị công nghệ cao nhằm tham gia có hiệu quả vào hoạt động của nhà máy.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm