Chuyển đổi số

Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử được triển khai đồng loạt từ 1/7/2020

DNVN - Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ triển khai đồng loạt trên toàn quốc từ 1/7/2020, hỗ trợ chính quyền các cấp cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Những dịch vụ nào được cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia? / Tổng cục Thuế khuyến khích nộp thuế điện tử qua Cổng dịch vụ công quốc gia

Hàng chục triệu dân được hưởng lợi, tiết kiệm được 428 tỷ đồng/năm

Giới thiệu về dịch vụ chứng thực bản sao điện tử, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho biết nếu dịch vụ này được triển khai sẽ mang lại lợi ích cho hàng chục triệu dân khi thực hiện các hoạt động chứng thực giấy tờ thủ tục hành chính.

Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử được triển khai sẽ mang lại lợi ích cho hàng chục triệu dân. (Ảnh minh họa: Internet)

Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử được triển khai sẽ mang lại lợi ích cho hàng chục triệu dân. (Ảnh minh họa: Internet)

Với quy định bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử. Loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như hiện nay.

Sau khi người dân gặp cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cung cấp bản chính hợp lệ, cơ quan thực hiện chứng thực kiểm ra và sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao trên Cổng dịch vụ công quốc gia để nhập lời chứng, ký số, đóng dấu theo thẩm quyền và trả cho người dân doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp sẽ nhận bản chứng thực điện tử có đầy đủ thông tin, dữ liệu chữ ký, con dấu của cơ quan có thẩm quyền tại tài khoản của mình trên cổng hoặc nhận qua mail.

Ông Ngô Hải Phan phân tích, theo số liệu của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm được là 428,4 tỷ đồng/năm.

Tiện ích đem lại cho các cơ quan là thực hiện toàn bộ quy trình cấp bản sao chứng thực từ bản chính trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm bản sao chứng thực được cấp ra có đầy đủ thông tin theo quy định, thống nhất về hình thức. Cán bộ tiếp nhận bản sao điện tử đã chứng thực có thể dễ dàng kiểm tra tính toàn vẹn, chính xác để giải quyết cho thủ tục tiếp theo.

Ngoài ra, dịch vụ này cho phép người dân, doanh nghiệp đặt lịch trước khi đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục chỉ trong 15 phút.

Tuy nhiên, ông Ngô Hải Phan cũng chia sẻ những khó khăn: một số văn bản pháp lý liên quan như mẫu bản sao điện tử được chứng thực, yêu cầu kỹ thuật với bản sao điện tử hiện chưa được quy định. Đối tượng thực hiện dịch vụ cấp bản sao điện tử chứng thực từ bản chính gồm nhiều cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng, nên việc quản lý cần chặt chẽ, đảm bảo quản lý tài khoản, phân vai, phân quyền tương đối phức tạp.

Cung cấp chữ ký số phục vụ triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử bản chính, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 45 ngày 8/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ ban hành mẫu, các yêu cầu kỹ thuật đối với bản sao điện tử được chứng thực, hoàn thành trước ngày 1/7/2020. Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ các cơ quan có thẩm quyền chứng thực trong quá trình thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

Ban Cơ yếu Chính phủ được giao rà soát, cung cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; cung cấp công cụ hỗ trợ cán bộ, công chức kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số trên bản sao điện tử được chứng thực, bao gồm chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ và chữ ký số công cộng để tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

Nghị định 45/2020/NĐ-CP là nghị định tiên phong về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, là văn bản pháp lý quan trọng cho sử dụng văn bản điện tử, chữ ký điện tử, chữ ký số, giao dịch điện tử. Với việc triển khai Điều 10 Nghị định 45 quy định yêu cầu cấp bản sao điện tử có giá trị pháp lý, ngày 13/4/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Ban Cơ yếu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định.

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo