DN nhỏ và vừa vẫn thụ động với chuyển đổi số: Thiếu vốn, thiếu cả tư duy
Tuổi trẻ Ngành Y chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 / Ông Nguyễn Thiện Nhân: TP Thủ Đức sẽ là trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn trong nước và quốc tế
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Việt Long - Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young, Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) đưa ra tại hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cơ hội, thách thức và giải pháp" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Chuyển đổi số vẫn là chuyện của doanh nghiệp lớn
Thống kê từ Tập đoàn hệ thống công nghệ Hoa Kỳ Cisco cho thấy, quá trình số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24-30 tỷ USD vào GDP năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường. Gần 80% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam (DN) là nhập khẩu công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990. Phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số.
Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có chiến lược ứng dụng các công nghệ số và chủ động hơn trước phản ứng thị trường hay có chiến lược số hóa để đổi mới. Điều này khiến các DN vừa và nhỏ Việt Nam đứng sau Philippines và Indoneisa về chuyển đổi số.
Khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam cũng cho thấy, trên cả nước chỉ có 15% doanh nghiệp đang chuyển đổi số. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào quá trình này vì gặp khó khăn về vốn, nhưng cũng một phần xem rằng dây là câu chuyện của doanh nghiệp lớn.
Việc chuyển đổi số nên được triển khai từ những khâu nhỏ nhất, các SMEs thấy chỗ nào triển khai được là nên triển khai, không cần phải triển khai toàn bộ trên cả hệ thống doanh nghiệp.
Nói về lý do doanh nghiệp nhỏ và vừa chậm chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc VCCorp, nhà sáng lập Bizfly cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (SMEs) thường có nhiều góc nhìn sai lầm như sau về quá trình chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số chỉ dành cho doanh nghiệp lớn; chuyển đổi số tốn nhiều tiền; chuyển đổi số triển khai càng nhiều càng tốt, tiến trình diễn ra nhanh chóng; chuyển đổi số đây là chiếc đũa thần giúp doanh nghiệp cất cánh.
Với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định là hoàn toàn sai lầm vì không chỉ doanh nghiệp lớn mà các SMEs cũng cần chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đang làm nhưng không ý thức được những hành động ấy cũng là chuyển đổi số, ví dụ như bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, dùng chatbot, dùng các hệ thống tự động hoá.
Ngoài ra, với các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ, một năm chi phí cho quá trình chuyển đổi số chỉ tốn vài chục triệu đồng, chia ra trung bình khoảng 1-2 triệu/tháng, chưa bằng tiền lương trả cho một nhân viên cấp thấp trong công ty. Vậy nên nếu dùng các giải pháp chuyển đổi số và doanh nghiệp bớt được 1 nhân sự thì họ đã hòa vốn.
Theo ông Tuấn, việc chuyển đổi số nên được triển khai từ những khâu nhỏ nhất. Các SMEs thấy chỗ nào triển khai được là nên triển khai, không cần phải triển khai toàn bộ trên cả hệ thống doanh nghiệp. Ngoài ra, chuyển đổi số thành công cần thời gian và phải tùy mức độ, phạm vi lựa chọn của từng doanh nghiệp. Ông Tuấn cho rằng, giai đoạn đầu triển khai sẽ rất mệt mỏi, tốn chi phí, mất thời gian, thậm chí làm doanh thu chững lại. Tuy nhiên nếu thành công, chuyển đổi số sẽ giúp SMEs hoạt động hiểu quả hơn.
Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young, Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) cho biết, trong hạ tầng liên quan đến kết nối, thì Việt Nam so với một số nước ở khu vực xung quanh như Indonesia và Thái Lan, chúng ta có chỉ số tương đối tốt. 82% là tỷ lệ thuê bao băng rộng trên tổng dân số, đối với cả băng rộng cố định thì chúng ta là 12%, trong khi đó thì Thái Lan chỉ có 11%.
Theo các chuyên gia, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đối với cả nền tảng thanh toán thì chỉ số của Việt Nam hơi thấp so với cả một số nước xung quanh. Chúng ta có 22% là tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số trong năm vừa qua, trong khi đó, bên Thái Lan là 62% Indonesia là 34%. Như vậy là sự sẵn sàng của nền tảng công nghệ số cũng tương đối tốt và một số các nhà mạng bắt đầu triển khai 5G. Cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là hiện nay đang đến và nếu doanh nghiệp không tận dụng thời cơ này, thì nguy cơ thách thức ở đây là sẽ tụt lùi.
"Do lực đẩy về công nghệ số và sức kéo của thị trường người tiêu dùng số, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ chuyển dịch, mang lại cơ hội nâng cao năng lực, tạo động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, để tiếp cận chuyển đổi số, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là xây dựng chiến lược chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Việt Long nhận xét.
Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ quá trình hội nhập và từ tác động bởi đại dịch Covid-19. Cuộc sống con người, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang thay đổi nhanh chóng theo hướng số hóa các hoạt động. Covid -19 đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng.
Bên cạnh đó, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là một chủ trương lớn, quan trọng, một định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước để các doanh nghiệp không bị tụt hậu, và chúng ta có thể đảm bảo một tương lai phát triển bền vững.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Rõ ràng, chuyển đổi số chính là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển nhanh hơn, nếu như có thể xác định được những lợi ích, chi phí đầu tư và tìm hiểu cách chuyển đổi số bắt đầu từ đâu? Để giúp cho các doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả hơn, vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Duy Đông cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thách thức hội nhập, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đòi hỏi phải số hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Duy Đông, chuyển đổi số là giải pháp, xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất.
Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 được triển khai nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo ông Đông, chương trình hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; chuyển đổi số toàn diện... để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.
Sau lễ công bố, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp tiếp cận Chương trình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng Dự án USAID LinkSME sàng lọc và có khoảng hơn 500 doanh nghiệp từ quy mô nhỏ, siêu nhỏ đến quy mô vừa và lớn có nhu cầu thực tế về chuyển đổi số. Chương trình đang đánh giá mức độ sẵn sàng cho các doanh nghiệp này và triển khai các hoạt động tư vấn chuyên sâu để chuyển đổi số theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.
Trong hơn một tháng qua, chương trình thu hút hơn 60 doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia về chuyển đổi số đăng ký đồng hành; trong đó có nhiều doanh nghiệp phát triển nền tảng “Make in Vietnam”.
Chương trình đang triển khai đánh giá, trao đổi với doanh nghiệp công nghệ và chuyên gia, kết nối doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số với nhà cung cấp giải pháp, chuyên gia uy tín và phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Duy Đông nhận định, hiểu biết chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện chưa rộng và sâu. Trong những năm tới, Bộ sẽ tiếp tục hợp tác với Dự án USAID LinkSME để thực hiện mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng.
Đồng thời, mục tiêu của chương trình cũng hướng đến thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
End of content
Không có tin nào tiếp theo