Chuyển đổi số

Giấy phép lái xe bắt buộc phải có mã QR

DNVN - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có công văn yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải (GTVT) in mã hai chiều (QR) vào Giấy phép lái xe từ 1/6/2020 để đọc, giải mã nhanh thông tin trên bằng lái khi quét mã bằng điện thoại thông minh. Quy định này áp dụng với tất cả các loại bằng lái xe được cấp mới.

Online Friday 2019: Scan mã QR nhận iPhone 11 Pro Max và 100 quà tặng công nghệ từ NAPAS / 8 ngành cần ưu tiên chuyển đổi số để đưa Việt Nam thành Quốc gia số vào năm 2030

Giấy phép lái xe không có mã QR là không hợp lệ

Thực hiện Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã có Công văn số 3312 yêu cầu các Sở GTVT in mã QR vào Giấy phép lái xe (GPLX). Cụ thể, việc in mã QR trên mặt sau của GPLX được thực hiện từ 0h ngày 1/6/2020, GPLX in sau thời điểm trên không có mã QR là không hợp lệ nên đề nghị các Sở GTVT chỉ đạo cập nhật phần mềm và in theo quy định.

Mã QR in ở góc trái, mặt sau của giấy phép lái xe bằng thẻ nhựa PET, được thực hiện trên tất cả các loại bằng lái xe hiện nay như: A1, A1, B1, B2, D... Mã QR được tích hợp có tác dụng để đọc, giải mã nhanh thông tin được in trên GPLX và liên kết với hệ thống thông tin quản lý.

Việc tích hợp mã QR có thể giúp lực lượng chức năng xác nhận bằng lái có hợp lệ hay không cũng như tra cứu các thông tin tài xế. Người dùng chỉ cần sử dụng smartphone để quét mã và tra cứu thông tin từ hệ thống.

Như vậy, các loại bằng lái được cấp sau ngày 1/6 không có in QR code sẽ không hợp lệ. Tuy nhiên, các GPLX được cấp trước ngày 1/6 có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên bằng lái.

Cũng theo quy định, nếu người dân có nhu cầu cấp đổi bằng lái có mã QR để thay cho bằng lái đang còn thời hạn sử dụng vẫn được đáp ứng. Chi phí cấp bằng có mã QR bằng chi phí cấp mới, cấp đổi như hiện nay.

Hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe được thực hiện trên mạng khá nhanh gọn và thuận tiện. Sau này cơ quan chức năng sẽ xây dựng phần mềm để thông qua quét mã QR sẽ kiểm tra được thông tin nhiều hơn như tài xế học lái xe ở đâu, từng vi phạm bao nhiêu lỗi…


Việc cấp đổi GPLX được thực hiện tại bất kỳ Sở GTVT nào

Trước đây, GPLX được làm từ giấy bìa với công nghệ in, bảo mật lạc hậu, khâu quản lý thủ công nên còn nhiều hạn chế, chưa hình thành hệ cơ sở dữ liệu quản lý trên toàn quốc, lái xe muốn đổi GPLX phải đến đúng Sở GTVT trực tiếp quản lý làm thủ tục.

Để khắc phục các tồn tại trên, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, từ ngày 1/7/2012 đã thực hiện đổi mới GPLX và xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc, việc cấp đổi bằng lái được thực hiện tại bất kỳ Sở GTVT nào thuận tiện nhất cho người lái xe.

GPLX mới có kích thước nhỏ gọn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, làm bằng vật liệu PET, đảm bảo độ bền cơ học, chịu ẩm, chịu nhiệt phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường, có tính năng bảo mật cao, ảnh của người lái xe được in trực tiếp, sử dụng công nghệ IPI mã hóa thông tin ẩn trên ảnh. Trên GPLX có hoa văn bảo mật và tem chống làm giả, sử dụng chữ ký số do Ban cơ yếu Chính phủ chuyển giao để bảo mật ảnh chữ ký và con dấu của người phê duyệt cấp GPLX nên sẽ hạn chế tới mức thấp nhất khả năng làm giả hoặc tẩy xóa, sửa chữa.

 

Hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc, gồm 12 phần mềm quản lý từ quá trình đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và cập nhật các vi phạm của người lái xe và hình thành cổng thông tin điện tử về GPLX toàn quốc.

Việc cấp và quản lý bằng lái theo hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc tạo điều kiện để lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm của ngành Công an và giúp cơ quan, doanh nghiệp sử dụng người lái xe dễ dàng cập nhật, khai thác, truy cập vào Cổng thông tin điện tử về GPLX của Tổng cục ĐBVN để xác thực và theo dõi vi phạm của lái xe khi cần. Đồng thời, giúp các cơ quan chức năng rà soát, loại trừ các trường hợp bị lực lượng chức năng thu hồi GPLX nhưng lại báo mất để xin cấp lại; hạn chế việc sử dụng GPLX giả hoặc cùng lúc sử dụng nhiều bằng lái; giảm bớt thủ tục, thời gian xác minh GPLX.

Thạch Vũ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo