Chuyển đổi số

Grab được bơm 2 tỷ USD nhằm lật đổ Gojek trên sân nhà

Trong khi đối thủ đáng gờm Grab phát triển thần tốc vào các lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics thì Gojek có nguy cơ bị tụt lại và liên tiếp gặp biến động về nhân sự cấp cao.

Thông tin mới nhất khiến giới công nghệ xôn xao trong tuần qua là Nadiem Makarim, đồng sáng lập và CEO công ty gọi xe này quyết định rời khỏi Gojek để tham gia vào nội các chính phủ của Joko Widodo, Tổng thống vừa nhậm chức lần thứ hai của Indonesia. Ông Nadiem Makarim trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa của Indonesia ở tuổi 35.

Nadiem rời đi ngay khi Gojek đang đối mặt với sự cạnh tranh với một đối thủ nặng ký khác là Grab trên chính sân nhà của Gojek là Indonesia.

Gojek hiện được định giá 10 tỷ USD và đang hoạt động tại các thị trường Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Singapore. Trong khi đó Grab được định giá 14 tỷ USD và đang thống trị thị trường Đông Nam Á.

Theo báo cáo của ABI Research, 6 tháng đầu năm 2019 Grab nắm hơn 62% thị phần gọi xe trên chính thị trường Indonesia. Về phần mình, sau khi ông Joko Widodo tuyên thệ nhậm chức lần thứ hai, Nadiem quyết định từ bỏ doanh nghiệp để tham gia vào chính trường.

Hồi tháng 7/2019, cổ đông lớn nhất của Grab là tập đoàn tài chính SoftBank tuyên bố sẽ đổ thêm 2 tỷ USD vào thị trường Indonesia cho Grab, nhằm lật đổ Gojek trên chính sân nhà.

Thay thế cho vị trí của Nadiem tại Gojek sẽ là Chủ tịch Andre Soelistyo và nhà đồng sáng lập Kevin Aluwi sẽ cùng đảm nhiệm vị trí CEO. Những nhà đầu tư vào Gojek như Google, Tencent hay JD từ chối đưa ra bình luận về bước đi này của Nadiem.

Tại Việt Nam, Gojek tham gia vào lĩnh vực gọi xe từ năm 2018 thông qua liên doanh Go-Viet, công ty này dường như đang gặp vấn đề lớn về nhân sự cao cấp.

Go-Viet tại Việt Nam đã bị đối thủ Grab qua mặt.

Chỉ trong vòng hơn một năm có mặt tại Việt Nam trong khi đang ngày càng tụt lại phía sau so với Grab thì Go-Viet liên tục thay đổi nhân sự từ tổng giám đốc, giám đốc chiến lược, giám đốc marketing.

Mới đây nhất, bà Lê Diệp Kiều Trang cũng nói lời tạm biệt Go-Viet sau vỏn vẹn 5 tháng làm tổng giám đốc.

Khi mới ra mắt, Go-Viet thu hút được 25.000 tài xế và 1,5 triệu lượt tải, hãng cũng tuyên bố sẽ rót 150 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 3 năm tiếp theo.

Trong khi đó, Grab, đối thủ trực tiếp của Go-Viet sau 5 năm có mặt ở thị trường Việt Nam công bố đã tiêu hơn 100 triệu USD vào thị trường này.

Không chỉ gặp biến động về mặt nhân sự, Go-Viet còn gặp phải sự phản đối từ các đối tác tài xế sau khi nâng mức chiết khấu lên 20%, nhiều cuộc biểu tình phản đối chính sách này của các tài xế đã diễn ra tại trụ sở của Go-Viet ở TP.HCM.

Hơn thế nữa, Go-Viet còn tỏ ra chậm chân so với đối thủ khi hiện nay vẫn chưa triển khai được dịch vụ gọi xe hơi tại Việt Nam. Mặt khác, tháng 9/2018, Grab hợp tác ví Moca để triển khai các dịch vụ tài chính trên nền tảng siêu ứng dụng, thì Go-Viet hiện vẫn “tìm kiếm đối tác” trong lĩnh vực này.

Trong khi CEO rời bỏ Gojek, liên doanh Go-Viet vẫn đang phát triển chậm chạp ở Việt Nam, thì Grab vừa công bố sẽ rót tiếp 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo