Hậu Covid-19: Những hạn chế khiến Airbnb thua xa đối thủ trên thị trường đặt phòng trực tuyến ở Việt Nam
Ứng dụng công nghệ tiên tiến và thương mại điện tử hỗ trợ phát triển du lịch / Đà Nẵng: Sắp diễn ra Hội thảo du lịch thông minh tìm công nghệ và giải pháp cho ngành du lịch hậu Covid 19
Hậu Covid-19 du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi đáng kể. Nhiều công ty du lịch đã liên kết với các đối tác hàng không, khách sạn để xây dựng các chương trình khuyến mãi quy mô lớn với mức giảm 50–60 %. Nhờ các biện pháp kích cầu du lịch trong nước, nhiều kênh du lịch trực tuyến (OTA - Online Travel Agent) như Traveloka, Agoda, Booking.com… đã hoạt động sôi động trở lại. Tuy nhiên, ứng dụng chia sẻ phòng Airbnb dường như đang nằm ngoài sự phục hồi này.
Airbnb chưa phải lựa chọn của người Việt khi đi du lịch nội địa
Theo quan sát của Doanh nghiệp Việt Nam, ở thị trường Việt Nam, Airbnb không phải là một lựa chọn hàng đầu của du khách có nhu cầu đi du lịch trong nước. Nhiều người ở thế hệ 8x và 9x không biết đến Airbnb, hoặc có nghe nói đến nhưng không sử dụng, hoặc chỉ sử dụng khi đi du lịch nước ngoài.
Theo chị Mỹ Khanh (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho biết, chị và nhóm bạn không biết tới Airbnb. Khi đi du lịch, họ thường xuyên tìm kiếm thông tin về các địa điểm qua Google và đặt homestay (khi đi cùng nhau) hoặc khách sạn (đi cùng gia đình) qua Traveloka. Ngoài Traveloka, chị và các bạn chưa thử qua các ứng dụng du lịch khác.
Chị Ngọc Thu (ở Huế) cũng cho biết, chị đã từng sử dụng Airbnb nhưng chỉ cài đặt khi đi du lịch nước ngoài. Khi đi du lịch trong nước, chị chủ yếu tìm và đặt phòng qua các nhóm trên mạng xã hội, do họ có giá tốt hơn so với tự tìm phòng qua các ứng dụng. Nếu phải sử dụng ứng dụng, chị N.T thường dùng Traveloka để “đặt vé máy bay vì đa dạng hình thức thanh toán” và Booking.com để “tìm và đặt phòng khách sạn, từ bình dân đến 5 sao đều có”.
Chị Ngọc Thu cho biết thêm, chị cho biết bạn bè mình cũng không ai dùng Airbnb hoặc cùng lắm chỉ dùng khi đi du lịch quốc tế. Trong quan niệm của chị, “phải những người hay đi du lịch nước ngoài” mới thường dùng Airbnb.
Chị Thúy Hà, hiện đang làm cho một công ty kiểm toán quốc tế, ở Hà Nội, cũng có suy nghĩ tương tự khi nói về Airbnb. Chị Thúy Hà thường chọn ứng dụng Booking.com khi đi du lịch trong nước vì “có nhiều mã giảm giá và nhiều khách sạn”. Khi đi du lịch nước ngoài, chị thường dùng Traveloka để đặt vé máy bay còn đặt phòng khách sạn thì gọi trực tiếp đến khách sạn, hoặc qua Booking.com. Hiện nay, trong ba ứng dụng chị đang dùng, Airbnb chủ yếu được dùng khi cần “so sánh để tìm giá tốt”. So với các ứng dụng đặt phòng khác, chị Thùy Hà cho rằng giá phòng/nhà trên Airbnb thường có giá tốt hơn. Tuy nhiên, việc lựa chọn Airbnb còn phải phụ thuộc vào loại hình du lịch mà khách hàng tìm kiếm.
Thế hệ 9x hiện nay khi đi du lịch thường tìm thông tin trên Google và các nhóm đánh giá Homestay trên Facebook thay vì vào Airbnb. Khi được hỏi về mức độ thân thiện với người dùng của các ứng dụng (dễ sử dụng, hiện thị thông tin cần thiết, thuận lợi cho việc lướt tìm nhà, nhiều lựa chọn...), chị Thúy Hà cho biết Booking.com là “lựa chọn đầu tiên” của mình.
Chị Hương Giang, nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội cho biết, trước đây, khi thường xuyên đi du lịch nước ngoài, chị hay sử dụng ứng dụng Airbnb để tìm chỗ ở. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi chỉ đi du lịch và công tác trong nước, chị không sử dụng Airbnb nữa. Với chị Hương Giang đi công tác hay đi chơi sẽ quyết định việc mình sử dụng ứng dụng nào. Ví dụ, khi đi công tác, do cần lấy hóa đơn về thanh toán với cơ quan, chị sẽ chọn Booking.com vì “chỉ có ứng dụng này cung cấp hóa đơn có dấu khách sạn. Còn Agoda chỉ có biên lai (receipt) khó thanh toán. Airbnb chỉ có xác nhận thông tin giữa hai bên”. Khi đi chơi, “cần tiện, rẻ và không cần hóa đơn”, Agoda và Airbnb sẽ là các lựa chọn hàng đầu. Mặc dù cho rằng Airbnb hợp với đi chơi nhất nhưng khi dùng Airbnb tìm nhà ở Việt Nam, chị không có ấn tượng tốt do chủ nhà không cập nhật thông tin. Chị cho biết nhiều khi tìm được phòng ưng ý nhưng khi hỏi, chủ nhà lại báo hết phòng. Khi biết từ tháng 7/2019, Airbnb đã thêm tính năng For Work cho phép người đặt phòng nhận được biên lai nếu đi công tác, chị Giang cho biết sẽ dùng thử tính năng này của Airbnb.
Những hạn chế khiến Airbnb thua xa đối thủ ở thị trường Việt Nam
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, chị M.Q (Khương Trung, Hà Nội) tỏ ra khá thất vọng khi sử dụng Airbnb để tìm chỗ ở cho gia đình trong chuyến du lịch tới Cam Ranh, Nha Trang. Chị cho biết “Airbnb khá nghèo nàn về lựa chọn” , khi tìm chỗ ở Cam Ranh trên Airbnb khá ít homestay được chia sẻ, vì lèo tèo vài cái mà lại không gần các khu du lịch biển. Chủ yếu là có một số Codotel đăng bán phòng trên Airbnb với giá khá cao. Nói chung để tìm phòng đi du lịch nội địa thì Airbnb chưa đáp ứng được nhu cầu của khách so với các ứng dụng đặt phòng trực tuyến khác. “Thật đáng tiếc nếu nguồn khách du lịch trong nước đang tăng, các chủ nhà Airbnb lại không thể tận dụng nguồn khách này để thay thế cho khách quốc tế chưa quay trở lại” chị M.Q nói.
Quả thật, với mô hình và sự đầu tư của Airbnb vào Việt Nam, Airbnb đã không thể xoay sở và hỗ trợ các chủ nhà Việt Nam kịp thời chuyển hướng khai thác thị trường nội địa khi thị trường du lịch quốc tế đóng băng vì dịch Covid–19. Hiện nay, đối mặt với tình trạng kinh doanh ảm đạm trên Airbnb, một số chủ nhà chọn nhượng lại khoản đầu tư và rút khỏi thị trường. Một số khác chuyển sang cho thuê nhà dài hạn theo tháng chờ thị trường du lịch quốc tế hồi phục. Số còn lại tiếp tục hoạt động cho thuê ngắn hạn nhưng hướng mục tiêu vào người Việt. Vì sự kém phổ biến của Airbnb ở Việt Nam thời điểm hiện tại, nếu muốn khai thác nguồn khách nội địa, các chủ nhà quyết bám trụ với Airbnb sẽ cần tới các kênh đặt phòng trực tuyến khác và các nhóm trên mạng xã hội Facebook. Ngoài ra, với chủ nhà cho thuê ngắn hạn hướng tới khách Việt Nam, họ sẽ phải làm quen với sự phức tạp của khách Việt Nam thuê ngắn hạn (không phải lúc nào cũng là khách du lịch) và phải trực tiếp đi khai tạm trú cho khách.
Hiện nay, xét trên khả năng khai thác thị trường nội địa Việt Nam, Airbnb đang bị nhiều ứng dụng du lịch khác bỏ xa. Trong thời gian Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, theo thống kê của App Annie về ứng dụng du lịch trên iPhone ở Việt Nam ngày 1/4/2020, các ứng dụng du lịch phổ biến đều có thứ hạng khá thấp: Traveloka (thứ 9), Agoda (15), Booking.com (21), Airbnb (22). Khi thị trường du lịch nội địa phục hồi, trừ Airbnb, ba ứng dụng du lịch còn lại đều cho thấy sự tăng hạng đáng kể.
Thống kê của App Annie ngày 2/6/2020 cho thấy, Traveloka, Agoda Booking.com đang lần lượt giữ các vị trí 5, 6, 7. Trong khi đó, Airbnb bị bỏ lại khá xa với vị trí thứ 17. Nhìn chung, trong hai tháng qua, trong khi ba ứng dụng du lịch này thường xuyên bám sát nhau, cạnh tranh các vị trí trong vị trí Top 10 ứng dụng du lịch hàng đầu trên iPhone thì Airbnb chỉ loanh quanh trong nửa cuối bảng xếp hạng top 20. Trong bảng xếp hạng ứng dụng du lịch nổi bật trên nền tảng Andorid cho điện thoại ngày 2/6/2010, cũng theo App Annie, Airbnb (thứ 38) cũng bị bỏ lại rất xa so với ba ứng dụng nói trên.
Việc tập trung vào giới trẻ và mô hình Homesharing đã khiến Airbnb mất một lượng lớn khách hàng quan tâm tới khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Trong khi đó, hiện nay các trang dịch vụ chuyên cho thuê phòng khách sạn như Booking.com, Agoda, Traveloka đều đưa các lựa chọn Nhà riêng, Căn hộ của mô hình Homesharing vào bộ lọc Loại hình nơi ở. Khi thực hiện Tìm quanh đây, số lượng căn hộ và và homestay trên Agoda hay Booking.com đều vượt trội so với Airbnb. Vì thế, có thể nói Airbnb đã “đuối” ngay trong lĩnh vực Homesharing ở Việt Nam.
Việc thiếu các tính năng đặt vé máy bay, đặt xe… cũng khiến Airbnb kém hấp dẫn hơn đối với khách du lịch nội địa. Việc phát triển hệ thống Trải nghiệm riêng và kiểm soát tốt chất lượng giúp Airbnb giữ được sự độc đáo nhưng cũng khiến Airbnb kém phong phú về các hoạt động trải nghiệm, ẩm thực... so với các ứng dụng khác ở Việt Nam. Cho đến tháng 2/2019, ngôn ngữ cũng là rào cản hạn chế người Việt tiếp cận với Airbnb trên cả hai phương diện khách hàng và chủ nhà. Hiện nay, mặc dù ứng dụng đã có hỗ trợ tiếng Việt nhưng một số phần trong Trợ giúp của Airbnb vẫn chưa được dịch. Giá cả là lợi thế của Airbnb nhưng việc chủ nhà không thường xuyên cập nhật tình trạng phòng, nếu lặp đi lặp lại, sẽ đem đến những trải nghiệm không vui cho khách khi đặt phòng.
Mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên lòng tin của Airbnb vẫn còn mới ở Việt Nam và việc các chủ nhà không phải tuân theo các tiêu chuẩn của Tổng cục Du lịch Việt Nam quy định cũng sẽ hạn chế số lượng khách hàng nội địa tin tưởng dịch vụ do Airbnb cung cấp. Ngoài ra, có vẻ Airbnb cũng cắt quảng cáo trên Google. Khi tìm kiếm homestay kèm khu vực du lịch ở Việt Nam trên Google, khách hàng sẽ nhận được các kết quả liên quan đến Booking, Traveloka, Luxstay…, không có kết quả nào dẫn tới Airbnb trong các trang tìm kiếm đầu tiên…
Về phương thức thanh toán, Traveloka hiện nổi bật với khả năng thanh toán đa dạng, thuận tiện cho người dùng trong nước. Agoda cũng đã bắt tay với Ví MoMo từ tháng 11/2019. Booking.com cũng hợp tác với nhiều ngân hàng ở Việt Nam như VPbank, VIB, Techcombank… trong các chương trình hoàn tiền 10% khi đặt phòng bằng thẻ Visa của các ngân hàng này. Trong khi đó, Airbnb có lẽ còn rất lâu mới nghĩ tới chấp nhận phương thức thanh toán riêng cho thị trường Việt Nam.
Trong tương lai, khả năng khai thác thị trường nội địa của các chủ nhà Việt Nam trên Airbnb sẽ phụ thuộc vào sự đầu tư của Airbnb cho các hoạt động marketing, hợp tác thanh toán ở Việt Nam, đưa thêm các tính năng vào ứng dụng. Tuy nhiên, với định hướng tập trung phát triển mảng Trải nghiệm và Trải nghiệm trực tuyến, Airbnb hướng đến việc trở thành một công ty phát triển các sản phẩm du lịch có kèm dịch vụ chia sẻ nhà hơn là các mô hình tập trung cho dịch vụ lưu trú kiểu Booking.com, Agoda, Traveloka hay Luxstay... Hơn nữa, dưới tác động của dịch Covid 19, Airbnb càng ít có khả năng đầu tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tăng nhận diện thương hiệu ở Việt Nam nhằm khai thác tốt hơn thị trường du lịch nội địa. Các tính năng mới của Airbnb như Trải nghiệm trực tuyến, Chỗ ở tại tuyến đầu, Chỗ ở theo tháng chủ yếu nhằm giúp ứng dụng có thể duy trì được vị trí ưa thích hàng đầu ở nhiều quốc gia trên thế giới hơn là có tác dụng nâng cao vị thế của Airbnb ở Việt Nam.
Airbnb đã bổ sung thêm tính năng chỗ ở theo tháng ở Việt Nam.
Tính năng Chỗ ở theo tháng đã có trên Airbnb
Theo số liệu trên App Annie ngày 2/6/2020, trên cả hai nền tảng iOS và Android, Airbnb vẫn nằm trong top đầu các ứng dụng du lịch được ưa thích ở Mỹ, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Úc, Canada, Malaysia… Hầu hết các quốc gia kể trên đều là thị trường cung cấp khách du lịch quốc tế chính cho Việt Nam. Vì vậy, nếu thị trường du lịch quốc tế phục hồi, khả năng phục hồi của thị trường cho thuê ngắn hạn trên Airbnb ở Việt Nam khá sáng sủa. Tuy nhiên trong thời gian du lịch quốc tế chưa phục hồi, nếu muốn tận dụng sự phục hồi của du lịch trong nước hoặc cho thuê dài hạn, các chủ nhà Airbnb cần tự thân vận động, tích cực sử dụng các kênh OTA khác và mạng xã hội Facebook thay vì ngồi yên trông chờ vào khách hàng nội địa tìm đến mình qua Airbnb.
End of content
Không có tin nào tiếp theo