Hơn 200 hồ sơ tham dự Giải thưởng chuyển đổi số quốc gia: Tìm kiếm những giải pháp đã ứng dụng thành công
Gặp nhau cuối năm 2020 bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng trên YouTube và Facebook / Thủ Đô ghi tên Việt Nam trong Top 20 giải pháp bảo vệ nội dung số đạt tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu
Đến hẹn lại lên, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 đã chính thức khởi động và đang chuẩn bị bước vào vòng sơ loại. Ban tổ chức tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký của các đơn vị đến hết ngày 30/6/2020. Năm nay, giải thưởng sẽ vinh danh các đơn vị tại 4 hạng mục: Giải pháp công nghệ số xuất sắc; Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc và Thu hẹp khoảng cách số. Lễ trao giải và công bố kết quả dự kiến sẽ được tổ chúc vào tháng 9/2020 và được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình VTV.
Thời điểm hiện tại, theo tiết lộ từ Ban tổ chức, Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam đã nhận được hơn 200 hồ sơ đăng ký tham dự, trong đó bao gồm các doanh nghiệp công nghệ, các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đối số với đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề, cho thấy hoạt động chuyển đổi số ngày càng được chú trọng, hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế số, chính phủ số và một kỷ nguyên số đang mở ra trước mắt chúng ta.
Đại dịch Covid-19 khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số
Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam ra đời trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi số và phát triển kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam. Năm 2020 đã được xác định là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số để tiến tới một Việt Nam số. Và đại dịch COVID-19 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động phòng, chống dịch, đưa cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới. Hơn lúc nào hết, tinh thần, khát vọng chuyển đổi số cần được cổ vũ, thúc đẩy để tạo nên “bước chuyển mình” mang tính toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, trong từng doanh nghiệp, từng tổ chức cho đến từng cá nhân.
Khác với đa phần các giải thưởng công nghệ, Chuyển đổi số Việt Nam mang nhiều hơn ý nghĩa truyền đi cảm hứng, động lực và thay đổi tư duy, nhận thức của các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số thông qua những sản phẩm công nghệ góp ích cho cộng đồng, những tấm gương điển hình, tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số.
“Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, tiến tới một Việt Nam số. Vì vậy, mục tiêu lớn nhất của Ban tổ chức đặt ra lúc này là thông qua giải thưởng, các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục tự tin nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ thiết thực của Việt Nam. Các doanh nghiệp, tổ chức khác mạnh dạn thay đổi mô hình phát triển trên cơ sở ứng dụng công nghệ số để tạo ra bước phát triển đột phá”, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, Trưởng BTC chia sẻ.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hoá – Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo khẳng định việc tổ chức giải thưởng Chuyển đổi số là để tìm ra và tôn vinh những giải pháp cụ thể, những câu chuyện chuyển đổi số thành công điển hình và từ đó góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của mọi người về vai trò của chuyển đổi số. “Các doanh nghiệp công nghệ, cơ quan chuyển đổi số Việt Nam hãy coi giải thưởng là cơ hội cho chính mình, một mặt là sự ghi nhận của cộng đồng nhưng mặt khác cần lấy đó làm động lực để tiếp tục thay đổi, hướng tới hoàn thiện cơ quan tổ chức”.
Chính bởi mục đích cuối cùng của Giải thưởng là cổ vũ tinh thần chuyển đổi số, Cục trưởng Cục tin học hoá cho biết thêm, đôi lúc trong quá trình chấm giải, có những hồ sơ không đạt được hoàn toàn tiêu chí ban giám khảo đề ra nhưng được lựa chọn để trao giải với mong muốn khuyến khích, tạo động lực, thôi thúc các tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa. “Chúng ta vẫn phải chấp nhận thực tế rằng Việt Nam là quốc gia đang phát triển và đối với chuyển đổi số, các doanh nghiệp hiện nay đa phần ở trong vị trí nhập cuộc nên yếu tố khích lệ, tạo động lực quan trọng hơn những đòi hỏi công nghệ khắt khe”.
Giải thưởng chuyển đổi số tìm kiếm những giải pháp công nghệ đã thành công
Giải thưởng không chỉ là sự tôn vinh nhất thời, hoặc mang tính tổng kết một cuộc thi, mà bản thân giải thưởng cũng lại là một “thí sinh” của thời gian khi sau nhiều năm, sự tích lũy và uy tín là giấy chứng nhận ý nghĩa nhất. Điều quan trọng mà giải thưởng tạo ra, ấy là ảnh hưởng xã hội và sự lan tỏa rộng rãi trong công chúng, nơi mà các sản phẩm được tôn vinh thuộc về, tồn tại để phục vụ, giúp ích cho con người, nơi chúng được phát triển, nâng cấp và được kế tục về sau. Vì vậy, điểm khác biệt chính của giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là việc tìm ra các giải pháp công nghệ đã thành công, đã chứng minh được hiệu quả thực tế, không phải các ý tưởng còn trên giấy hoặc đang trong quá trình nghiên cứu, chưa có tính ứng dụng.
Trải qua hai năm phát động, tổ chức, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đã thu hút sự quan tâm và nộp hồ sơ tham dự của hàng trăm doanh nghiệp công nghệ với các giải pháp mới, mang đậm giá trị thương hiệu “Make in vietnam”. Rất nhiều sản phẩm trong số đó thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu về mặt công nghệ và đã thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả thực tế, không những góp phần rút ngắn thời gian, tăng năng suất, hiệu quả công việc mà còn giúp ứng phó với tình huống khó khăn trong đại dịch COVID-19. Đây cũng chính tiêu chí quan trọng hàng đầu mà Hội đồng giám khảo đề ra khi đánh giá các sản phẩm công nghệ bởi lẽ giải thưởng tôn vinh các sản phẩm ứng dụng do đó cũng gián tiếp giúp cho xã hội có được sự tư vấn phù hợp để lựa chọn.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục tin học hoá: “Một sản phẩm công nghệ tốt là sản phẩm có thể giải quyết được 90% vấn đề đặt ra, tuy nhiên sự khác biệt của sản phẩm nằm ở 10% cuối cùng. Đây là điểm hạn chế của nhiều sản phẩm Việt Nam hiện nay, sản phẩm tốt, giải quyết được 90% vấn đề là không đủ, mà chúng ta cần hướng đến giải quyết nốt 10% còn lại để trở thành một sản phẩm xuất sắc và để có chỗ đứng trên thị trường”.
Một trong những sản phẩm công nghệ gây ấn tượng với hội đồng giám khảo về tính ứng dụng và độ chính xác vượt trội là Speech to text – sản phẩm nhận dạng giọng nói của người Việt. Sản phẩm hoàn toàn “Make in vietnam” với mức độ thấu hiểu ngôn ngữ của người Việt không một sản phẩm nước ngoài nào có thể so sánh được, ngay cả những tiếng đặc thù vùng miền như miền Trung hay miền Nam thì độ chính xác của sản phẩm trên 90%. Sản phẩm khi được triển khai thực tế đã phát huy hiệu quả, giúp tiết kiệm phần lớn thời gian, công sức như lập biên bản cuộc họp, phỏng vấn báo chí… Hay không thể không kể đến giải pháp học từ xa của Hocmai đã trở thành công cụ học trực tuyến được ưa chuộng hàng đầu tại Việt Nam trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua, giúp ngăn chặn lây lan dịch bệnh và đảm bảo tiến độ học tập cho hàng nghìn học sinh, sinh viên toàn quốc.
Thời hậu Covid-19 chuyển đổi số càng được chú trọng
Trong thời kỳ “Hậu COVID-19”, khi cả thế giới đang dần thay đổi sang trạng thái bình thường mới, việc thực hiện chuyển đổi số sẽ càng được đặc biệt chú trọng. Đây chính là một thị trường đầy tiềm năng mà các sản phẩm công nghệ từ Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam có thể nỗ lực khai phá, đối mặt cùng thách thức để có thể thu hoạch được những thành công mới.
Chuyển đổi số đang là xu hướng trên toàn thế giới, nhưng tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước dường như vẫn chưa thực sẵn sàng cho quá trình này. Dù rất muốn ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, giảm bớt các chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, song nhiều lãnh đạo cho biết họ gặp khó khăn khi làm việc tìm kiếm định hướng, giải pháp công nghệ phù hợp với mô hình, tổ chức của đơn vị.
Theo Cục trưởng cục tin học hoá – ông Nguyễn Huy Dũng: “Hiện nay đa phần các doanh nghiệp, tổ chức nhận thức việc thực hiện chuyển đổi số nhằm cải thiện năng suất lao động, tối ưu chi phí nhưng nếu chỉ tư duy như vậy sẽ bị thất bại, không thể chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số thành công yêu cầu chuyển đổi toàn diện tất cả hoạt động của cơ quan, tổ chức để sinh ra giá trị mới”.
Khi nhắc đến chuyển đổi số, người ta thường dành hoàn toàn sự chú ý đến phần “số” mà bỏ qua phần “chuyển đổi”. Đa phần các doanh nghiệp, tổ chức nghĩ chỉ cần mua và áp dụng công nghệ là năng suất của doanh nghiệp sẽ cải thiện ngay lập tức. Tuy nhiên, thực tế chuyển đổi số cần quy trình từ đầu đến cuối, một quy trình toàn diện, hỗ trợ tối đa người dân trong quá trình hoàn thiện thủ tục hành chính phức tạp, rút ngắn thời gian, công sức.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số, Tập đoàn Điện lực EVN đã sớm ý thức vai trò quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong các khâu vận hành sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực EVN – ông Võ Quang Lâm cho biết: “Việc áp dụng chuyển đổi số kịp thời đã giúp năng suất lao động của Tập đoàn EVN tăng trưởng hơn 10%, độ tin cậy cung ứng điện tăng 19 lần, mức độ hài lòng khách hàng đạt 8,29 điểm, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN”.
Trong dòng chảy công nghệ không ngừng nghỉ, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn với sự phát triển của doanh nghiệp. Và giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam xác định là một kênh truyền thông về chuyển đổi số, về phát triển kinh tế số cho toàn xã hội, thông qua việc giới thiệu các giải pháp công nghệ mới những mô hình chuyển đổi số thành công điển hình, giúp xã hội hiểu rõ hơn về chuyển đổi số, về công nghệ số cũng như giúp các tổ chức, doanh nghiệp tìm cho mình một hướng đi phù hợp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng đặt mục tiêu 90% doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ số vào năm 2030
Ghi nhận tại nhiều ngân hàng thương mại: Tỷ lệ giao dịch số tiệm cận mức tuyệt đối
Ngăn chặn thất thoát dữ liệu doanh nghiệp bằng công nghệ cao
Chương trình phòng chống lừa đảo trực tuyến 2024: Sân chơi mới, bổ ích cho các KOLs