Chuyển đổi số

Không chỉ camera, flycam, smart TV, laptop cũng có thể bị tấn công, đánh cắp hình ảnh cá nhân

DNVN - Sau sự cố ca sĩ Văn Mai Hương bị hack camera an ninh, sau đó phát tán hình ảnh riêng tư của cô, các chuyên gia bảo mật còn khuyến cáo không chỉ có thiết bị camera giám sát, mà rất nhiều thiết bị chạy trên nền tảng Internet như Flycam, Smart TV, laptop cũng có thể bị hacker tấn công, chiếm quyền điều khiển.

Nguy cơ mất dữ liệu cá nhân qua camera giám sát rất cao / Asanzo ra mắt smartphone có camera hỗ trợ trí tuệ nhân tạo, giá dưới 4 triệu đồng

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, các sự cố mất an toàn thông tin từ các camera giám sát trong thời gian gần đây không phải là vấn đề mới. Nguyên nhân gây ra các lỗ hổng bảo mật ở các thiết bị này bao gồm cả yếu tố chủ quan và cả khách quan.

Trong đó, về phía nhà cung cấp thiết bị, các thiết bị IoT nói chung và camera giám sát nói riêng thường chỉ tập trung về mặt tính năng, chứ không chú trọng đến các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị. Nhiều thiết bị thậm chí còn bỏ qua các yêu cầu về bảo mật, mã hóa dữ liệu khi sử dụng hoặc có cơ chế cập nhật, vá lỗi rất hạn chế.

Còn về phía người dùng, đa phần người sử dụng các thiết bị IoT ít quan tâm đến vấn đề an toàn, an ninh thông tin của thiết bị, vẫn sử dụng các mật khẩu mặc định khi lắp đặt tại gia đình. Những thói quen này khiến các thiết bị IoT có nguy cơ bị tấn công, truy cập trái phép, chiếm quyền điều khiển, nghe trộm, xem trộm đối với các thiết bị IoT có tính năng nghe, nhìn.

Để có thể bảo vệ tài sản số trong kỷ nguyên IoT, chuyên gia của Cục An toàn thông tin nhấn mạnh rằng trong thời đại số, thông tin chính là tài sản vô cùng quý giá đối với các tổ chức, cá nhân. Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần áp dụng áp dụng một biện pháp để bảo vệ các tài sản này.

Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ các giải pháp bảo mật bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin của mình. Có thể thuê dịch vụ từ các công ty cung cấp những giải pháp bảo đảm an toàn thông tin chuyên nghiệp.

Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng cần chú trọng công tác đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị mình. Đồng thời, có đầu mối để liên hệ với các cơ quan chức năng về an toàn, an ninh mạng trong trường hợp cần hướng dẫn, hỗ trợ xử lý các vấn đề liên quan.

Đối với người sử dụng, chúng tôi khuyến nghị họ cân nhắc đầu tư, mua sắm thiết bị IoT từ các nguồn tin cậy, rõ nguồn gốc, xuất xứ và khả năng đáp ứng an toàn thông tin. Không sử dụng các cấu hình mặc định của thiết bị IoT như mật khẩu mặc định, cổng kết nối mặc định…

Người dùng cũng cần hạn chế cung cấp, chia sẻ các thông tin cá nhân hay lưu trữ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu quan trọng, nhạy cảm khi sử dụng các dịch vụ mạng xã hội, lưu trữ trực tuyến. Tự tìm hiểu và trang bị các kỹ năng cơ bản để tự bảo đảm an toàn thông tin cho chính mình.

Để tránh rò rỉ thông tin, phòng tránh lộ thông tin khi sử dụng camera giám sát, Cục An toàn thông tin khuyến cáo các tổ chức, cá nhân khi sử dụng mạng Internet và các thiết bị IoT, trong đó có camera giám sát cần đặc biệt lưu ý một số điểm chính gồm:

Thứ nhất, với camera giám sát hay các thiết bị IoT có ghi dữ liệu trực tuyến, khuyến cáo người dùng cân nhắc thật kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng, nếu có nhu cầu sử dụng thì cần lựa chọn mua thiết bị của các hãng uy tín, có tính năng bảo mật tốt và không sử dụng ở những nơi riêng tư, nhạy cảm nếu không cần thiết. Không sử dụng mật khẩu mặc định của thiết bị và có thói quen tắt, ngắt kết nối mạng hoặc hạn chế việc ghi dữ liệu trong những trường hợp cần thiết.

Thứ hai, không sử dụng các phần mềm bẻ khóa trên các thiết bị CNTT vì các phần mềm này thường có cài sẵn mã độc.

Thứ ba, cân nhắc thật kỹ lưỡng trước cung cấp thông tin cá nhân hay lưu trữ dữ liệu cá nhân, nhất là dữ liệu quan trọng, nhạy cảm khi sử dụng các dịch vụ mạng xã hội, lưu trữ trực tuyến.

Thứ tư, cần tìm hiểu và trang bị những kỹ năng cơ bản để tự bảo đảm an toàn thông tin cho chính mình.

Cuối cùng, người dùng cần nhớ rằng luôn có các cơ quan chức năng hay doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người dùng xử lý các vấn đề về an toàn thông tin.

1


Bên cạnh đó, các chuyên gia về an ninh mạng còn khuyến cáo rằng, mối nguy hại còn đến từ camera trên smartphone của người dùng nếu hacker cài ngầm ứng dụng vào. Không chỉ đến từ camera trong nhà của chính người dùng, nguy cơ bị theo dõi còn đến từ camera của Flycam điều khiển quay từ bên ngoài cửa sổ do số lượng Flycam ngày càng nhiều và chi phí càng rẻ; hay camera zoom (phóng xa) từ nhà đối diện tại các khu chung cư cao cấp với tiêu cự 2 km hoặc camera quay lén siêu nhỏ ngụy trang thành đinh vít hay gắn trong đồ lưu niệm do hàng xóm sang nhà cài bí mật vào đồ đạc.

Đại diện của Công ty CyRadar cũng cho rằng, ngoài khả năng bị theo dõi từ camera an ninh, mối nguy hại còn đến từ camera của smartTV, smartphone và nhất là từ chính laptop, một thiết bị quen thuộc trong hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, khả năng bị theo dõi từ laptop, smartphone hay smartTV ít xảy ra hơn so với từ camera an ninh.

Để tránh những mối nguy hại này, người dùng cần lưu ý hạn chế cài đặt nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc, cập nhật các bản cập nhật, bản vá lỗi trên hệ điều hành mỗi khi có yêu cầu, đồng thời tắt hẳn TV, laptop khi không sử dụng.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm