Chuyển đổi số

Mở cửa thị trường, dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử sẽ có thêm nhiều đối thủ nặng ký

DNVN - Một trong những điểm mới của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đó là, lần đầu Chính phủ đã cho phép mở cửa thị trường chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử cạnh tranh.

Quý 4/2019, Việt Nam có hơn 9.300 vụ xâm phạm vào website của các tổ chức / Ngân hàng Nhà nước dự kiến bỏ giới hạn tỷ lệ 49% vốn ngoại trong các công ty Fintech

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 149/QĐ-CP (sau đây gọi tắt là Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia). Phạm vi của Chiến lược hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm.

Một trong những điểm mới của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đó là, lần đầu Chính phủ đã cho phép mở cửa thị trường chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử cạnh tranh.

Hệ thống ATM hiện tại thường bị tắc nghẽn vào dịp lễ, tết.

Hệ thống chuyển mạch cần kết nối với các loại hình thanh toán mới để tối ưu sự thuận tiện cho khách hàng.

Cụ thể, một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Chiến lược đề ra đó là “Hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, tạo điều kiện giảm phí giao dịch, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tài chính toàn diện”.

Trong đó đặt ra những nhiệm vụ rất cụ thể là: “Nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho hoạt động chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử theo hướng cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung ứng dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân và doanh nghiệp”.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, việc nhà nước cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp được phép tham gia cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, sẽ hướng tới thị trường cạnh tranh, chất lượng dịch vụ sẽ nâng lên, phí giao dịch sẽ ngày càng giảm. Không lâu nữa sẽ có thêm các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

“Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt, lần đầu tiên, Chính phủ cho phép mở cửa trong lĩnh vực cung cấp hạ tầng thanh toán. Quyết định này sẽ là tiền đề quan trọng cho việc phát triển nền kinh tế không tiền mặt tại Việt Nam”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Hiện tại chỉ có Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) là công ty duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng.

Việc có thêm các doanh nghiệp, tổ chức tài chính khác được cấp phép thì thị trường sẽ có thêm nhiều đối thủ nặng ký, tạo nên một sân chơi cạnh tranh, tiện ích đa dạng hơn, mức phí thay đổi, từ đó, thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa không dùng tiền mặt.

Thực tế cho thấy, mỗi khi thị trường có sự cạnh tranh thì người tiêu dùng đều hưởng lợi. Nhìn lại trước đây, khi thị trường mở cửa cho các doanh nghiệp tham gia vào dịch vụ viễn thông, hàng không… thì người dân được tiếp cận dịch vụ tốt hơn, đa dạng sản phẩm, cước phí, giá vé đều rẻ hơn.

Trên thế giới, thị trường chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử cũng rất khác nhau, nhưng đa số đều cho phép nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động.

Hệ thống chuyển mạch cần kết nối với các loại hình thanh toán mới để tối ưu sự thuận tiện cho khách hàng.

Hệ thống ATM hiện tại thường bị tắc nghẽn vào dịp lễ, tết.

Trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia lần này cũng nêu rõ: đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ cho giao dịch bán lẻ (hệ thống ACH) để sớm đưa vào vận hành, phục vụ cho thanh toán cá nhân và doanh nghiệp tại mọi thời điểm (24/7);

Trước đó, tại Hội thảo lấy ý kiến thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư về dịch vụ trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và VCCI tổ chức vào 10/5/2019 tại Hà Nội, lãnh đạo Vụ Thanh toán NHNN cho biết, việc thiết lập và điều chỉnh hạn mức bù trừ điện tử, ký quỹ để thiết lập hạn mức, xử lý giao dịch qua thanh toán hệ thống bù trừ điện tử, quy định về quyết toán và các biện pháp quản lý rủi ro, đảm bảo thanh khoản trong hệ thống bù trừ điện tử là một quy định hết sức quan trọng.

Theo đó, hệ thống bù trừ điện tử là hạ tầng để các tổ chức trung gian thanh toán, ngân hàng kết nối vào trong cùng một hệ thống. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống bù trừ điện tử, nếu một ví điện tử phát triển dịch vụ với bao nhiêu ngân hàng thì phải đi làm việc để kết nối với từng ngân hàng một.

Ví dụ, một ví điện tử kết nối với 15 ngân hàng thì phải đàm phán để kết nối riêng với 15 ngân hàng, ngược lại một ngân hàng kết nối với bao nhiêu ví điện tử cũng vậy. Điều này gây khó khăn cho các ví điện tử khi triển khai dịch vụ. Nếu có một cổng bù trừ điện tử là dịch vụ công của nhà nước, thì ví điện tử chỉ cần kết nối vào cổng bù trừ điện tử là có thể kết nối với đủ các ngân hàng đã kết nối vào cổng đó. Cổng bù trừ điện tử giống như một trung tâm dịch vụ chuyển mạch, các nước họ có một cổng duy nhất để các ví điện tử và các ngân hàng kết nối với nhau.

“Không có nước nào mà ví điện tử và ngân hàng kết nối với nhau như mạng nhện, việc Việt Nam xây dựng cổng bù trừ điện tử là để xóa bỏ những mạng nhện này”, lãnh đạo Vụ Thanh toán phát biểu.

Theo báo cáo phân tích của NHNN, trên thế giới hiện nay, việc triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (hệ thống ACH) đã trở thành một phần thiết yếu của cơ sở hạ tầng thanh toán của bất kỳ quốc gia nào. Tại Việt Nam việc triển khai hệ thống ACH đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Nghiên cứu thông lệ quốc tế cho thấy, các giao dịch thanh toán qua hệ thống tự động ACH thường là các giao dịch nhỏ lẻ, giá trị thấp, có khối lượng lớn được xử lý 24/7/365, phương thức xử lý về cơ bản được thực hiện tương tự như dịch vụ bù trừ điện tử, chuyển mạch tài chính.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm