Chuyển đổi số

Ngành Y tế sẽ ưu tiên ứng dụng AI trong theo dõi, cảnh báo dịch bệnh trên cả nước

Theo 'Đề án phát triển CNTT y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025' vừa được phê duyệt, ngành y tế sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ thông minh trong phòng bệnh, môi trường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phòng chống HIV/AIDS.

Ngành y tế đã có nhiều ứng dụng CNTT trong khám, điều trị bệnh. Nguồn ảnh Internet.

Bộ Y tế vừa ra quyết định phê duyệt “Đề án phát triển CNTT y tế thông minh giai đoạn 2019 -2025”. Đề án hướng tới mục tiêu ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Một mục tiêu cụ thể của Đề án là xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt Chương trình sức khỏe Việt Nam.

Đề án cũng nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không dùng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh. Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, xây dựng nền quản trị y tế thông minh.

Bộ Y tế cho biết, việc phát triển công nghệ số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến ngành y tế. Vì thế, xây dựng và triển khai Đề án phát triển CNTT y tế thông minh là vô cùng cần thiết để nhanh chóng ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh trong ngành y tế, hướng tới hỗ trợ đổi mới hoạt động của ngành y tế theo hướng hiện đại, thông minh.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, trong Đề án, Bộ Y tế đã vạch rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai, đó là: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin y tế Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam; Xây dựng hệ thống khám chữa bệnh thông minh;

Xây dựng nền quản trị y tế thông minh; Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ thông minh trong y tế; Tăng cường hợp tác quốc tế; và Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về y tế thông minh.

Trong đó, với nhiệm vụ xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, theo Đề án, hàng loạt giải pháp sẽ được ngành y tế triển khai thời gian tới, tiêu biểu như: xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ thông minh trong phòng bệnh, môi trường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phòng chống HIV/AIDS, ưu tiên triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc theo dõ và cảnh báo dịch bệnh trên cả nước.

Cùng với đó, sẽ phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân; các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường web, di động, giúp người dân có thể tra cứu thông tin y tế dễ dàng, hiệu quả, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi, kết nối với hệ tri thức Việt số hóa. Phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế…

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo