Chuyển đổi số

PGS.TS Nguyễn Ái Việt: Phải nhanh chóng chuyển đổi số mới có thể phát triển đại nhảy vọt

DNVN - Theo PGS.TS Nguyễn Ái Việt, chuyển đổi số là tạo ra phương thức sản xuất mới dựa trên những nền tảng công nghệ. Chính công nghệ sẽ làm đảo lộn những phương thức hiện có, là cơ sở để hy vọng một sự đại nhảy vọt. Do đó phải nhanh chóng chuyển đổi vào không gian số mới có thể phát triển được kinh tế.

Viettel IDC thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số với nền tảng điện toán đám mây Việt Nam / Bộ trường Nguyễn Mạnh Hùng: Làm chủ nền tảng điện toán đám mây rất quan trọng với đất nước

Kinh tế nền tảng số có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt trong thời điểm Covid-19 bùng phát thì công nghệ số càng khẳng định và chứng minh được tầm quan trọng của mình trong nền kinh tế. Việc chuyển đổi số giờ đây đã trở thành tất yếu trên mọi phương diện của đời sống, kinh tế và xã hội.

Đối với các doanh nghiệp chuyển đổi số không chỉ giúp cắt giảm chi phí vận hành, nâng cao năng suất lao động, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian ngắn hơn mà còn giúp doanh nghiệp tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường. Đối với con người, chuyển đổi số giúp làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau.

Ở cấp độ nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức quản lý hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Vừa qua, tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Kinh tế nền tảng trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam” các diễn ra đã đưa ra những quan điểm và nhận định của mình về chiến lược chuyển đối số của nước ta trong thời điểm hậu Covid-19.

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm (Ảnh chụp màn hình)

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm (Ảnh chụp màn hình)

Ông Trường Bomi, cựu giám đốc Dịch vụ Chuyển tiền MoMo, đồng sáng lập AhaMove cho rằng: "Với mô hình công nghệ nền tảng tăng tốc rất nhanh tác động rất nhiều lên nền kinh tế như hiện nay, thì tất yếu sẽ tạo ra một thế hệ lao động mới với những kỹ năng mới. Ở thế kỷ 21 con người sẽ không bị bóc lột nữa mà sẽ bị trở nên vô dụng".

"Đây là thời kỳ của các nền tảng kinh tế Platform ra đời. Con người sẽ phải thích nghi và sẽ có những hình thức làm việc hoàn toàn mới. Sự nghiệp của một người sẽ không gắn bó chặt chẽ với một doanh nghiệp nữa mà một ngày họ có thể làm 3 đến 4 công việc khác nhau và tất cả đều có thể làm tự do", ông Trường cho biết thêm.

Tới thời điểm hiện tại, việc chuyển đổi số ở Việt Nam không còn là muốn hay không nữa mà nó trở thành một nhu cầu bắt buộc để Việt Nam có thể theo kịp với thế giới. PGS.TS. Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện Trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN cho rằng: Việt Nam đang mắc phải bẫy thu nhập trung bình và chuyển đổi số chính là cơ hội để cho Việt Nam phát triển thoát ra khỏi cái bẫy đó.

Ông Việt cho rằng: "Chuyển đổi số là tạo ra phương thức sản xuất mới dựa trên những nền tảng công nghệ. Chính công nghệ sẽ làm đảo lộn những phương thức hiện có, là cơ sở để hy vọng một sự đại nhảy vọt lên vài chục phần trăm, thì Việt Nam mới có thể thoát khỏi cảnh nghèo khó như hiện tại".

Theo ông Nguyễn Ái Việt, chuyển đổi số sẽ có 5 điểm nổi bật như sau: Trước tiên sẽ tạo ra con người trong xã hội số. Thứ 2 là sẽ tạo ra một xã hội có phương thức hoạt động trên môi trường số. Thứ 3 là Chính phủ cũng phải hoạt động minh bạch theo phong cách của số. Thứ 4 là hạ tầng phải số hóa và cuối cùng là muốn kiếm tiền phải có kinh tế số. Do đó, phải nhanh chóng chuyển đổi vào không gian số mới có thể phát triển được kinh tế.

Chuyển đối số đã trở thành một chiến lược, một bước đi quan trọng của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Ông Trường Bomi cho rằng, chính công nghệ sẽ cho phép số hóa tất cả mọi hoạt động của con người. Với đặc điểm của không gian số có thể kết nối thông tin với nhau rất nhanh thì đây chính là một cuộc cách mạng thực sự của con người.

Trong thời đại công nghệ số nhu cầu và sản xuất vẫn giữ nguyên nhưng chỉ thay đổi cách đáp ứng nhu cầu của con người. Nước nào chuyển đổi số thành công thì sẽ làm thay đổi cục diện và bộ mặt nền kinh tế của mình.

Để một quốc gia có thể chuyển đổi số thành công phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, chính sách, công nghệ…. Nói về những khó khăn trong việc chuyển đổi số ở Việt Nam ông Việt cho rằng: Ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như pháp lý, tâm lý, văn hóa… Tuy nhiên quan trọng vẫn là các cơ quan Nhà nước mở hành lang pháp lý và chia sẻ dữ liệu như thế nào? Sau đó là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng được với nhau. Người dân cũng cần phải có nhận thức thay đổi văn hóa để chuyển đổi số.

Hiện nay, ứng dụng chuyển đổi số trong đời sống kinh tế xã hội đã trở nêm phổ biến hơn. Tuy nhiên việc chuyển đổi số mới chỉ được thực hiện nghiêm túc và diễn ra mạnh mẽ tại các thành phố lớn. Nói về vấn đề làm thế nào để gia tăng tốc độ chuyển đổi số trên khắp các tỉnh thành trong cả nước theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, người sáng lập và cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, sự tăng tốc chuyển đổi số nó đến từ nhiều vấn đề, nhiều nhu cầu. Trước tiên cần phải xem bản thân mình đã phù hợp với nhu cầu đó hay chưa. Vấn đề nhu cầu tự nó sẽ là nhân tố thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra.

Ông Thành cũng cho biết thêm, để thành viên trong xã hội thay đổi thì hành vi cũng phải thay đổi theo. Để hành vi con người thay đổi là một điều cực kỳ khó, cần phải có động lực mới thay đổi được.

"Trong một xã hội bình thường các doanh nghiệp buộc phải thay đổi hành vi của khách hàng. Hoặc hành vi của con người sẽ thay đổi vì lợi ích kinh tế. Muốn thay đổi được hành vi của người dùng thì cần phải đốt rất rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thể thay đổi hành vi của người dùng vì chi tiền chưa đủ", ông Thành nhấn mạnh.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo