Chuyển đổi số

Tạo đà số hóa kênh phân phối hàng Việt

Những thay đổi nhanh trong xu hướng mua sắm, tiêu dùng hậu Covid-19 cũng là thời điểm tạo đà cho các doanh nghiệp số hóa kênh phân phối với nguồn lực đầu tư lớn để nâng sức cạnh tranh của hàng Việt tốt hơn.

Bị phạt 7,5 triệu đồng do dùng Facebook cá nhân bán mỹ phẩm nhập lậu / Tiếp tục giám sát chặt chẽ việc kinh doanh các mặt hàng phòng dịch Covid-19

Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc quản lý Sàn giao dịch thương mại Tiki, cho biết sau đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) Việt bắt đầu quan tâm và đánh giá lại mức độ quan trọng của kênh phân phối một cách cẩn thận hơn.

Cơ hội lớn để DN nhỏ đi nhanh

Chẳng hạn như trước đây, các DN sẽ chưa quá quan tâm đến thương mại điện tử (TMĐT) và cho rằng còn rất xa vời. Tuy nhiên, chỉ trong quãng thời gian ngắn vừa qua, tốc độ thay đổi của người tiêu dùng diễn ra rất nhanh.

“Với các DN nhỏ nói riêng, hãy coi kênh phân phối trực tuyến (online) và nền kinh tế online là cơ hội để cho họ đi nhanh”, bà Linh nhấn mạnh.

Theo Phó tổng giám đốc Tiki, ở môi trường Internet là môi trường phẳng, các DN lớn chưa chắc đã có lợi thế bằng các DN nhỏ cũng như các DN linh hoạt thay đổi với thị hiếu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, trong việc xây dựng kênh phân phối, để đầu tư TMĐT hay đầu tư một chuỗi phân phối ngoại tuyến (offline) đều cần một nguồn lực đầu tư rất lớn, không chỉ về nguồn vốn mà còn về con người và cách thức vận hành.

“Vì vậy, khi các DN Việt quyết định đầu tư vào một kênh phân phối nào đấy thì cần đánh giá kỹ là liệu có phù hợp với sản phẩm của mình và đối tượng khách hàng của mình hay không? Và với kênh phân phối đó thì khách hàng đang ở giai đoạn nào trong quá trình mua hàng?”, bà Linh chia sẻ.

Đơn cử với kênh online, người mua hàng lên mạng tìm kiếm thông tin rất nhiều. Có thể chưa có hành vi chuyển đổi mua hàng nhưng nếu không xuất hiện trên kênh online thì sẽ là bất lợi lớn cho DN Việttrong tâm trí người tiêu dùng.

Điều này đòi hỏi DN Việt cần quan tâm đến việc tìm kiếm thông tin của khách hàng ở đâu, như thế nào và họ đã sẵn sàng cho việc mua hàng online hay chưa? Nếu giả sử khách hàng đã sẵn sàng thay đổi hành vi rồi thì DN nên coi đó là kênh phân phối quan trọng.

Với những ngành hàng mà người tiêu dùng có thể còn chậm thay đổi hành vi thì ở kênh online, các DN vẫn phải nên hiện diện ở khía cạnh cung cấp thông tin và quảng bá thương hiệu để người mua tiến tới mua hàng của mình.

Không chỉ với kênh phân phối trực tuyến, mà ngay khâu xúc tiến thương mại trực tuyến cũng là điều mà DN cần lưu tâm. Ở góc độ quản lý từ sau tác động của dịch Covid-19, theo Bộ Công Thương, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trong kinh doanh của mỗi DN là điều tất yếu.

“Điều này được xem như "chìa khóa vàng" giúp DN Việt Nam tiết kiệm chi phí giao dịch, gặt hái thành công. Việc áp dụng ứng dụng công nghệ vào hoạt động xúc tiến thương mại sẽ giúp kết nối hiệu quả với thị trường”, Bộ Công Thương nhận định.

Giới chuyên gia cho rằng "trong thời 4.0 nếu nhìn từ đại dịch Covid-19, một xu hướng tiêu dùng mới cũng như một đốm lửa nhỏ, cơn bão chia sẻ mạng Internet có thể sẽ thổi bùng nó lên trong chốc lát".

Số hoá kênh phân phối sẽ giúp DN Việt tiếp cận khách hàng tốt hơn

Số hoá kênh phân phối sẽ giúp DN Việt tiếp cận khách hàng tốt hơn

Không chuẩn bị sẵn thì không theo kịp

Và khi nhìn vào cách thức mà Amazon, Alibaba trên toàn cầu hay các “chợ online” trong nước như Tiki, Sendo... đang gây khó khăn cho ngành bán lẻ, thì đó là lúc DN nhận ra cần phải chủ động hiểu về việc số hoá kênh phân phối trong DN mình.

Thông thường, công nghệ thực sự có thể biến đổi mô hình kinh doanh và kênh phân phối. Khi nhận ra điều đó, DN Việtcó một khoảng thời gian rất ngắn để thích nghi và đưa ra biện pháp.

Ví dụ, các DN đột nhiên phải đối phó với những đối thủ cạnh tranh phi truyền thống với mô hình kinh doanh dựa trên thu thập dữ liệu, điện toán nhận thức và phân tích dữ liệu. Trong khi đó, DN có nhiều kinh nghiệm trong môi trường cạnh tranh truyền thống và rủi ro vốn có, nhưng lại xa lạ đối với những mô hình kinh doanh đột phá về công nghệ.

 

Theo giới chuyên gia, chắc chắn DN sẽ có rủi ro nhưng đồng thời cũng là cơ hội rất lớn nếu biết dùng công nghệ để khai thác kênh phân phối để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

Ở góc độ DN, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng tốc độ thay đổi của khách hàng rất nhanh. Trước đây, dự báo kênh TMĐT tăng gấp 2 (200%), nhưng chỉ trong 2 tháng xảy ra dịch Covid-19 vừa qua đã tăng gấp 4 lần (400%).

Theo đó, trong sức ép của đại dịch, khách hàng thay đổi thói quen mua sắm rất nhanh, nên DN không chuẩn bị sẵn thì không theo kịp. Và khi bước sang tình huống mới thì phụ thuộc vào khả năng biến hóa để thích nghi nhanh của DN.

Cũng cần nhắc lại, trong những cuộc khảo sát gần đây ở TP.HCM cho thấy một thực tế chung là sau Covid-19, nhiều DN đã và đang có xu hướng sử dụng đa kênh phân phối để cạnh tranh, tiếp cận khách hàng nhanh, nhiều hơn thay vì bán hàng trực tiếp trên một kênh truyền thống như trước.

Trên thực tế, xu hướng phát triển đa kênh phân phối ở Việt Nam hiện nay ngày càng phức tạp và đầy thử thách. Không chỉ các DN nhỏ mà các DN lớn cũng đối mặt với những thay đổi từ xu hướng tiêu dùng, mua sắm mới. Điều này càng đòi hỏi số hoá kênh phân phối cấp thiết hơn bao giờ hết, để việc cạnh tranh của hàng Việt được tốt hơn trong thời gian tới.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm