Chuyển đổi số

Tháng 12/2019, trình Chính phủ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Ngày 8/10/2019, Văn phòng Chính phủ đã chính thức có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Theo đó, Văn phòng Chính phủ dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét, thông qua Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong tháng 12/2019.

Tại dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trên cơ sở phân tích thực trạng ứng dụng CNTT trong thực hiện thủ tục hành chính cùng chủ trương của Đảng và các căn cứ pháp lý, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là cần thiết.

Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được xây dựng, ban hành sẽ thiết lập hành lang pháp lý thống nhất cho việc tổ chức, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi và cắt giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính. Huy động sự tham gia của các cơ quan trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua việc kiểm soát quy trình lựa chọn, rà soát, xây dựng dịch vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Tờ trình của Văn phòng Chính phủ nêu rõ các quan điểm xây dựng Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bao gồm: Phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Đề xuất các căn cứ pháp lý cần thiết cho việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo tinh thần cải cách, lấy người dân làm trung tâm. Bảo đảm tính khả thi, gắn với ứng dụng CNTT theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Nghị định.

Văn phòng Chính phủ dự kiến sẽ trình Chính phủ Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong tháng 12/2019.

Cũng tại tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, ba chính sách với mục tiêu, nội dung của chính sách và giải pháp thực hiện chính sách được Văn phòng Chính phủ đề xuất gồm có: Quy định khung pháp lý cho việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Quy định cơ chế kiểm soát chất lượng cung cấp phương thức thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến cho tổ chức, cá nhân; Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và trách nhiệm chia sẻ dữ liệu trong thực hiện thủ tục hành chính.

Việc xây dựng Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nhằm cụ thể hóa Nghị quyết mới của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử được ban hành ngày 7/3/2019. Trong Nghị quyết nêu rõ việc “Xây dựng Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, hoàn thành trong tháng 12/2019” là một trong những giải pháp chủ yếu để hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 7/3/2019. Nghị quyết này thay thế cho Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về CPĐT.

Nghị quyết 17 nêu rõ, xây dựng, phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới thống nhất trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo: Kế thừa, phát triển các chương trình ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng phát triển của thế giới; Phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, thành viên Ủy ban Quốc gia về CPĐT, tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển thành công CPĐT. Ủy ban Quốc gia về CPĐT không làm thay nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đầu mối chỉ đạo thống nhất, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai xây dựng CPĐT tại bộ, ngành, địa phương mình quản lý, bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

Đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính; Dựa trên cơ sở thiết kế tổng thể, thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL), tạo ra các dịch vụ nền tảng dùng chung cho toàn hệ thống từ trung ương đến địa phương; tuân thủ Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam, Kiến trúc CPĐT cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh và có sự đo lường, đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện.

Nhật Xuân

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo