Thanh toán qua di động tăng gần 90%
Các chỉ số chính phủ điện tử của Việt Nam cao hơn mức trung bình thế giới / Chuyển đổi số ngành nông nghiệp nên bắt đầu từ đâu?
Số liệu trên cho thấy đại dịch COVID-19 đang tạo ra những thay đổi về thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Điện thoại di động đã trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc của nhiều người.
Là học sinh cấp 3, em Hiền (Long Biên, Hà Nội) thường tự đi mua đồ dùng học tập. Thay vì dùng tiền mặt, em đã được bố mẹ nạp tiền vào ví điện tử để chi tiêu.
"Trên ví điện tử của em sẽ có những mã giảm giá từ 5 - 10%, tiết kiệm được khoản chi tiêu của mình", em Nguyễn Bảo Hiền chia sẻ.
Điện thoại di động đã trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc của nhiều người. (Ảnh: NLĐ)
Với hơn 60% dân số sử dụng điện thoại thông minh, thanh toán qua đi động được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thanh toán không tiền mặt. Bởi khác với thanh toán qua thẻ, cả người dùng và điểm bán hàng đều sẽ tiết kiệm được chi phí, đặc biệt là việc lắp đặt máy quẹt thẻ.
Thanh toán qua di động đã tăng gần 90%, riêng qua mã QR cũng tăng 130%. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ, đặc biệt cần xây dựng hệ sinh thái thanh toán số.
"Xây dựng hạ tầng thanh toán đảm bảo xử lý được khối lượng thanh toán, giá trị thanh toán và kết nối với các đơn vị cung ứng sản phẩm hàng hóa dịch vụ khác trong nền kinh tế. Phải có giải pháp khuyến khích các đơn vị bán hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ điện tử để cung ứng cho người dùng có thể mua được hàng hóa sản phẩm dịch vụ trên kênh điện tử, cũng như thanh toán trên kênh điện tử", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa cấp phép thí điểm cho Mobile Money, cho phép sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các hàng hóa giá trị nhỏ, nhằm đưa thanh toán không tiền mặt tiếp cận tới đông đảo người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo