Chuyển đổi số

Thấy gì từ cách tiếp cận của The New York Times khi đưa báo chí lên nền tảng số?

DNVN - Trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí mạnh mẽ hiện nay, việc đưa các nội dung báo chí lên nền tảng số đang trở thành yêu cầu cấp thiết và bắt buộc với bất kỳ tòa soạn nào. 5 cách tiếp cận của The New York Times trong việc đưa nội dung báo chí lên nền tảng số được coi là hình mẫu tiêu biểu để các cơ quan báo chí trên thế giới học hỏi.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông vận tải còn đơn lẻ / Hướng đến doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ điện toán đám mây

5 cách tiếp cận của The New York Times

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Quyết định này đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, trong đó ưu tiên các nền tảng số trong nước.
Theo giới chuyên gia, việc đưa báo chí lên nền tảng số không chỉ đơn thuần là chuyển từ báo in sang báo điện tử, mà còn cần sự sẵn sàng về nguồn lực tài chính, công nghệ và đặc biệt là sự thay đổi trong tư duy và mô hình vận hành của cả tòa soạn.
The New York Times luôn được coi là hình mẫu tiêu biểu về một tờ báo thành công trong việc đưa nội dung báo chí lên nền tảng số. Việc chuyển đổi này được coi là màn “lội ngược dòng” thành công của The New York Times sau vô vàn khó khăn mà họ đối mặt khi doanh thu từ báo in sụt giảm nghiêm trọng qua từng năm và bị mỉa mai là “kẻ thất bại” trong giai đoạn đầu của công cuộc chuyển đổi số.

The New York Times được coi là hình mẫu tiêu biểu về một tờ báo thành công trong việc đưa nội dung báo chí lên nền tảng số.
Với chủ trương thiết kế lại cho kỷ nguyên di động thay vì kỷ nguyên báo in, The New York Times có 5 cách tiếp cận trong việc đưa nội dung báo chí lên nền tảng số.
Thứ nhất, tiếp tục dẫn đầu ngành trong việc tạo ra những tác phẩm báo chí và cách kể chuyện độc đáo nhất. Theo đó, giữ nguyên số lượng phóng viên tại tòa soạn. Tái hình dung lại cách kể chuyện với đội ngũ đồ họa, tin tức tương tác, thiết kế kỹ thuật số, CMS và công nghệ.
Thứ hai, tiếp tục cung cấp trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho độc giả báo in và đơn vị quảng cáo, đồng thời chuyển thời gian và năng lượng sang các nền tảng kỹ thuật số.
Thứ ba, biến đổi trải nghiệm sản phẩm để The New York Times trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của độc giả. Trong đó, xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, thử nghiệm các tính năng và cải tiến mới hàng tháng.
Thứ tư, tiếp tục phát triển độc giả mới và làm cho The New York Times trở thành một tổ chức quốc tế. Thử nghiệm và xây dựng cách tiếp cận cho độc giả từ các quốc gia khác nhau để tăng lượng độc giả và người đăng ký mới.
Thứ năm, tổ chức cách làm việc xoay quanh độc giả, không phải các quy trình và cấu trúc cũ. Theo đó, phát triển một bộ công cụ và bảng điều khiển, mở rộng khả năng thử nghiệm và cung cấp các buổi đào tạo phân tích để mỗi phóng viên và biên tập viên biết độc giả tương tác với nội dung của họ như thế nào...
Một tham khảo tốt cho Việt Nam
Bình luận về cách tiếp cận này, bà Nguyễn Trà My - Trợ lý Nghiên cứu và Truyền thông của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho biết, The New York Times được coi là câu chuyện thành công điển hình về việc đưa báo chí lên nền tảng số và trở thành hình mẫu để rất nhiều cơ quan báo chí trên thế giới noi theo. Vì vậy, không ít cơ quan báo chí cả trong và ngoài nước đều đã dày công phân tích chi tiết về chiến lược hay mô hình chuyển đổi số của tờ báo này.
“Cách tiếp cận đưa nội dung lên nền tảng số của The New York Times có thể gói gọn trong hai cụm từ được nhấn mạnh nhiều lần trong tuyên bố của họ, đó là “độc giả” và “tiếp nối”. The New York Times khẳng định tầm quan trọng của độc giả, không chỉ trong công cuộc chuyển đổi số mà còn đối với cả tương lai của tờ báo”, bà My nhìn nhận.

Bà Nguyễn Trà My - Trợ lý Nghiên cứu và Truyền thông của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS).
Với tinh thần đó, họ chủ trương mọi nội dung, sản phẩm, thậm chí quy cách làm việc hay cấu trúc của tòa soạn đều cần xoay quanh độc giả. “Lấy độc giả làm trung tâm” cũng là cách tiếp cận của nhiều tờ báo khác và đã chứng tỏ mình là một hướng đi đúng đắn cho hầu hết các cơ quan báo chí muốn xây dựng nguồn doanh thu bền vững.
Điều tạo ra sự khác biệt trong các tiếp cận của The New York Times là việc cơ quan này coi việc đưa báo chí lên nền tảng số như một sự phát triển, “tiếp nối” chứ không phải thay thế những gì họ đang làm với báo in.
Ngoài ra, xây dựng các nội dung trên nền tảng số không có nghĩa là ngừng phát triển báo in. Ngược lại, báo in vẫn là hình mẫu của tòa soạn và là một sản phẩm có thể phát triển, cải tiến và phải hướng đến xây dựng sản phẩm thống nhất cho cả độc giả báo in và độc giả của các sản phẩm kỹ thuật số.
The New York Times chủ trương phát triển dựa trên những gì đã làm nên giá trị, bản sắc và thương hiệu của tờ báo này, hoàn toàn không phủ nhận “cái cũ” mà lấy đó làm động lực để phát triển cả về chiều rộng (hình thức báo in và kỹ thuật số) và chiều sâu (xây dựng trải nghiệm tốt hơn cho cả độc giả báo in và các nội dung số).
“Cách tiếp cận về đưa nội dung báo chí lên nền tảng số của The New York Times là một tham khảo tốt cho các cơ quan báo chí Việt Nam đang định hướng xây dựng mô hình chuyển đổi số. Dĩ nhiên, lựa chọn mô hình nào, áp dụng những cách thức nào đều cần có sự chọn lọc để phù hợp với tình hình thực tế của tòa soạn. Tinh thần cốt lõi là lấy độc giả làm trung tâm và tiếp nối các giá trị đã làm nên bản sắc của tờ báo là điều mà các cơ quan báo chí trong nước hoàn toàn có thể học hỏi”, bà My cho hay.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm