Chuyển đổi số

Thúc đẩy du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn

DNVN - Nghệ An đang từng bước đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với chuyển đổi số. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch gắn với quảng bá hình ảnh du lịch Nghệ An trên các kênh truyền thông, báo chí, trang mạng xã hội và các nền tảng số...

Đà Nẵng xử phạt gần 1,5 tỷ đồng vi phạm về thương mại điện tử / FPT hợp tác cùng Đà Nẵng phát triển công nghệ bán dẫn và AI

"Manh mún" các điểm du lịch cộng đồng

Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, Nghệ An sở hữu một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng với nhiều danh thắng, di tích lịch sử. Đặc biệt, miền Tây xứ Nghệ sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng với hệ sinh thái đa dạng cùng bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Khơ Mú… đã tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước.

1

Miền Tây xứ Nghệ sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng với hệ sinh thái đa dạng cùng bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Khơ Mú..

Trải dài từ miền xuôi lên miền ngược, nhiều điểm du lịch hình thành, điển hình như: Làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến; điểm du lịch cộng đồng bản Quang Phúc và bản Coọc (huyện Tương Dương); điểm du lịch cộng đồng Cọ Muồng, Mường Đán, và Farmstay Nhật Minh (huyện Quế Phong)…

Đến nay, có 23 bản làng với 54 hộ gia đình tham gia phát triển dịch vụ homestay, tạo nên một mạng lưới du lịch cộng đồng khá rộng khắp tỉnh. Ngoài việc tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, các mô hình du lịch cộng đồng còn góp phần lưu giữ, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa của đồng bào. Các mô hình không chỉ tạo sự đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút đông đảo du khách mà còn góp phần làm tăng sinh kế, cải thiện đời sống cho nhân dân địa phương.

Ông Nguyễn Hùng Sơn – Phó Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Qùy Châu cho biết: Hiện nay, bản Hoa Tiến có 9 homestay cộng đồng đủ điều kiện phục vụ du khách ăn, nghỉ và trải nghiệm. Tại đây, có bố trí đầy đủ các gian hàng bày bán sản phẩm truyền thống cùng nhiều dịch vụ du lịch trải nghiệm thực tế kèm theo như: Đi bè trên khe, suối đánh chài bắt cá, trải nghiệm nấu các mon ẩm thực Thái, nhuộm vải thổ cẩm, hái dâu cho tằm ăn, gói bánh sừng trâu, lam cơm…

1

Bản Hoa Tiến có 9 homestay cộng đồng đủ điều kiện phục vụ du khách ăn, nghỉ và trải nghiệm.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng lo lắng với xu thế phát triển ngày càng hiện đại, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, thay nhà sàn, nhà gỗ bằng nhà xây sẽ có nguy cơ phá vỡ không gian kiến trúc chung. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để đầu tư khai thác nguồn tài nguyên du lịch còn hạn chế. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa cao, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề của lao động ngành du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và quảng bá du lịch.

Ông Nguyễn Hoàng Quang – Phó Phòng Kế hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ những trăn trở: Trên thực tế cho thấy, các sản phẩm du lịch cộng đồng tại Nghệ An mới chỉ phát triển ở mức quy mô nhỏ, chưa được đầu tư và tổ chức một cách bài bản dẫn đến việc thực hiện mô hình du lịch không mang lại hiệu quả cao nhất. Sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành với chính quyền, người dân địa phương, các công ty kinh doanh du lịch còn thiếu chặt chẽ, chưa nhịp nhàng, không tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách thập phương.

Bên cạnh đó, vấn đề thu hút nguồn vốn xã hội hoá để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá, các dịch vụ vui chơi, giải trí, thư giãn, nghỉ dưỡng ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Việc đi lại gặp nhiều khó khăn, các mô hình mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu cả về chất lượng lẫn số lượng… đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hoạt động du lịch cộng đồng.

Đẩy mạnh chiến lược marketing

Được sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương, thời gian qua, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động hơn trong việc marketing sản phẩm nhằm gia tăng lượng khách, duy trì mức tăng trưởng ổn định, bền vững.

Bà Sầm Thị Bích – chủ một cơ sở homestay du lịch cộng đồng ở huyện Quỳ Châu chia sẻ: Thời gian qua, được sự hỗ trợ tận tình của các cấp ngành, chính quyền địa phương trong việc quảng bá sản phẩm du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chương trình xúc tiến du lịch… mô hình làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Qua đó, giúp cho các đơn vị, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn gia tăng lượng khách, mang lại doanh thu ổn định hơn trước.

1

Nghệ An sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với chuyển đổi số, nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Nghệ An.

Về giải pháp đưa du lịch cộng đồng Nghệ An phát triển bền vững, ông Nguyễn Hoàng Quang chia sẻ: “Thời gian tới cần tập trung đầu tư nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch, phát triển thị trường và sản phẩm du lịch cho các điểm đến; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng....

Đặc biệt, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá cho du khách trong và ngoài nước về những vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn của du lịch Nghệ An thông qua các trang mạng xã hội, kênh truyền thông, báo chí, các ấn phẩm, quà tặng du lịch… Quảng bá sản phẩm du lịch dựa trên các nền tảng số được xem là yếu tốt cốt lõi giúp Nghệ An thu hút du khách trong nước và quốc tế”.

Cũng nhờ vậy, năm 2024, ngành du lịch Nghệ An đã đón hơn 9,5 triệu lượt khách du lịch. Đáng chú ý, số lượng khách du lịch có lưu trú đạt 5,9 triệu lượt, khách quốc tế đạt 120.500 lượt. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 28.569 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 11.160 tỷ đồng.

1

Quảng bá sản phẩm du lịch dựa trên các nền tảng số được xem là yếu tốt cốt lõi giúp Nghệ An thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Ancho rằng, để du lịch Nghệ An phát triển các sở, ngành, địa phương và Hiệp hội Du lịch tỉnh kịp thời nắm bắt, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Tăng cường nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch để có hướng điều chỉnh cách thức xây dựng sản phẩm, cung ứng dịch vụ phù hợp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ du lịch. Tăng cường hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước; phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Mặt khác, chính quyền tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với chuyển đổi số. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch gắn với quảng bá hình ảnh du lịch Nghệ An trên các kênh truyền thông, báo chí, trang mạng xã hội và các nền tảng số. Đồng thời, phối hợp triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Thủy Tiên - Tuệ Phước
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm