Thúc đẩy thuê dịch vụ điện toán đám mây để phát triển Chính phủ điện tử
Bộ trường Nguyễn Mạnh Hùng: Làm chủ nền tảng điện toán đám mây rất quan trọng với đất nước / Thuê dịch vụ Database điện toán đám mây của Viettel rẻ hơn 3 lần so với tự vận hành và quản lý cơ sở dữ liệu
Nghị quyết 17 của Chinh phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 đã đề cập đến việc cần tăng cường thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp; thúc đẩy ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước.
Ảnh minh họa: Internet
Tại buổi làm việc của Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử hồi tháng 10/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong phát triển Chính phủ điện tử. Bộ trưởng chi rõ các công nghệ nền tảng, chủ chốt trong Chính phủ điện tử mà các doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ được là: mật mã, nền tảng chia sẻ dữ liệu, an toàn, an ninh mạng và điện toán đám mây.
Trong lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam ngày 22/5/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định, điện toán đám mây là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Hạ tầng số phải được đầu tư trước để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Theo đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, ứng dụng điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước chủ yếu ở hai loại là thuê dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp và ứng dụng điện toán đám mây trong hệ thống CNTT của cơ quan nhà nước.
Trong khi đó, ngoài các dịch vụ như thuê đường truyền, các cơ quan nhà nước vẫn lúng túng khi lựa chọn các dịch vụ điện toán đám mây phù hợp để thuê và quản lý sử dụng có hiệu quả đáp ứng yêu cầu về an ninh thông tin. Đây cũng là loại hình mang đầy đủ các tính chất của điện toán đám mây.
Đối với ứng dụng điện toán đám mây trong hệ thống CNTT của cơ quan nhà nước, hiện chỉ ở mức độ sử dụng các công nghệ ảo hóa hạ tầng của cơ quan nhà nước. Trong tương lai có thể xây dựng đám mây riêng của cơ quan nhà nước, nhưng việc triển khai ra sao phụ thuộc vào các bài toán cụ thể, mang tính đặc thù của từng đơn vị.
Trước đó, ngày 3/4/2020, Bộ TT&TT đã có hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn này chủ yếu là cung cấp các tiêu chí kỹ thuật hạ tầng, chưa hướng dẫn được những vướng mắc trong quá trình ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Nhằm tăng cường việc thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong các cơ quan nhà nước, sử dụng dịch vụ điện toán đám mây để phát triển đô thị thông minh, Cục Tin học hóa đã nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và đặc điểm hoạt động thuê dịch vụ CNTT hiện tại để xây dựng “Tài liệu hướng dẫn ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây và thuê dịch vụ điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước”. Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước các cấp tại Trung ương và địa phương sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng CNTT; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Tài liệu này tập trung vào một số điểm như: Xác định các hoạt động ứng dụng CNTT phù hợp để sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, cơ quan nhà nước sẽ có hướng dẫn để chọn lựa các hoạt động nghiệp vụ phù hợp để đưa lên đám mây và cân nhắc phương án thuê hay đầu tư xây dựng, vận hành riêng phù hợp hơn với nhu cầu của mình; Đánh giá, lựa chọn, quản lý dịch vụ điện toán đám mây: cơ quan nhà nước sẽ được chỉ dẫn các hoạt động cần thiết để đánh giá lựa chọn dịch vụ; quy trình để xác định nhu cầu, khảo sát đánh giá, thuê dịch vụ, quản lý vòng đời dịch vụ và các hoạt động phải quan tâm khi kết thúc thời gian thuê.
Thị trường điện toán đám mây trong nước đạt khoảng 133 triệu USD, tương đương 3,200 tỷ đồng. Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước. Theo ông Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc VNG CLOUD, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam, yếu tố vượt trội của doanh nghiệp đám mây trong nước nằm ở sự sẵn sàng của đội ngũ kỹ sư đông đảo và khả năng đào tạo cho khách hàng sử dụng ứng dụng tại chỗ. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm được 20% thị phần, 80% vẫn là dùng đám mây đặt tại nước ngoài.
Muốn phát triển hạ tầng trong nước là các doanh nghiệp và người dân hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Việc phát triển các công nghệ mới về viễn thông, điện toán đám mây, hội nghị truyền hình,... dựa trên mã nguồn mở là hướng đi đúng và phù hợp nhất. Quý 3/2020, Bộ TT&TT sẽ lần đầu tiên tổ chức đại hội mã nguồn mở Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo