Chuyển đổi số

Truyền hình OTT phát triển như vũ bão, tăng trưởng tới 50%/năm

DNVN - Những năm gần đây thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng chậm, với mức tăng hàng năm chỉ từ 4-5%, với doanh thu tăng 6-7%. Còn thuê bao truyền hình OTT (dịch vụ truyền hình trên nền tảng Internet) tăng trưởng mạnh về cả nhu cầu sử dụng và doanh thu, với tốc độ tăng trưởng tới 50%/năm.

Muốn tìm ý tưởng sáng tạo để kinh doanh, hãy nhìn cách Uber, Netflix, GoPro để học hỏi / Netflix sắp có tập phim tài liệu riêng về ẩm thực Sài Gòn

Theo nguồn tin từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), mới đây tại TP Huế, đã diễn ra Hội thảo “Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền”. Hội thảo nhằm đánh giá qua trình thực hiện triển khai các dịch vụ truyền hình trả tiền trong cả nước trong thời gian qua. Đồng thời đưa ra các dự báo, xu hướng phân phối các nội dung dịch vụ truyền hình trả tiền trong thời gian tới, thách thức và các cơ hội.
Cả nước hiện có 297 kênh truyền hình trong nước, 70 kênh truyền hình nước ngoài được cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền (PayTV). Mặc dù có đến 80% người Việt Nam xem nội dung truyền hình do Việt Nam sản xuất, nhưng tỷ lệ bình quân khán giả xem truyền hình và tiếp cận truyền hình có xu hướng giảm.
Thông tin chia sẻ tại Hội thảo cũng cho thấy, những năm gần đây thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng chậm, với mức tăng hàng năm chỉ từ 4-5%, với doanh thu tăng 6-7%. Trong khi đó, thuê bao truyền hình OTT (dịch vụ truyền hình trên nền tảng Internet) tăng trưởng mạnh về cả nhu cầu sử dụng và doanh thu, với tốc độ tăng trưởng tới 50%/năm. Điều này có thể thấy, thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống phát triển rất chậm, cơ bản đã bão hòa. Trong khi đó, thuê bao truyền hình OTT phát triển như vũ bão, thuê bao năm sau gấp đôi năm trước.
Với xu hướng chuyển dịch sang OTT như vậy, dịch vụ truyền hình OTT sẽ ngày càng chiếm ưu thế. Thị trường để phát triển dịch vụ truyền hình OTT còn rất lớn, nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Tại Hội thảo, ông David Sismon, Phó chủ tịch cấp cao hãng truyền hình HBO cho biết, dịch vụ truyền hình OTT HBO GO được phân phối tại Việt Nam thông qua công ty Q.net với tư cách đối tác về kỹ thuật và phân phối. Theo đó, Q.net cấp quyền phân phối cho các nền tảng OTT và PayTV hiện có tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ lưu trữ và truyền phát nội dung của HBO GO.
“Chiến lược của HBO châu Á là cung cấp cho những khách hàng hiện tại cùng các đối tác PayTV quyền truy cập vào các sản phẩm theo yêu cầu mà chúng tôi sở hữu, đồng thời mở rộng ra các thị trường mới tới những khách hàng hiện chưa tham gia vào hệ sinh thái PayTV”, ông David Sismon chia sẻ.
Dịch vụ truyền hình OTT VTVCab On được cung cấp trên 4 nền tảng:Smart TV, Smart Phone, Android Box và Web.

Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo HBO, với việc sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền OTT trên nền tảng PayTV, người dùng tại Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thư viện đầy đủ các nội dung do HBO sản xuất, được thưởng thức những phim bom tấn Hollwood mới nhất trên PayTV.
Ông Tạ Sơn Đông, Phó Tổng giám đốc VTVCab cho biết,VTVCab là lấy nội dung làm “vũ khí chiến lược”, bởi vì khán giả sẽ làm chủ lựa chọn xem gì, khi nào và ở đâu. Do đó, mục đích của VTVCab là cung cấp gói nội dung khác biệt. Nội dung phải là giá trị cốt lõi của truyền hình, là công cụ cạnh tranh quan trọng bậc nhất. Nội dung khác biệt sẽ tạo điểm nhấn cho dịch vụ, nội dung đặc sắc là điểm mạnh và lợi thế duy nhất của nhà cung cấp dịch vụ.
Theo tin từ Cục PTTH&TTĐT, tại Việt Nam, có 36 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (PayTV), trong đó có 20 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ OTT (tăng thêm 3 doanh nghiệp so với năm 2018). Số lượng thuê bao PayTV tại Việt Nam tính đến hết quý II/2019 là 16,6 triệu (tăng 15,2% so với cùng kỳ). Doanh thu thuê bao PayTV năm 2018 đạt khoảng 8.296 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2019 đạt 4.138 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ 2018).
Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm