Chuyển đổi số

Ứng dụng vay tiền Trung Quốc lộng hành tại Việt Nam: Lãi suất "cắt cổ", nợ quá hạn bị "khủng bố"

DNVN - Đã trả hết tiền đã vay nhưng bất ngờ 3 tháng sau nhân viên của ứng dụng (App) vay tiền tiếp tục gọi điện thông báo trả khoản nợ 10 triệu từ “trên trời” rơi xuống, đe dọa bị cắt tai hoặc bị giết khi chưa kịp đóng phạt lãi quá hạn 4%/ngày. Hàng chục ngàn người tiêu dùng Việt đang khổ sở bởi các App vay nặng lãi Trung Quốc.

Nở rộ App vay tiền online, biến tướng của tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ" 1.600 %/năm / Vay tiền qua APP với lãi suất “cắt cổ” tới 100%, người vay lâm vào cảnh cùng cực

Nở rộ các App cho vay nặng lãi từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam

Cùng với sự phát triển của công nghệ, hình thức vay tiền online của các đường dây tín dụng đen cũng đã âm thầm xâm nhập vào các ứng dụng trên điện thoại. Thời gian gần đây hàng loạt các đường dây cho vay tiền với lãi suất lên đến hơn 1.000%/năm liên tiếp bị cơ quan chức năng triệt phá.

Mới đây nhất, ngày 2/6 Cơ quan Công an đã phong tỏa tòa nhà nơi đặt trụ sở của App cho vay tiền Cashwagon. Được biết, Cashwagon là một trong những App cho vay với lãi suất cắt cổ từng bị nhiều nạn nhân lên tiếng tố cáo về các chiêu trò khủng bố để đòi nợ.

Cảnh giác với các App cho vay nặng lãi Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Thế Lâm, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, thời gian qua, Công an TP Hồ Chí Minh tập trung tấn công tội phạm tín dụng đen. Thủ tục cho vay viền của các tổ chức tín dụng này khá đơn giản, chỉ cần cầm điện thoại cài App thì tự động được hướng dẫn thủ tục vay.

Sau khi người cho vay kiểm tra, xác minh, người có nhu cầu vay sẽ được giải ngân. Lần đầu người dân được vay dưới 2 triệu đồng nhưng lãi suất cao, từ 1-5%/ngày. Ban đầu, số tiền tưởng nhỏ nhưng thời gian dài, khoản lãi sẽ thành số tiền lớn.

Điều đáng nói, trước khi cho vay, nhóm đối tượng lấy danh bạ điện thoại của người vay. Khi đòi nợ, nhóm này sẽ gọi điện cho khắp bạn bè trong danh bạ điện thoại của người vay để "khủng bố" ở nhiều mức độ khác nhau.

Ông Nguyễn Thế Lâm cho biết thêm, tính đến đầu tháng 6/2020, Công an TP Hồ Chí Minh đã điều tra, xử lý và thu thập thông tin 5 vụ. Trong đó, đã khởi tố 1 vụ và chuyển qua Viện kiểm sát truy tố, 4 vụ còn đang tiếp tục xác minh. Đáng chú ý, trong 5 vụ thì có đến 13 người Trung Quốc. Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ 12 người, 1 người bị truy nã. Có 68.000 nạn nhân được xác định qua 5 vụ việc.

Bản chất là cho vay nặng lãi

Một chuyên gia tài chính cho biết, từ năm 2019, Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P), thì nhiều doanh Trung Quốc đã chạy qua các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hiện có khoảng 60 - 70 doanh nghiệp của Trung Quốc vào Việt Nam thành lập công ty và thuê người Việt đứng tên để cho vay tiền online thông qua các app với lãi suất "cắt cổ".

Các App cho vay nặng lãi Trung Quốc tràn ngập kho ứng dụng.

Thủ đoạn chung của các App cho vay này lấy lãi suất người vay 4,4 %/ngày, tương đương 1.600 %/năm. Tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động.

Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị nhân viên các App cho vay gọi điện đến người thân quen trong danh bạ của người vay tiền nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ.

Bộ Công an cho biết đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, là biến tướng của loại tội phạm cho vay tín dụng đen, cần tập trung ngăn chặn trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm, với các thủ đoạn đa dạng, xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Đã trả hết nợ nhưng vẫn tiếp tục bị đòi tiền

Nhiều người đã bị đe dọa khủng bố, tinh thần xúc phạm danh dự, bản thân và bạn bè, gia đình do vay tiền qua những ứng dụng này. Đều đáng tiếc trong số này có cả những người có trình độ hiểu biết, thậm chí là hiểu rõ về những hệ lụy khi vay trả không đúng hạn.

Chị N.T.X (ở Bình Dương) chia sẻ do nhiều lúc khó khăn thế nào lại không muốn làm phiền gia đình nên chị X đành phải vay tiền qua App. Sau khi bị trễ và bị đe dọa, chị đã trả đủ hết tiền.

Tuy nhiên thì App vay tiền vẫn không buông tha, chị X bức xúc kể: "Sau khoảng tầm hai, ba tháng tự dưng tôi lại bị đòi nợ. Nhân viên của App vay tiền nói rằng tôi chưa thanh toán hoặc là nói tôi đóng tiền trễ. Bây giờ phí phạt lên đến 10 triệu rồi nhưng mà bây giờ tôi chỉ cần thanh toán khoảng tầm 5 triệu thôi là bên đó sẽ xóa nợ cho tôi. Nhưng tôi không đồng ý thì nhân viên của các App gọi điện, nhắn tin khủng bố, đe dọa gia đình tôi."

Thủ đoạn được nhiều người dân trình báo là các App sẽ nhắc trả tiền trước, rồi đe dọa nếu trễ hạn trả. Cùng với đó tiếp tục có những App vay tiền khác liên hệ gợi ý cho nạn nhân vay để để trả cho App vay tiền đầu tiên thì nạn nhân thường vay thêm ít nhất là hai App vay tiền khác.

Một nạn nhân của App vay tiền F668, chị N.Y.N (ở Đồng Nai) cho biết: "Vay App sau để trả tiền cho App trước, cứ xoay vòng như vậy, khi mà không có tiền trả thì cái lúc mà khủng hoảng nhất là của bên F668 họ nói là tiền phạt một ngày là 4%/ ngày, tổng cộng là 250.000 đến 300.000 đồng. Bọn họ dọa: Mày có muốn ra ngoài đường, tao cắt tai hoặc là tao giết mày không?"

Thủ tục vay trên App vay tiền F688 khá đơn giản.

Những đối tượng đòi nợ, đe dọa khủng bố, vu khống, xúc phạm cả nạn nhân và người quen của nạn nhân và mạng xã hội khiến họ vừa bị áp lực trả nợ, vừa bị nghi ngờ, dị nghị.

Sau khi gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng, chị N.T.H , giáo viên công tác tại một trường trung học tại Lâm Đồng cho biết: “Tôi cũng đang rơi vào tình trạng vay nhiều App. Nhưng cho đến hôm nay tôi đã kiệt sức và không có tiền để trả nợ nữa. Các nhân viên của các App đó chửi bới đe dọa tôi rất là nhiều. Tôi là giáo viên nên rất sợ bị ảnh hưởng đến danh dự và công việc. Nhân viên của các App kia đã gửi tin nhắn, bình luận trên Facebook, gửi tin nhắn Zalo cho người thân rồi. Có thời điểm khủng hoảng tôi đã nghĩ đến cái chết…”

Cần sớm ban hành hành lang pháp lý

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, luật sư cho rằng việc cho vay tiền qua App, quy mô, mức độ như hiện nay có dấu hiệu phạm tội có tổ chức dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng khó xử lý tương xứng.

Luật sư Hà Hải, văn phòng Luật sư Hà Hải và cộng sự cho biết: "Cho đến thời điểm này vẫn chưa có điều luật nào quy định cụ thể, rõ ràng xử lý đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Để xử lý hình sự về hành vi giết người hay không thì luật pháp không có quy định về chuyện đó, rất khó cho cơ quan thẩm quyền để điều tra, xử lý."

Theo các luật sư thì người vay tiền qua App cũng cần giữ lại các sao kê giao dịch để làm chứng cứ, cần làm đơn tố giác các hành vi bởi việc cho vay tiền qua App về bản chất cũng đã vi phạm các quy định pháp luật hiện hành ngay từ đầu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi các cơ quan chức năng ra quân truy quét thời gian gần đây, nhiều App cho vay tiền đã ngưng hoạt động, ngừng giải ngân mới, thay đổi tên miền và chỉ tập trung thu hồi nợ. Chẳng hạn các app Vtien, Doctor app, Vdong, Openvay, Tiennhanh, Vtdong, Movay... chỉ để lại số tài khoản cho người vay chuyển khoản trả nợ.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho các công nghệ tài chính (Fintech) để trình Chính phủ. Theo đó, sẽ áp dụng cơ chế thử nghiệm 1-2 năm với các lĩnh vực mới gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P), hỗ trợ định danh khách hàng, các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn...

Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có hơn 150 công ty Fintech, thực hiện các dịch vụ như thanh toán, ứng dụng xếp hạng, chấm điểm tín dụng... Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý, cơ quan chức năng đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mô hình hoạt động cũng như quản lý các hoạt động của những công ty này, nhất là khi các Fintech mở rộng phạm vi hoạt động.

Trung Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo