Chuyển đổi số

Vay tiền qua APP với lãi suất “cắt cổ” tới 100%, người vay lâm vào cảnh cùng cực

DNVN - Theo ông Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm, với các thủ đoạn đa dạng, ở hầu hết các địa phương, khu vực, chúng ta phải đấu tranh làm mạnh, đặc biệt lực lượng cảnh sát hình sự và cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao.

Mobile Money: Lợi ích lớn, nhưng rủi ro cũng rất cao / Ngày 7/7, hạn chót chủ ví điện tử phải xác thực danh tính

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/6, phóng viên đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ Công an về việc, vừa qua nở rộ dịch vụ cho vay tiền qua app (ứng dụng trên điện thoại) nhưng phải trả lãi cao tới mức cắt cổ, điều này khiến nhiều người vay bị lâm vào cùng cực. Bộ Công an có giải pháp gì về việc này? Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết, tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm, với các thủ đoạn đa dạng, ở hầu hết các địa phương, khu vực, chúng ta phải đấu tranh làm mạnh, đặc biệt lực lượng cảnh sát hình sự và cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao.

Thực tế, nhu cầu vay tín dụng khá lớn nên tín dụng đen mới hoạt động mạnh thế. Đặc biệt, người đi vay tín dụng đen đều ở tình trạng cần tiền gấp, trong đó có cả đối tượng nghiện hút, cờ bạc… Còn những người làm ăn, kinh doanh đa số biết là khó làm được gì có lợi nhuận đủ để bù đắp lại số lãi vay cao như vậy… Do đó, tín dụng đen là loại tội phạm nguy hiểm, mục tiêu đấu tranh của công an.

Ông Tô Ân Xô cũng cho biết, Bộ Công an đã có cảnh báo các loại tội phạm này trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, có các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tránh rơi vào bẫy tín dụng đen…

Tới đây, Bộ Công an sẽ tiến hành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 12-CP của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có hoạt động vi phạm liên quan đến tín dụng đen, sẽ có hội nghị có các nội dung cụ thể hơn…

Ngân hàng Nhà nước đã từng cảnh báo về hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Theo đó, một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình cho vay ngang hàng để thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp...), quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân; tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây bất ổn an ninh kinh tế và ổn định xã hội.

Trong một số trường hợp, công ty cho vay ngang hàng và công ty cầm đồ còn có dấu hiệu vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng khi thực hiện hoạt động ngân hàng dưới hình thức cấp tín dụng.

Hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo quản lý dịch vụ vay ngang hàng tại Việt Nam để chuẩn bị cho việc xây dựng khung pháp lý liên quan đến việc thử nghiệm mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam.

Việt Nam đang nở rộ dịch vụ vay tiền qua app nhưng chưa được quản lý.

Việt Nam đang nở rộ dịch vụ vay tiền qua app nhưng chưa được quản lý.

Tại Việt Nam ước tính có hơn 40 công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) đang hoạt động. Nhưng chỉ cần vào Google, Facebook, hay lên “chợ” Google Play và gõ “vay online”, có thể tìm kiếm được khoảng 250 app cho vay tiền online.

Mới đây Công an TP.HCM đã triệt phá nhiều vụ liên quan đến các ứng dụng cho vay online trái pháp luật. Cơ quan điều tra xác định, các ông chủ Trung Quốc đã thuê 2 đối tượng người Trung Quốc và một nhóm người Việt Nam thực hiện hoạt động cho vay online. Các ứng dụng này đã cho khoảng 60.000 người vay với số tiền hơn 100 tỷ đồng, thu lợi hàng chục tỷ đồng.

Tại trang web vaytocdo.com, chỉ với vài thao tác đơn giản trong ít phút, người vay có thể vay được một khoản tiền từ 1,7 đến 2,75 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu vay 1,7 triệu đồng, người vay chỉ được nhận 1,42 triệu đồng và sau 8 ngày phải trả cả vốn lẫn lãi là 2,04 triệu đồng. Nếu trả chậm một ngày, sẽ bị phạt 102.000 đồng.

Với ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, khách hàng vay được tối đa 1,5 triệu đồng, nhưng chỉ nhận 900.000 đồng, 600.000 đồng còn lại là phí dịch vụ và tiền lãi trả trước trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, nếu trả chậm sẽ bị phạt mỗi ngày 2 - 5%. Như vậy, lãi suất cho vay qua 2 app này là 3%/ngày, 90%/tháng.

Hiện trên thị trường, rất nhiều app cho vay online như Panda, Vay tia chớp, Vay ATM, Uvay, Bagang, Vaydi… vẫn đang hoạt động rầm rộ.

Mới đây ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech đã lên tiếng lo ngại về mối hiểm họa của dịch vụ cho vay ngang hàng. Theo ông Bình, có khoảng 60 - 70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam sau khi mô hình này đổ vỡ tại Trung Quốc. Các ông chủ người Trung Quốc thuê người Việt làm đại diện và chỉ đứng sau điều hành. Các app cho vay online của Trung Quốc đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, dùng các “chiêu” quảng cáo gây nhầm lẫn, lừa đảo… để thu hút khách hàng, nhưng thực chất là cho vay với lãi suất rất cao, lên tới 90 - 100%/tháng, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính và an ninh, an toàn xã hội.

“Đặc điểm chung rất đáng lo ngại là các doanh nghiệp này không hề có hoạt động kêu gọi người cho vay, mà chỉ quảng bá kêu gọi người vay. Như vậy, đây không phải là mô hình P2P thực sự. Lãi suất của các công ty tín dụng đen đội lốt thường rất cao, dùng mẫu quảng cáo cho vay tiền online, nhưng lại gán logo của các ngân hàng để cho vay tiền. Đây là hành vi lừa đảo người dân”, ông Bình nói.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, mỗi doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đều núp bóng các công ty Việt Nam, mỗi công ty tạo ra nhiều app với tên gọi khác nhau để tiếp cận người vay trên môi trường mạng Internet. Qua các app cho vay online này, các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp dịch vụ tín dụng đen, cho vay nặng lãi với lãi suất có thể lên tới 700%/năm. Sau đó, họ sử dụng các hình thức thu đòi nợ kiểu “khủng bố tinh thần”, bôi nhọ người vay hoặc làm phiền người có liên quan trong danh bạ của người vay.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo