Chuyển đổi số

Viễn thông là hạ tầng của kinh tế số, công nghệ nền tảng và cốt lõi phải do Việt Nam sản xuất

DNVN - Tại buổi gặp mặt Gặp mặt cuối năm đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của Bộ TT&TT vào ngày 20/1/2020, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khái quát lại những thành tựu mà ngành TT&TT đã đạt được trong năm 2019 vừa qua và nhấn mạnh một số định hướng lớn, trọng tâm năm 2020 đối với các lĩnh vực quản lý của Bộ.

Sao Khuê 2020 lần đầu tiên có lĩnh vực Dịch vụ Chuyển đổi số và Ngày Chuyển đổi số - DX Days / Thực hiện chiến lược Make in Vietnam, đến năm 2030 có ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi Gặp mặt.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi Gặp mặt.

Bưu chính phải đưa bộ mã bưu chính tới địa chỉ của 24 triệu hộ gia đình

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đối với lĩnh vực Bưu chính: Ngành Bưu chính đang là một trong những ngành quan trọng của đất nước, là nền tảng của thương mại điện tử. Bộ trưởng chia sẻ thêm, hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng tới đây đã xuất hiện cụm từ thương mại điện tử. Bưu chính sở hữu chuỗi bán lẻ tới 24 triệu “siêu thị” (tức là 24 triệu hộ gia đình Việt Nam). Siêu thị điện tử hiện diện trong từng hộ gia đình, do vậy cần đẩy mạnh bộ mã Bưu chính đến địa chỉ và khả năng giao hàng đến gần 24 triệu hộ gia đình Việt Nam.

Mạng viễn thông là hạ tầng của kinh tế số

Đối với lĩnh vực Viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong Văn kiện Đại hội Đảng đã dùng cụm từ hạ tầng số. Nghĩa là Viễn thông trở thành sứ mạng là hạ tầng của kinh tế số. Thủ tướng nói trước Quốc hội là năm 2020 tuyên bố thương mại hóa 5G. Và Việt Nam là một trong số nước đi đầu thế giới về phát triển 5G. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tuyên bố từ nay trở đi Việt Nam sẽ cùng nhịp với thế giới về mặt công nghệ. Đặc biệt, trong thời gian tới các doanh nghiệp viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò và trách nhiệm là nền tảng của hạ tầng số, thanh toán số (mobile money).

Ngoài ra, mạng viễn thông phải là nền tảng của các nền tảng. Các doanh nghiệp viễn thông mang trong mình sứ mạng của doanh nghiệp nền tảng với trách nhiệm xã hội bảo đảm một nền tảng viễn thông cũng như các nền tảng khác chạy trên mạng viễn thông phải sạch. Xử lý căn bản các loại “rác” viễn thông như SIM “rác”, tin nhắn “rác”, thoại “rác”, thư “rác”… là trách nhiệm của người đứng đầu các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông để phát triển thị trường bền vững và lành mạnh.

Công nghệ nền tảng, cốt lõi là do Việt Nam sản xuất

Trong lĩnh vực Ứng dụng CNTT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ TT&TT là cơ quan thường trực về Chính phủ điện tử (CPĐT), thực hiện tốt vai trò điều phối thống nhất về phát triển CPĐT trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các Bộ, ngành và địa phương. Mục tiêu là đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Đối với đô thị thông minh: là bước tiếp theo của Chính phủ điện tử, Chính phủ số, năm 2020 là năm kết nối chia sẻ dữ liệu đối với tất cả các Bộ, ngành, địa phương. Việt Nam đã tuyên tuyên bố công nghệ nền tảng, cốt lõi là do người Việt Nam sản xuất.

Lĩnh vực An toàn thông tin: Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng. Việt Nam đã tập trung phát triển Hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phải do chính doanh nghiệp Việt Nam làm ra và làm chủ 100% các sản phẩm an ninh mạng. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia cần được tiếp tục đầu tư để có đủ năng lực giám sát, phân tích, dự báo tình hình trên không gian mạng, kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu độc, đảm bảo một không gian mạng lành mạnh và tích cực.

Việt Nam sẽ phát triển các doanh nghiệp công nghệ số

Đối với lĩnh vực Công nghiệp ICT: Việt Nam đã chính thức truyền đi thông điệp về phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, về chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm Việt Nam: Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Make in Viet Nam là một định hướng lớn, là tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT phải đi đầu trong chiến lược Make in Viet Nam. Và trong Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã nêu rất rõ. Bộ sẽ quan tâm chỉ đạo “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” nhất là trong sản phẩm thuộc lĩnh vực của ngành TT&TT.

Báo chí phải tìm cách chuyển đổi số, đưa công nghệ vào làm báo

Lĩnh vực Báo chí, truyền thông: Báo chí thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam càng ngày càng rõ hơn, tạo đồng thuận, tạo niềm tin xã hội, tạo nên khát vọng Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, khi tròn 100 năm nước Việt Nam mới.

Đồng thời, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, tìm cách chuyển đổi số, đưa công nghệ vào làm báo, hỗ trợ các báo kết nối với nhà mạng với chi phí thấp nhất, đề xuất Chính phủ có thêm ngân sách để các Bộ, ban, ngành, các tỉnh thành đặt hàng các nhiệm cụ chính trị cho báo chí.

Thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo đúng nội dung Quy hoạch và Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019 của Bộ TTTT, không chấp nhận mọi lý do gây chậm trễ tiến độ thực thi Quy hoạch đối với tất cả các cơ quan chủ quản cơ quan báo chí. Quan tâm hỗ trợ đến kinh tế báo chí, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong báo chí nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện Quy hoạch và xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện.

Bên cạnh đó, thực thi luật pháp nghiêm minh với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng theo nguyên tắc Việt Nam là đất nước có chủ quyền, mọi doanh nghiệp bất kể trong nước hay nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, bảo đảm các nền tảng có số lượng lớn người sử dụng phải lành mạnh, phải sạch, phải xác định được danh tính người sử dụng.

Triển lãm ITU Digital World là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các tập đoàn công nghệ hàng đầu

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, năm 2020, tập trung và thực hiện thành công Hội nghị và Triển lãm Thế giới số - ITU Digital World. Đây là sự kiện quốc tế lớn nhất của Ngành trong năm 2020 đồng thời là sự kiện mang tầm cỡ toàn cầu. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ cần khẩn trương triển khai các kế hoạch về khâu tổ chức, nội dung, truyền thông ngay từ đầu năm, mời các CEO của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tham gia và có bài phát biểu tại sự kiện này. Đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò trung tâm về lĩnh vực ICT (ICT Hub) trong khu vực ASEAN, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp ICT trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc xúc tiến và thiết lập quan hệ đối tác với các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm