Việt Nam nằm trong Top quốc gia phát triển nhiều nhất các ứng dụng CNTT phòng chống COVID-19
Chuyển đổi số phải thống nhất một thước đo mới về ứng dụng CNTT / Từ 1/7/2020, MobiFone triển khai hệ thống chặn cuộc gọi rác dùng Big Data và AI
Theo nguồn tin từ Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2020, khi đại dịch Covid đến rồi đi, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của thế giới. Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Y tế và các doanh nghiệp công nghệ số hiệu triệu toàn ngành thông tin và truyền thông, bao gồm các doanh nghiệp công nghệ số vừa tích cực tham gia phòng, chống Covid-19 vừa tham gia phát triển các ứng dụng công nghệ số để giúp cuộc sống của người dân, xã hội vẫn tiếp tục diễn ra theo một trạng thái bình thường mới.
Đến nay, Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong số ít quốc gia phát triển nhiều ứng dụng CNTT nhất trong phòng chống COVID-19. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch. Có các ứng dụng với hàng triệu lượt tải, được người dân sử dụng phổ biến như Ncovi, Bluezone; có những ứng dụng phục vụ việc truy vết, đo mức độ giãn cách xã hội.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham quan khu vực triển lãm 5G tại Bộ TT&TT vào sáng 6/7/2020.
Đặc biệt, ứng dụng Khẩu trang điện tử - Bluezone sử dụng công nghệ bluetooth để quản lý tiếp xúc gần do Cục Tin học hóa chủ trì, phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ số được đánh giá là một giải pháp có tính đột phá. Việt Nam là một trong số ít các nước đầu tiên xây dựng và phát triển ứng dụng quản lý tiếp xúc gần. Và đây cũng là lần đầu tiên một giải pháp công nghệ do Cơ quan nhà nước chủ trì phát triển được mở mã nguồn và công bố trên kho Github để các quốc gia khác trên thế giới có thể học hỏi, tham khảo và tận dụng trí tuệ của tri thức trên toàn thế giới. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, giải pháp đã được liên tục nâng cấp, hoàn thiện, trở thành một trong những giải pháp tốt nhất nhờ vào sự đóng góp, góp ý của hàng trăm chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước.
Có thể nói đại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia. Giai đoạn vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào trong các hoạt động khối các cơ quan chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dưới áp lực của tình trạng dịch bệnh đã chủ động ứng dụng công nghệ, thay đổi cách thức, mô hình hoạt động để thích ứng và phát triển. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt cũng đã rất nhạy bén, nhanh chóng, chủ động nắm bắt cơ hội để xây dựng và triển khai các nền tảng, giải pháp nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt xây dựng các nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Trong 06 tháng đầu năm, Bộ đã tổ chức khai trương, giới thiệu và bảo trợ về truyền thông cho nhiều nền tảng số Make in Vietnam. Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, tư vấn sức khỏe; Nền tảng dạy học trực tuyến cung cấp giải pháp, cho hơn 43.000 trường trên phạm vi toàn quốc; Các nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode, hội nghị trực tuyến Zavi, Comeet, nền tảng điện toán đám mây Việt Nam, nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office, nền tảng công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo VAIS và Vbee … lần lượt ra đời đã mang lại những hiệu quả tích cực, thiết thực cho xã hội.
Trong tháng 6/2020, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI)… Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các Bộ, ngành, địa phương cả nước đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế là hai bộ đầu tiên, công bố hoàn thành mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4.
End of content
Không có tin nào tiếp theo