Chuyển đổi số

Việt Nam sắp có mạng di động ảo thứ 2 được cấp phép

DNVN - Theo nguồn tin riêng từ Cục Viễn thông, Cục đã chuẩn bị cấp phép thêm một mạng di động ảo sắp ra mắt tại thị trường Việt Nam. Mạng di động này cung cấp trên hạ tầng mạng di động của VNPT, tương tự mạng di động ảo của Đông Dương Telecom.

Bộ TT&TT lên phương án tắt sóng di động 2G và 3G, điện thoại 'cục gạch' sắp hết thời / Bộ TT&TT sẽ sớm công bố lộ trình tắt sóng di động 2G

Sau Đông Dương Telecom, Việt Nam sắp có mạng di động ảo thứ 2 được cấp phép.

Sau Đông Dương Telecom, Việt Nam sắp có mạng di động ảo thứ 2 được cấp phép.

Mạng di động ảo sắp ra mắt thuộc công ty cổ phần của các đối tác Việt Nam mua buôn lưu lượng của VNPT để bán lẻ đến khách hàng. Mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) sẽ được cấp phép đầu số mới để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Như vậy đây là mạng di động ảo thứ 2 tại Việt Nam sau Đông Dương Telecom cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Và là mạng di động thứ 7 được cấp phép ở Việt Nam, trong đó bao gồm MobiFone, VinaPhone, Viettel, Vietnamobile, Gtel (những nhà mạng có hạ tầng) và mạng di động ảo Đông Dương Telecom.

Từ hồi đầu tháng 5/2019, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ký kết với một công ty về viễn thông chuyên kinh doanh mạng di động ảo (MVNO) nổi tiếng của Malaysia để cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam theo mô hình MVNO. Các ký kết hợp tác đã hoàn tất và đối tác đang chuẩn bị triển khai để có thể khai trương và cung cấp dịch vụ di động ra thị trường. Đồng thời cũng tiết lộ rằng, đây là đối tác MVNO nổi tiếng của châu Á, kinh doanh ở nhiều nước, và công ty này có hệ số hóa, hệ thống bán hàng hiện đại.

Trước đó, ngày 25/4/2019, Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom đã ra mắt dịch vụ viễn thông di động đầu số 087 (mạng di động ITelecom). Đông Dương Telecom là doanh nghiệp tiên phong triển khai mô hình mạng di động ảo tại Việt Nam bằng việc ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn VNPT để sử dụng cơ sở hạ tầng của mạng di động VinaPhone. Đông Dương Telecom đã tung ra thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp ở 9 tỉnh, thành bao gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An và Đồng Nai. Mục tiêu của công ty này là hướng tới 15 triệu công nhân tại các khu công nghiệp trên cả nước.

Mạng di động ảo là gì?

Theo định nghĩa trên WikiPedia, mạng di động ảo, tiếng Anh là Mobile Virtual Network Operator (MVNO) là mạng di động mà nhà cung cấp không sở hữu hạ tầng mạng lưới nhưng cung cấp dịch vụ di động tới khách hàng. Một nhà cung cấp mạng di động ảo bước vào thị trường với việc thỏa thuận với một nhà mạng di động để mua lưu lượng truy cập dịch vụ mạng với giá cả gói, sau đó cung cấp dịch vụ với giá bán lẻ riêng.

Sự ra đời của MVNO mang lại nhiều yếu tố tích cực trong phát triển của nhà khai thác di động. Việc bán lại lưu lượng là phương thức hiệu quả để chia sẻ chi phí vận hành mạng và nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư ban đầu.

Hơn nữa, MVNO có thể đem đến những mạng lưới bán lẻ và các kênh bán hàng trực tuyến có khả năng thúc đẩy khách hàng qua những phương thức kinh doanh khác nhau. Khi các MVNO đưa ra những dịch vụ di động giá trị gia tăng, các đối tác cũng được hưởng lợi từ chia sẻ nguồn tài nguyên này.

Mô hình MVNO xuất hiện từ những năm 1990 khi thị trường di động Châu Âu có sự chuyển động mạnh mẽ. Dù mạng 2G mới thời đó đã được quản lý hiệu quả hơn trong việc cấp băng tần cho các nhà mạng, thì những nhà mạng mới vẫn khó có băng tần trong một phổ tần số hạn chế.

Những giới hạn về phổ tần sóng điện từ đã làm hạn chế số lượng nhà khai thác di động thực. Để giải quyết vấn đề này, mô hình mới về khai thác dịch vụ di động dựa trên các Nhà khai thác mạng di động ảo đã ra đời. Khi cung cấp dịch vụ, nhà cung cấp mạng di động ảo có thể triển khai riêng đội ngũ chăm sóc khách hàng, hệ thống tính cước, hay đội ngũ marketing và bán hàng...

Như mạng I-Telecom chú trọng vào hoạt động chăm sóc khách hàng qua tổng đài chăm sóc khách hàng 19001087 hoặc tới các đại lý ủy quyền của Đông Dương Telecom. Các bộ phận này sẽ có trách nhiệm xử lý trực tiếp những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển tiếp khiếu nại lên hệ thống để các bộ phận khác giải quyết tiếp.

Đông Dương Telecom và các tổng công ty VNPT-VinaPhone, VNPT-NET đã ký kết và triển khai các bộ quy trình phối hợp xử lý, giải quyết khiếu nại đối với khách hàng. Nhìn chung, việc xử lý giải quyết khiếu nại của Đông Dương Telecom hiện tại giống như các doanh nghiệp có hạ tầng đang thực hiện.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm