Vĩnh Long: Triển khai 9 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội số đến năm 2025
Cần Thơ thí điểm phần mềm họp trực tuyến từ tháng 1/2022 / Cần Thơ: Ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung
Kế hoạch được UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành vào ngày 6/6, thực hiện theo Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với mục tiêu chung là hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ, mang lại tiện ích, hiệu quả cao nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN); phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, luôn đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm; góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hành chính cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm OCOP Vĩnh Long ngày càng được khách hàng ưa chuông và đặt mua thông qua kênh thương mại điện tử.
Để thực hiện có kết quả kế hoạch đề ra, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 9 nội dung chính, đó là: Hoàn thiện văn bản phù hợp với sự phát triển kinh tế số, xã hội số; tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức của DN và người dân về kinh tế số, xã hội số; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển dữ liệu số; đảm bảo an toàn thông tin và an toàn mạng; phát triển nhân lực số kỹ năng số, công dân số, văn hóa số; phát triển doanh nghiệp số; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử…
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung rà soát, bổ sung các văn bản phù hợp với sự phát triển kinh tế số, xã hội số, cụ thể hóa việc thúc đẩy giao dịch điện tử phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực quản lý. Tổ chức các hội nghị, hội thảo các sự kiện triển lãm về phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến tập huấn về các nền tảng số quốc gia, các mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình trên hệ thống truyền thông từ cấp tỉnh đến cấp xã. Phát triển các kênh tư vấn, hỏi đáp, trợ lý ảo về kinh kế số, xã hội số; hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số, sử dụng nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ số.
Bên cạnh đó, tỉnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân như phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các khóm, ấp, khu vực dân sinh, tăng tỷ lệ người sử dụng internet; dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng…
Phát triển dữ liệu và phát triển nhân lực trong các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công nghiệp và thương mại… Xây dựng tổ chức triển khai nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu của tỉnh, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu để tập hợp tài nguyên dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bảo sao số, chuỗi khối.
Xây dựng và chuyển giao các mô hình kinh doanh mới, mô hình mẫu về chuyển đổi số, kinh tế số; xây dựng các DN chuyển đổi số điển hình, các mô hình mẫu, ứng dụng mẫu chuyển đổi số phù hợp với đặc trưng của tỉnh; thúc đẩy các DN đầu ngành, DN hạt nhân đầu tư nghiên cứu các nền tảng số chuyên ngành, hỗ trợ chuyển giao cho các đối tác cùng ứng dụng, kết nối, chia sẻ; thiết lập nền tảng chuyển đổi số, kiến tạo hệ sinh thái mới…
Tập trung phát triển nhân lực số, kỹ năng số, công dân số và văn hóa số. Hỗ trợ DN nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đánh giá, lựa chọn và công bố các nền tảng số, giải pháp số cho chuyển đổi số của DN, phát triển và nhân rộng nền tảng số, tạo hệ sinh thái trong các ngành, lĩnh vực; có chính sách ưu đãi khuyến khích DN nỗ lực tăng mức độ chuyển đổi số
Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ DN bưu chính, chuyển phát và logicstic chuyển đổi số; chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp; hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử… Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, các chương trình chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long giao Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương chủ trì phối hợp UBND các huyện và các sở, ngành liên quan thực hiện. Thời gian thực hiện kế hoạch từ năm 2022 đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, bằng nhiều nguồn kinh phí: kinh phí của tỉnh, kinh phí của DN, nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo