Chuyển giao công nghệ: Không thể chờ doanh nghiệp FDI tự nguyện
Sau khi DĐDN có bài viết trên số 51 “Doanh nghiệp FDI “khất lần” chuyển giao công nghệ” GS TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đưa ra quan điểm: “Các chính sách ưu đãi không gắn với chuyển giao công nghệ, không gắn với hiệu quả thực tế, mặc dù các ưu đãi về thuế, đất đai, ngoại tệ đều được doanh nghiệp FDI tận dụng tối đa”.
Theo ông Mại, hiện nay, Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh với tốc độ tăng trưởng cao hợp lý. Chính vì vậy, định hướng thu hút FDI trong thời gian tới cũng phải thay đổi theo hướng này.
Vậy theo ông, chúng ta cần thay đổi như thế nào?
Bên cạnh việc thay đổi chiến lược thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực mới như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), bigdata, điện toán đám mây... thì việc thay đổi cách tiếp cận về chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp Việt Nam. Kinh nghiệm thu hút, chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc là minh chứng. Cách đây vài năm, để tăng cường thu hút, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Trung Quốc, chính phủ nước này đã ràng buộc các dự án có công nghệ mà Trung Quốc chưa có. Cụ thể, trong quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu chủ đầu tư phải chuyển giao công nghệ cho một doanh nghiệp hay tổ chức nào đó trong nước, và chỉ khi nào chuyển giao xong công nghệ, dự án đầu tư đó mới được coi là hoàn thành.
Bên cạnh việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu FDI, ông có ý tưởng nào cho chính sách chuyển giao công nghệ, thưa ông?
Nhìn lại các chính sách chuyển giao công nghệ của Việt Nam có thể thấy rằng, hiện nay, các ưu đãi không gắn với chuyển giao công nghệ, không gắn với hiệu quả thực tế của các dự án đầu tư FDI, mặc dù các ưu đãi về thuế, đất đai, ngoại tệ đều được doanh nghiệp “tận dụng” tối đa. Để xảy ra hiện tượng này dường như là do việc thẩm định mức độ chuyển giao công nghệ của các dự án có đúng với cam kết trong giấy phép hay không chưa được quan tâm một cách đúng mức.
Vì vậy, một trong những kiến nghị được Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài sẽ đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI dự kiến tổ chức vào tháng 10 đó là kiến nghị đưa ra một quyết định của Nhà nước về chính sách ưu đãi gắn với hiệu quả thực hiện chuyển giao công nghệ tại các dự án đầu tư FDI. Cụ thể, các dự án có chuyển giao nhưng chưa như cam kết, hoặc cố tình không chuyển giao sẽ không được hưởng ưu đãi, thậm chí sẽ có những biện pháp phạt. Để đảm bảo các dự án FDI chuyển giao công nghệ một cách chủ động cho doanh nghiệp Việt Nam. Tất nhiên, đây là vấn đề không dễ nhưng Việt Nam phải đặt ra để nghiên cứu về mặt chính sách.
Nhưng để nhân rộng các điển hình chuyển giao công nghệ tốt giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội, chắc hẳn chính sách hỗ trợ thôi là chưa đủ, thưa ông?
Việt Nam hiện nay có rất nhiều mô hình về việc doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Ví dụ như Samsung có 18 tiêu chí, với 27 nhà cung cấp cấp 1 và khoảng 200 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 2,3. Như vậy, nếu mô hình này được nhân rộng trong giai đoạn tới, tại các địa phương, tại mỗi doanh nghiệp, vào từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, Việt Nam sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp nội là nhà cung cấp của doanh nghiệp FDI.
Tất nhiên, doanh nghiệp nội cũng cần có một bệ đỡ. Tuy nhiên, để doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ thì câu chuyện vốn cho doanh nghiệp cần sớm được “khơi thông”.
Ông có thể phân tích rõ hơn về những khó khăn mà doanh nghiệp cần được khơi thông?
Đầu tiên là vốn! Cùng với ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải nghiên cứu để đưa ra giải pháp trọn gói để làm thế nào nâng tỷ lệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn từ 25% hiện nay, nhích dần lên 30 – 40%. Bên cạnh đó phải xét yếu tố ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có 2 nội dung liên quan đến thuế cần phải thay đổi trong thời tới để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Thứ nhất, phải có sắc thuế ưu đãi dành cho doanh nghiệp chuyển giao, đầu tư công nghệ.
Thứ hai, Việt Nam nên áp dụng chính sách khấu hao nhanh, ví dụ như Thuỵ Điển. Thời gian khấu hao tài sản thường là 7 năm, tuy nhiên, với những ngành công nghệ hiện đại nhất cần phải đổi mới nhanh, thậm chí là khấu hao 50%/ năm, nghĩa là chỉ đến năm thứ 2 là hoàn vốn. Hiện nay Việt Nam đang khấu hao đồng loạt và như vậy là không công bằng đối với doanh nghiệp luôn luôn đổi mới công nghệ.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo