Hỗ trợ doanh nghiệp

Cienco 8 ngập lụt trong nợ nần

Tình hình tài chính của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cineco 8) - một trong những nhà thầu xây lắp lớn của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đang rất bê bết, khi cả công ty mẹ lẫn nhiều công ty thành viên chìm ngập trong nợ nần.
“Lỗ” và “nợ” nặng
 
Đến thời điểm này, tiến trình cổ phần hóa hai trong số 4 công ty thành viên còn lại của Cienco 8 là Công ty Xây dựng công trình giao thông 875 và Công ty Xây dựng công trình giao thông 892 đang lâm vào ngõ cụt.
 
Cụ thể, tại Công ty 892, dù quá trình đối chiếu công nợ vẫn chưa kết thúc, nhưng tính đến ngày 15/1/2013, đơn vị này tạm xác nhận là đã mất cân đối hơn 124 tỷ đồng, gấp 21,1 lần số vốn nhà nước tại đơn vị.
 
Tình hình tại Công ty 875 còn bi đát hơn. Tính đến cuối tháng 9/2012, Công ty 875 bị lỗ 157,3 tỷ đồng, trong khi vốn nhà nước tại đơn vị chỉ có 3,6 tỷ đồng. “Cả hai đơn vị này không đủ điều kiện cổ phần hoá, nên chúng tôi đã khuyến nghị Bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho bán hoặc tiến hành phá sản”, ông Đỗ Thái Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 8 xác nhận.
 
Việc cổ phần hoá 2 đơn vị thành viên còn lại là Công ty Cầu 75 và Công ty 829 (dù không bị lỗ) cũng không dễ thực hiện. Ngoài việc không có nhiều lợi thế về ngành nghề, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thấp, dự báo Công ty Cầu 75 và Công ty 829 sẽ khó tìm được các cổ đông chiến lược bỏ vốn đầu tư.
 
Được biết, không chỉ gặp khó trong cổ phần hóa công ty con, nếu không sớm giải quyết được tình hình tài chính bi đát của công ty mẹ, việc lỡ mục tiêu chuyển đổi mô hình sở hữu toàn bộ Cienco 8 trước ngày 31/12/2013 là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 cho thấy, Cienco 8 (công ty mẹ) lỗ 146 tỷ đồng, lỗ tiềm ẩn khoảng 325 tỷ đồng.
 
“Khả năng chuyển từ lỗ tiềm ẩn sang lỗ thật đối với 325 tỷ đồng này là rất cao, bởi những tồn tại lớn khó có thể bù đắp được tại các đơn vị hạch toán phụ thuộc, như Chi nhánh phía Nam, Công ty Vật tư và xây dựng công trình và một số ban điều hành dự án”, ông Nguyễn Văn Thành, Thành viên Hội đồng thành viên, Kế toán trưởng Cienco 8 thừa nhận với phóng viên Báo Đầu tư.
 
Như vậy, nếu hạch toán cả số lỗ của công ty mẹ và hai công ty con, Cienco 8 đang lỗ ít nhất 500 tỷ đồng, kém đúng 1 tỷ đồng so với khoản vốn điều lệ 501 tỷ đồng vừa được Bộ GTVT cho phép điều chỉnh.
 
Cũng do liên tục phải nhận nợ bắt buộc và giải quyết khó khăn cho các đơn vị thành viên, nên công nợ của các công ty con đối với công ty mẹ – Cienco 8 đã lên tới 600 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Cienco 8, khả năng thu hồi khoản công nợ này là thấp và nếu không xử lý dứt điểm sẽ gây khó khăn cho công ty mẹ sau cổ phần hoá.
 
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hiện Cienco 8 đang “mất dấu” khá nhiều đội trưởng, lãnh đạo Ban điều hành dự án sau khi các cá nhân này “ôm” hàng trăm triệu đồng tiền tạm ứng, mà không hẹn ngày trả nợ.
 
Một điểm khá bất thường là, số liệu tài chính do Cienco 8 tự công bố trên website của mình cũng như trong tất cả các hồ sơ dự thầu được làm trong khoảng 7 năm trở lại đây, thì tổng công ty này đều có lãi.
 
Cụ thể, ngoại trừ năm 2011 “mất tích” số liệu, trong giai đoạn từ 2005 đến 2010, năm nào Cienco 8 cũng có lãi từ 10 đến 40 tỷ đồng.
 
“Phao cứu” mong manh
 
“Khoản thua lỗ mà Cienco 8 đang phải gánh thực ra đã âm ỉ từ nhiều năm nay, xuất phát từ việc duy trì một mô hình quản trị doanh nghiệp lạc hậu, buông lỏng công tác quản lý công nợ, tạm ứng...”, một lãnh đạo đương nhiệm tại Cienco 8 lý giải.
 
Điều đáng nói là, Cienco 8 là một trong 10 doanh nghiệp không được phép lùi tiến độ sắp xếp, bởi trước đó, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT đã có nghị quyết khẳng định, lãnh đạo các đơn vị này nếu không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch sẽ bị xem xét vai trò, trách nhiệm và có biện pháp xử lý thích hợp, bao gồm việc điều chuyển công tác.
 
Trước sức ép cổ phần hóa từ Bộ GTVT, mới đây, Cienco 8 đã phải phát văn bản đề nghị Bộ chủ quản cho phép đơn vị được cầu cứu Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trong việc xử lý khoản công nợ 600 tỷ đồng từ các công ty con.
 
Hiện chưa rõ tín hiệu phản hồi từ DATC, nhưng khả năng tái cơ cấu toàn bộ khoản nợ xấu kéo dài này không cao, bởi bản thân đơn vị chuyên xử lý nợ hàng đầu Việt Nam cũng đang “nặng nợ” với nhiều doanh nghiệp giao thông khác.
 
Khó khăn chồng chất khó khăn, lượng công việc gối đầu của Cienco 8 trong năm 2013 chỉ còn 2.643 tỷ đồng, nên nếu không trúng thầu tại một số dự án lớn, hơn 4.100 lao động của Cienco 8 sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu việc làm.
 
Trong lúc chờ Bộ GTVT “giải cứu” bằng cách giao Cienco 8 thi công một số dự án theo cơ chế, theo một nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, gần đây, do Cienco 8 thi công yếu kém, Bộ GTVT đã phải điều chuyển gần 100 tỷ đồng sản lượng của nhà thầu này tại Dự án Xây dựng Đường cao tốc Quốc lộ 3 mới.
 
Cùng với nguy cơ thiếu việc, gánh nặng nợ đọng xây dựng cơ bản lưu cữu từ nhiều năm nay đang làm biến dạng tình hình tài chính của Cienco 8. Báo cáo của Cienco 8 cho thấy, toàn tổng công ty còn 2.305 tỷ đồng các khoản phải thu và 3.089 tỷ đồng nợ phải trả. Nợ nhiều, thiếu vốn kinh doanh, nên toàn bộ “nhựa sống” cho công ty mẹ và 33 đầu mối khác đều phụ thuộc vào nguồn tạm ứng hợp đồng của chủ dự án và vốn vay ngân hàng.
 
“Mục tiêu cổ phần hóa công ty mẹ và 4 công ty thành viên trong năm 2013 cũng như tái cơ cấu Cienco 8 thực sự là mục tiêu không dễ thực hiện nếu không được sự trợ giúp lớn từ Bộ GTVT”, một lãnh đạo Cienco 8 thừa nhận.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo