Cơ hội rộng mở đối với nhân sự ngành logistics
Việt Nam còn nhiều không gian phát triển ngành logistics
Tại diễn đàn về logistics toàn quốc tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra rằng chi phí logistics cao là một trong những rào cản làm giảm năng lực cạnh tranh của kinh tế quốc gia trong môi trường giao thương kết nối và hội nhập mạnh mẽ.
Giải thích rõ hơn về vấn đề này tại Diễn đàn Kết nối ở châu Á: Thương mại, Vận chuyển, Logistics và Kinh doanh do Đại học RMIT Việt Nam tổ chức tối ngày 28/6, PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, theo các thống kê, đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh chi phí logistics quá lớn so với thế giới để có thể cạnh tranh.
Theo ông Thiên, chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước phát triển chỉ là 9-14%. Tuy nhiên, chỉ 20% thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp trong nước, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào dịch vụ giao nhận, cho thuê bãi, gom hàng lẻ… mà thiếu vắng doanh nghiệp lớn có khả năng điều hành cả chuỗi logistics.
Ông Thiên lý giải, nguyên nhân của tình trạng này là do cơ cấu nền kinh tế “hàng thô” nên chi phí vận tải lớn, trong khi chiến lược phát triển hạ tầng giao thông lại chỉ tập trung vào phát triển đường bộ, cao tốc theo hình thức BOT. Bên cạnh đó, thủ tục kinh doanh rườm rà cũng là một vấn đề, bởi tính đến tháng 7/2017, số giấy phép kinh doanh do bộ ngành quản lý là 5.719 giấy phép.
Ông Thiên cũng chỉ rõ, một phần nguyên nhân đến từ chính các doanh nghiệp logistics khi vẫn còn yếu kém về nhiều mặt, thiếu môi trường cạnh tranh. Tất cả những vấn đề này gây nên hệ lụy là các doanh nghiệp chậm lớn.
Dưới góc độ là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ông Thiên cho biết Chính phủ đã nhận thức rõ các vấn đề này và Thủ tướng đã nhấn mạnh nỗ lực cắt giảm chi phí logistics cần được chú trọng, đặc biệt khi Việt Nam tăng cường tham gia vào các hiệp định thương mại tự do.
PGS-TS. Trần Đình Thiên cho biết, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay trên 420 tỷ USD và còn tăng nhanh, nền kinh tế cũng đang tăng trưởng khá nhanh sẽ tạo ra không gian phát triển và điều kiện để xây dựng một hệ thống logistics hiện đại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics.
Bên cạnh việc tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên tạo nền tảng cho kinh tế số, Chính phủ sẽ tiếp tục “gây áp lực” cải cách mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo tinh thần triệt để thị trường cạnh tranh.
Ngành logistics đang có nhiều thay đổi
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đoàn Thị Diễm Hằng, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Tập đoàn Schenker Việt Nam cho biết, ngành logistics Việt Nam được dự báo sẽ phát triển trong tương lai, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Bà Hằng chỉ ra có 4 thách thức mà các doanh nghiệp logistics đang phải đối mặt, đó là kỳ vọng của khách hàng ngày càng tăng, thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường và thách thức trong tìm kiếm đối tác hợp tác.
Bà Hằng lấy dẫn chứng, khách hàng muốn làm thế nào cắt giảm chi phí vận tải nhưng đạt hiệu quả cao nhất, đòi hỏi dịch vụ thật sự linh hoạt, ví dụ như hàng đi đúng ngày nhưng đến chậm để giảm thiểu chi phí lưu kho.
Để thích ứng với các thách thức và tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Schenker phải hợp tác với các công ty công nghệ để sử dụng các giải pháp mới, ví dụ như hợp tác với một startup cung cấp dịch vụ in 3D để giảm thiểu chi phí vận chuyển các thiết bị chạy thử, ô tô không người lái, drone (máy bay không người lái) trong quản lý kho hàng…
Nhu cầu nhân sự ngành logistics tăng mạnh trong thời gian tới
Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), chỉ tính riêng nguồn nhân lực cho các công ty cung cấp dịch vụ logistics (không bao gồm các công ty vận tải thủy, bộ, biển, hàng không, chuyển phát nhanh, cảng thuần túy) từ nay tới năm 2030 sẽ cần đào tạo mới và bài bản 250.000 nhân sự. Nhiều vị trí khan hiếm nhân lực từ lãnh đạo - quản trị tới quản lý, giám sát và cả nhân viên chuyên nghiệp. Và nếu tính thêm các công ty vận tải, và các công ty sử dụng dịch vụ logistics thì trong vòng 15 năm tới, Việt Nam cần đào tạo 717.500 nhân sự logistics các cấp.
Theo báo cáo lương 2016 của Jobstreet, một trong những mạng việc làm trực tuyến lớn nhất tại Châu Á, mức lương khởi điểm đối với ngành Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistics dao động từ 5-9 triệu/tháng. Mức lương tăng dần theo số kinh nghiệm, kỹ năng được tích luỹ. Với vị trí cấp cao và trưởng nhóm, mức lương trung bình tăng lên từ 15-23 triệu/tháng. Song, cũng không thiếu những công ty sẵn sàng trả cho vị trí này từ 80-100 triệu/tháng. Đây là một mức lương cao đối với mặt bằng chung các ngành dịch vụ tại Việt Nam.
Giáo sư Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Thương mại và Quản lý, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, “Nếu các em đang tìm kiếm một nghề nghiệp trong ngành công nghiệp năng động và phát triển nhanh chóng, thì Quản lý chuỗi cung ứng và logistics là một sự lựa chọn tuyệt vời! Các doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung đều có nhu cầu rất lớn trong việc “săn lùng” các chuyên gia trong lĩnh vực này”.
Bà Đoàn Thị Diễm Hằng nhận định, với sự phát triển và không ngừng thay đổi trong ngành logistics, cơ hội việc làm luôn rộng mở đối với các bạn sinh viên giỏi tiếng Anh và nắm vững kiến thức về ngành, bởi đây là lĩnh vực mang tính toàn cầu hóa cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo