Hỗ trợ doanh nghiệp

Cổ phiếu ngân hàng nào có giá hấp dẫn nhất?

Cổ phiếu ngành ngân hàng là ngôi sao của thị trường chứng khoán năm 2015, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư băn khoăn về định giá cổ phiếu ngành ngân hàng Việt.

Dựa trên dữ liệu lịch sử và so sánh một số chỉ tiêu định giá của cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2015 đến nay giá cổ phiếu ngành ngân hàng thực sự có sóng và tăng giá mạnh so với những năm sau khủng hoảng từ 2010 - 2011 đến nay.

Theo phân tích của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khuyến nghị của Morgan Stanley về ngành ngân hàng trong khu vực Châu Á thì “Chỉ số định giá ngành đang ở mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, bất cứ thông tin tích cực nào cũng có thể tạo ra những cơn sóng tăng giá, nhưng với điều kiện vĩ mô hiện tại khó có thể kỳ vọng một sự tăng trưởng bền vững”.

Các mã chứng khoán ngân hàng trên sàn từ đầu năm đến nay dù tăng ít hay nhiều vẫn biến động theo đồ thị hình Sin theo xu hướng đi lên.

Tính đến ngày 9/9/2015, có đến 4/8 cổ phiếu ghi nhận mức tăng vượt trội so với quá khứ và so với đầu năm 2015, trong đó mã BID tăng mạnh nhất tới 121%, từ mức giá khoảng 11.700 đồng lên 25.900 đồng, CTG tăng khoảng 54% từ mức 13.500 đồng lên 20.700 đồng, VCB tăng 44% từ mức 31.200 đồng lên 45.200 đồng và MBB tăng 20% từ mức 12.600 đồng lên mức 15.200 đồng.

Cổ phiếu ACB dù ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội tới 28% từ mức giá 15.100 đồng lên mức 19.300 đồng so với thị trường từ đầu năm đến nay, nhưng độ bền của đà tăng không tốt bằng 4 mã cổ phiếu trên. 

So với các nước trong khu vực, cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam không rẻ dựa trên các chỉ tiêu định giá (P/E và P/B), duy nhất chỉ tiêu Vốn hóa/Tiền gửi của cổ phiếu ngân hàng ở thị trường Việt Nam thấp hơn tương đối so với các nước khác.

Điều này không có ý nghĩa nhiều về mặt định giá do đặc điểm ưa chuộng kênh tiền gửi tiết kiệm tại Việt Nam.

Chỉ tiêu ROE đáng chú ý có BID là 16,3% và MBB là 15,2% có mức tỷ suất sinh lợi tương đương các ngân hàng trong khu vực. Trong khi chỉ tiêu tăng trưởng thu nhập thấp hơn nhiều so với các thị trường khác trừ ACB (6,3%) và BID (9,1%) ở mức chấp nhận được.

Chỉ tiêu định giá P/B của hầu hết các ngân hàng đa số đang ở mức cao hơn hoặc tương đương so với bình quân quá khứ.

So với quá khứ, các chỉ tiêu: PE, PB, ROA, ROE của đa số các ngân hàng đều ở mức cao, đặc biệt các ngân hàng ở trong nhóm tăng giá (trừ CTG).

Trong phiên giao dịch ngày 8/9 và sáng 9/9 cổ phiếu ngân hàng lại một lần nữa đóng vai trò trụ cột, từ nâng đỡ điểm số cho đến tạo ra sức mạnh lan tỏa sang các cổ phiếu khác.  

Phiên sáng 9/9, nhóm ngân hàng, ngoại trừ EIB giảm 100 đồng, còn lại VCB tăng 800 đồng; STB tăng 200 đồng; MBB tăng 300 đồng; CTG tăng 300 đồng; BID tăng 700 đồng.

Bằng phương pháp so sánh trên kết hợp với diễn biến giá của cổ phiếu, thứ tự hấp dẫn về mặt định giá từ cao đến thấp với mặt bằng giá hiện tại lần lượt là: (1) ACB; (2) CTG; (3) nhóm ba cổ phiếu (MBB; VCB và BID).

Tuy nhiên, theo VDSC tiếp tục khẳng định quan điểm cổ phiếu ngân hàng hiện tại không phải đang ở mức giá hấp dẫn.

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo