Hỗ trợ doanh nghiệp

Có "vội vàng" bổ sung dự án thép Cà Ná-Ninh Thuận vào quy hoạch?

(DNVN) - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc bổ sung dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen có chút vội vàng. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương lại không cho là như vậy.

Như thông tin đã đưa, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen mới đây đã Công bố thông tin về Biên bản hội nghị và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường 2015-2016. Theo nội dung công bố, Đại hội đã nhất trí thông qua chủ trương triển khai đầu tư Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận tại xã Cà Ná và xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với công suất thiết kế đạt 6 triệu tấn/năm.

Tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017 đến năm 2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm. Đồng thời, ủy quyền cho HĐQT quyết định phân kỳ giai đoạn đầu tư; quy mô đầu tư, vốn đầu tư cụ thể cho từng giai đoạn; thời điểm đầu tư; hình thức đầu tư; lựa chọn công nghệ sản xuất và xử lý môi trường, đối tác, nhà cung cấp và đơn vị tư vấn, giám sát.  

Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019. 

Đáng chú ý, dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận cũng đã được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Thông tin này, ngay lập tức gặp sự phản đối và tranh cãi của dư luận về tác động của dự án đến môi trường lẫn hiệu quả kinh tế.

Phối cảnh dự án Tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.

Rõ rằng, lẽ tất yếu phải có báo cáo nghiên cứu khả thi của chủ đầu tư cũng như khảo sát chi tiết của các Bộ ngành về dự án thì các chuyên gia kinh tế, môi trường, giới chuyên môn và nhà hoạch định chiến lược mới có thể đánh giá về tác động và tính hiệu quả của dự án.

Tuy nhiên, dự án thép 16 triệu tấn/năm này của Hoa Sen Group ra đời giữa tâm bão ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nhà máy thép Formosa gây ra và thị trường thép thế giới đang lao đao vì hàng triệu tấn thép dư thừa đã khiến cho giới phân tích không khỏi quan ngại về khả năng đảm bảo an toàn môi trường cũng như hiệu quả kinh tế của dự án mang lại.

Xung quanh vấn đề bổ sung dự án thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận vào quy hoạch, một chuyên gia trong lĩnh vực luyện kim cho rằng, quyết định này khá "vội vã".

Theo vị này, hiện Việt Nam chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng nhưng khi Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động, hoàn thiện dự kiến sẽ có sản lượng thép hơn 20 triệu tấn. Bộ Công Thương mới đây cũng đã bổ sung dự án thép Nghi Sơn – Thanh Hoá vào quy hoạch với công suất 7 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư lên đến 4,3 tỷ USD, thời gian thực hiện từ 2015 đến năm 2017.

“Như vậy, tính đến năm 2030 Việt Nam có khoảng 50 triệu tấn thép mỗi năm trong khi theo tính toán, nhu cầu thép của Việt Nam đến năm 2030 cũng chưa tới mức 40 triệu tấn/năm”, vị chuyên gia đưa ra tính toán.

 

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ: "Tôi rất lo ngại về đề xuất của Tập đoàn Hoa Sen và tôi cũng bất ngờ khi Bộ Công Thương lại đưa vào quy hoạch dự án này. Bởi lẽ, vấn đề quy hoạch sẽ không còn ý nghĩa khi cứ có bất kỳ dự án nào doanh nghiệp muốn làm thì lại đưa vào quy hoạch".

"Tôi cho rằng quy hoạch một dự án cần phải có tính toán cẩn thận, thật cẩn trọng và kỹ lưỡng. Chứ Nhà nước cứ chạy theo các doanh nghiệp thế này thì quy hoạch để làm gì. Còn về phía Tập đoàn Hoa Sen, tôi mong tập đoàn này xem xét kỹ lưỡng, vì ở đó không chỉ là lợi ích của tập đoàn mà là chung lợi ích nền kinh tế và cuộc sống của người dân", bà nói.

Bà Lan cho rằng: "Cơ quan quản lý nên cẩn trọng và phải có trách nhiệm với đất nước. Việc đưa vào quy hoạch như thế nào với dự án có nguy cơ môi trường cao như thế này thì cũng là trách nhiệm của Chính phủ và bộ ngành khác như: Bộ Tài nguyên và Môi trường... chứ không thể có kiểu là bộ quản lý ngành chỉ biết ngành của mình. Tôi cho rằng, trách nhiệm về môi trường từ dự án phải đến từ cả nhà đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen và người mà đứng lên chấp thuận quy hoạch dự án, Chính phủ cấp Thủ tướng, Phó thủ tướng cũng phải xem xét và cẩn trọng trong việc quyết định".

Liên quan đến vấn đề bổ sung dự án vào quy hoạch, trao đổi với báo Infonet, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, cụ thể là quyết định 2146 ngày 1/12/2014 sẽ hình thành các doanh nghiệp có quy mô trên 3 triệu tấn, tập trung sản xuất một số loại thép mà ngành công nghiệp trong nước còn thiếu như thép tấm, thép chế tạo phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thực tế thời gian qua chúng ta nhập thép rất lớn. Việt Nam chỉ mới sản xuất được thép xây dựng, phải nhập khẩu hoàn toàn thép phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo với số lượng mỗi năm khoảng 13 triệu tấn. Nhập siêu của ngành thép rất lớn khoảng 7 tỷ USD.

 

Định hướng của Thủ tướng Chính phủ rất rõ như thế, phải hình thành doanh nghiệp thép có quy mô lớn để đảm bảo sức cạnh tranh và tận dụng nguồn quặng sắt trong nước mà Việt Nam đang có: trữ lượng khoảng 1,3 tỷ và nguồn tài nguyên đánh giá chưa chính xác khoảng 2,2 tỉ ở Tây Nguyên.

Mặt khác, thực tế Dự án liên hợp thép Cà Ná đã có trong quy hoạch, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 do liên doanh Lion Group (Malaysia) và Vinashin làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký 9,8 tỷ USD.

Tuy nhiên do các bên không thể thu xếp được vốn và lần lượt rút khỏi dự án nên đầu năm 2011, Ninh Thuận đã rút chứng nhận đầu tư tại đây. Quy hoạch của dự án thép Cà Ná thực chất là đưa trở lại quy hoạch chứ không phải là quy hoạch mới.

"Chúng tôi khẳng định rằng quy hoạch dự án thép Cà Ná không phải vội vàng và thiếu thận trọng. Chúng tôi đã khảo sát hiện trạng ngành thép từ năm 2015 và đến năm 2016 mới ban hành quyết định xây dựng quy hoạch tổng thể", ông Hoài khẳng định.

Cũng theo ông Hoài, việc bổ sung Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 là đúng trình tự.

 

"Khi thấy lượng thép nhập khẩu tăng đột biến, đầu năm 2015 chúng tôi đã rà soát các dự án thép trong quy hoạch và nghiên cứu những địa điểm khả thi có thể đặt được nhà máy thép, trong đó đã tính đến dự án Cà Ná", ông Hoài giải thích.

Ông Hoài cũng nói thêm, từ tháng 1/2016, Bộ Trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch toàn bộ ngành thép Việt Nam để thay quy hoạch cũ. Tháng 7/2016, tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất vào vị trí Cà Ná cũng phù hợp với nghiên cứu của Bộ Công Thương trong năm 2015. Chúng tôi thấy phù hợp nên đã bổ sung vào. Hơn nữa dự án này cũng đã từng có trong quy hoạch.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo