Cốc Cốc: Mở cửa ra!
Ba người trẻ ấy là Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Thanh và Nguyễn Đức Ngọc. Từng học chung đại học tại Việt Nam, từng có những ngày sát cánh bên nhau ở Đại học Tổng hợp Moscow, Nga, từng cùng đầu quân về Công ty Công nghệ Nigma.ru của Nga..., họ không đơn thuần là đồng chí mà còn gắn bó khăng khít như anh em trong nhà.
“Cả ba chúng tôi còn có điểm chung nữa là đều muốn phát triển tại thị trường Việt Nam”, Nguyễn Thanh Bình, một trong ba sáng lập viên, nói.
Cứ gõ, cửa sẽ mở
Nigma.ru là một trong những công cụ tìm kiếm khá nổi tiếng ở Nga. Cùng nhau làm việc cho cỗ máy tìm kiếm này, chứng kiến khả năng đối mặt với người hùng tìm kiếm toàn cầu là Google, ý định tạo một cỗ máy tìm kiếm dành riêng cho người Việt đã bắt đầu nhen nhóm nơi ba bạn trẻ.
Vấn đề đau đầu lúc ấy là thuật toán, tài chính và kinh nghiệm. Ba thứ này, họ chỉ mới có một là kinh nghiệm, mà thực tế thì những cái chết non của công cụ tìm kiếm “made in Việt Nam” như Hoatieu, Xalo, Timnhanh... không thiếu.
Nguyễn Thanh Bình tiết lộ: “Nếu không được Victor Lavrenko, Giám đốc Điều hành của Cốc Cốc hiện nay, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và đầu tư tài chính, có lẽ chúng tôi cũng chưa dám “phất cờ”. Chính Victor Lavrenko đã chỉ cho chúng tôi thấy những khoảng trống Google còn bỏ sót để những công ty bản địa có thể chen chân và cạnh tranh, bởi tiếng Việt là ngôn ngữ không dễ xử lý”.
Có được lợi thế bản địa, lại thêm cả tài chính, năm 2008, cả ba cùng nhau về lại Việt Nam và bắt tay gây dựng đứa con chung. Giữa muôn vàn chọn lựa, hai chữ “Cốc Cốc”, âm thanh của tiếng gõ cửa mà anh chàng blogger nổi tiếng Dâu Tây tư vấn, đã được chọn.
Đơn giản, Cốc Cốc muốn bắt đầu bằng chính nhu cầu của người dùng, làm một cánh cửa để người dùng có thể ra lệnh đưa họ đi đến bất cứ nơi đâu. Thanh Bình chia sẻ: “Chúng tôi muốn mang đến cho người dùng một công vụ tìm kiếm tốt hơn và nhanh hơn bằng tiếng Việt. Những hiểu biết về bản địa sẽ tạo ra các kết quả hữu ích hơn cho người sử dụng. Đó chính là “vũ khí” cạnh tranh của chúng tôi”.
Quyết tâm ấy cùng với những tiềm năng về thị trường đã khiến những thương hiệu lớn như Yandex - công ty đã đánh bại Google tại Nga, Mail.ru - thương hiệu internet lớn thứ 7 thế giới về lượng truy cập, DST - quỹ đầu tư đã đầu tư 200 triệu USD vào Facebook... phải gật đầu với Cốc Cốc.
Chìa khóa nhân lực
Gặp Thanh Bình tại văn phòng miền Nam của Cốc Cốc. Nằm khuất trong một con hẻm ở quận 3, “tiểu bản doanh” Cốc Cốc có chiếu nghỉ, có phòng lưu trú cho nhân viên, có cả hồ bơi để xả stress và thi thoảng còn có hòa nhạc trong những dịp họp mặt, tiệc tùng.
Tương tự như trụ sở chính ở Hà Nội, tất cả những tiện ích này đều hướng đến một mục đích: tạo ra không gian làm việc thân thiện nhất cho những người đang góp công cùng xây dựng Cốc Cốc. Nguyễn Thanh Bình thật thà: “Tuyển dụng và đối đãi với con người là vấn đề chúng tôi đặt ra ngay khi nhem nhóm ý định cùng nhau lập công ty”.
Người nước ngoài đầu tiên làm việc cho Cốc Cốc là Mikhail Kostin, một nhân hiệu có tiếng trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm ở Nga. Bình kể, theo kế hoạch, Mikhail Kostin đến Việt Nam chỉ đơn thuần để tư vấn về kỹ thuật cho Cốc Cốc trong vòng 1 - 2 tháng.
Vậy mà khi bắt tay vào việc, tiềm năng và sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh internet tại Việt Nam đã khiến Kostin quyết định ở lại và gắn bó với Cốc Cốc. Trường hợp của Kostin chỉ là một trong những ví dụ thú vị về nhân sự nước ngoài ở Cốc Cốc, bởi mỗi người đến với Cốc Cốc đều có mối nhân duyên nào đó.
“Những ngày đầu, Cốc Cốc cũng đăng tuyển nhân viên nhưng chẳng ứng viên nào đến vì chẳng biết Cốc Cốc là gì”, sáng lập viên Cốc Cốc nhớ lại. Đối mặt với thử thách này, những người sáng lập quyết định chọn con đường... truyền miệng để kiếm nhân viên. Nghĩa là, dùng quan hệ bạn bè, thân hữu để “rủ rê” nhân lực cho Cốc Cốc rồi từ đó tiếp tục phát triển số lượng nhân lực.
Thanh Bình nhận xét: “Cách làm này hóa ra lại hay vì nó giúp Cốc Cốc có được đội ngũ nhân sự là một mạng lưới bạn bè thân quen, trình độ ngang nhau, có tiếng nói và cách nhìn chung”.
Hai năm qua, trong số 15 triệu USD vốn đầu tư ban đầu, Cốc Cốc đã chi không ít để thu hút một đội ngũ kỹ thuật đến từ các công ty lớn trên thế giới như Google, Intel, Mail.ru..., và các trường Standford, Cambridge, Moscow State University... về Việt Nam làm việc. “Con số gần 90.000 người tải trình duyệt của chúng tôi mỗi ngày hiện nay là kết quả của chất xám quy tụ từ hàng trăm con người ở Cốc Cốc”, Bình tự hào.
Anh quan niệm, nếu đội tuyển Việt Nam có được một chân sút Messi thì đã có khả năng vào World Cup. Nghĩa là, chỉ cần một người giỏi là đã có thể tạo nên một nhóm giỏi và từ nhóm người giỏi ấy có thể làm nên một tập thể giỏi. Do vậy, công tác đầu tư vào con người được Cốc Cốc đặt lên hàng đầu.
Với tập thể 300 con người ở cả hai miền Nam, Bắc, việc Cốc Cốc đưa ra một trình duyệt có hỗ trợ các tiện ích như: tự động thêm dấu, kiểm tra chính tả, truy cập Facebook thuận lợi, tốc độ download cao, hỗ trợ đọc tiếng Anh... để thu hút được hơn 15 triệu người dùng tại Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Trên công cụ tìm kiếm của mình, Cốc Cốc còn mạnh dạn triển khai tính năng giải toán. Đây cũng là đơn vị đầu tiên tối ưu hóa quảng cáo, đưa quảng cáo lên trình duyệt mà không làm phiền người dùng.
Mới đây nhất, Cốc Cốc còn tấn công vào cả thị trường mobile bằng Nhà Nhà, một ứng dụng tìm kiếm địa điểm khá thú vị. “Năm 2015, Cốc Cốc sẽ tập trung phát triển các tiện ích cho Nhà Nhà. Mục tiêu của chúng tôi trong năm nay là phải tăng gấp đôi thị phần”, Bình cho biết.
Chứng kiến sự phát triển quá nhanh của Cốc Cốc, nhiều người vẫn nghi ngờ “Việt Nam tính” của Cốc Cốc khi đứng sau bộ ba sáng lập viên này là những nhà đầu tư lớn ở Nga cùng đội ngũ nhân sự đến từ xứ sở bạch dương quá hùng hậu, lên đến 12%. Đối mặt với dư luận, những ông chủ của Cốc Cốc chọn thái độ im lặng. Chỉ riêng họ biết với nhau cái cam kết 20 năm không trả cổ tức, nghĩa là, trong vòng 20 năm ấy, tiền Cốc Cốc kiếm được không “chảy” ra nước ngoài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo