Hỗ trợ doanh nghiệp

Con dấu doanh nghiệp: “Sửa” hay bỏ hẳn?

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 7-2015 đã cải cách rất lớn, cho phép doanh nghiệp được quyết số lượng, hình thức, nội dung con dấu thay vì phải do cơ quan nhà nước quy định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến đề xuất bỏ hẳn con dấu để tránh phiền hà.

 

Nguồn gốc con dấu doanh nghiệp (DN) xuất phát từ châu Âu vào thế kỷ thứ XVIII, sau đó được sử dụng rất phổ biến ở nhiều quốc gia như một dấu hiệu thể hiện niềm tin của những người giao dịch, phân biệt người này với người khác, công ty này với công ty khác. Hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 38 nền kinh tế, quốc gia sử dụng con dấu, trong đó có Việt Nam.

 
Cải cách từng bước
 
Tại Việt Nam, con dấu DN lúc đầu được sử dụng như một công cụ quản lý nhà nước. Sau đó, nhận thấy việc sử dụng con dấu gây rất nhiều rắc rối cho DN nên Luật DN 2005 đã điều chỉnh, quy định con dấu là tài sản công ty với những thay đổi quan trọng như công ty tự quyết định hình thức cũng như số lượng con dấu. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi luật đã không chuyển tải được ý nghĩa này vào thực tế. Con dấu vẫn được coi như công cụ quản lý nhà nước, gây rất nhiều phiền hà và tốn kém cho DN. Vấn đề này từng được dư luận, báo chí phản ánh rất nhiều với những trường hợp dở khóc dở cười của DN vì con dấu.
 
Báo cáo thường niên của Ngân hàng Thế giới - Doing Business cũng đề cập đến đặc thù môi trường kinh doanh Việt Nam có 2 thủ tục: xin phép khắc dấu và khắc dấu, khiến thủ tục khởi sự DN tốn thêm nhiều ngày, ảnh hưởng đến thứ hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam. Từ thực tế này, yêu cầu bỏ con dấu theo thông lệ quốc tế đã được đặt ra.
 
Tháng 7-2014, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về đơn giản hóa thủ tục đăng ký DN, cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ KH-ĐT đã nêu những rắc rối trong vấn đề con dấu DN, đồng thời kiến nghị bỏ con dấu. Đại diện Bộ Công an cũng đồng tình với đề xuất này. Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận cần xem xét bỏ con dấu, sau đó Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng yêu cầu phải cải cách môi trường kinh doanh và xem xét bỏ con dấu. Trên cơ sở đó, Ban Soạn thảo Luật DN đã tổ chức tham vấn, mời các tổ chức quốc tế vào trình bày kinh nghiệm quốc tế về con dấu cũng như lấy ý kiến của giới luật sư và cộng đồng DN trong nước về việc bỏ con dấu.

Doanh nghiệp chưa muốn bỏ
 
Các tổ chức quốc tế đều khuyến nghị Việt Nam nên bỏ con dấu nhưng ý kiến của DN trong nước lại khá khác nhau. Một số cho rằng nên bỏ con dấu còn đa số ý kiến lại đề xuất không bỏ nhưng phải thay đổi, cụ thể là được quyền quyết định làm bao nhiêu con dấu và sử dụng như thế nào.
 
Có 3 lý do để đa số ý kiến ủng hộ phương án này. Một là chữ ký số, chữ ký điện tử hiện chưa phổ biến ở Việt Nam, muốn sử dụng cũng tốn kém, chưa quen và đặc biệt khó khăn với DN nhỏ và vừa. Hai là trong thực tế, việc sử dụng con dấu rất phổ biến, đặc biệt là trong quan hệ giữa DN với cơ quan nhà nước yêu cầu tất cả văn bản hồ sơ đều phải có con dấu mới có hiệu lực. Nếu bỏ con dấu DN thì phải thay đổi lại các quy định này. Ba là giữa DN với nhau cũng không chỉ có chữ ký là đủ, nhiều trường hợp cần có con dấu, đặc biệt là giao dịch trong nước.
 
Với những lập luận như trên, ban soạn thảo nhận thấy cần thiết phải tạo thuận lợi cho DN để con dấu đích thực là tài sản của DN. DN được quyết định về hình thức, nội dung, số lượng, cách thức sử dụng con dấu. Con dấu là dấu hiệu của DN chứ không phải công cụ quản lý nhà nước, càng không phải công cụ pháp lý. Để giải quyết được những vướng mắc nảy sinh từ con dấu DN nhưng vẫn không gây đảo lộn trong những quy định hiện hành về yêu cầu phải có con dấu cũng như không thay được thói quen, tập quán, văn hóa muốn nhìn thấy dấu đỏ, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị sửa đổi các quy định về con dấu DN. Kiến nghị này đã được Quốc hội thông qua.
 
Với quy định mới, DN giảm được rủi ro, chi phí trong thủ tục khởi sự DN và dễ dàng, thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh. Doing Business cũng đánh giá việc bỏ thủ tục khắc dấu đã giúp DN Việt Nam giảm được ít nhất 3 ngày làm thủ tục khởi sự DN. Thứ hạng của Việt Nam vì thế cũng tăng lên.
 
Tất nhiên, vẫn còn một bước tiến nữa là bỏ hẳn con dấu. Có những cái muốn cải cách nhanh hơn cũng không được, phải có bước đi phù hợp. Kiến nghị bỏ con dấu như lúc đầu không thể tác động tốt hơn. Nếu tốt hơn, ban soạn thảo đã chọn để kiến nghị.
 

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Rạng Đông

Bỏ thì quá tốt!

Với các giao dịch trong nước, hễ ký tên thì phải đóng dấu mới xác lập đầy đủ giá trị pháp lý của văn bản nên con dấu trở nên quan trọng. Với các giao dịch nước ngoài, chỉ cần ký tên là đủ vì họ không sử dụng con dấu. Ngoài ra, các DN nhà nước cần có con dấu để các bộ phận kiểm tra chéo lẫn nhau; với DN tư nhân thì chữ ký của chủ DN đã đủ giá trị xác nhận, việc đóng dấu chỉ mất thêm 1 thao tác và làm chậm quá trình tương tác, ban hành các văn bản, giấy tờ.

 

Con dấu doanh nghiệp: “Sửa” hay bỏ hẳn?
 

 

Internet phát triển, giao dịch thanh toán được thực hiện qua ngân hàng, thanh toán qua internet banking, khai thuế và sắp tới là đóng thuế qua mạng… nên không cần con dấu. Ngay tại Công ty CP Nhựa Rạng Đông, đa số giao dịch nội bộ được thực hiện qua mạng nội bộ; việc xác nhận, đồng ý với một quyết định nào đó của tôi qua email đã đủ giá trị pháp lý và tôi chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nên cần cải cách thủ tục hành chính cho phù hợp với quốc tế. Bỏ con dấu là một bước cải cách mang tính đột phá, nên làm vì tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho DN.

 

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang

Khó tránh vướng mắc pháp lý

Quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực vẫn buộc phải đóng dấu trên hồ sơ, sổ sách, chứng từ, biểu mẫu trong quan hệ với cơ quan nhà nước như sổ sách, chứng từ kế toán, tờ khai hải quan… Vì vậy, để giảm thiểu việc đóng dấu hiện nay, phải sửa đổi rất nhiều văn bản quy phạm, sửa đổi các thủ tục hành chính…; đồng thời thay đổi tư duy của các công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước về việc buộc phải đóng dấu trong văn bản. Nhiều trường hợp trong văn bản quy phạm pháp luật không bắt buộc phải đóng dấu nhưng trong biểu mẫu kèm theo thì có chỗ ghi dành cho ký tên, đóng dấu.

 

Con dấu doanh nghiệp: “Sửa” hay bỏ hẳn?
 

 

Chỉ khi nào việc sử dụng con dấu hoàn toàn không còn tính chất bắt buộc, tức DN muốn đóng dấu hay không cũng được, thì mới tránh khỏi vướng mắc pháp lý. Hoặc trong giai đoạn đầu có thể thực hiện theo biện pháp “chọn bỏ”, tức là ban hành nghị định thay thế Nghị định về quản lý và sử dụng con dấu hiện hành, trong đó quy định những trường hợp nào buộc phải đóng dấu, như vậy những trường hợp khác còn lại thì không cần phải đóng dấu. Việc quy định không bắt buộc DN sử dụng con dấu cũng sẽ đem lại nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là việc xác minh tính pháp lý của văn bản trong các tranh chấp kinh doanh. Vì vậy, cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về những trường hợp nào vẫn buộc phải đóng dấu của DN.

 

Trần Thị Mỹ Vân, Giám đốc khối hành chánh trị sự Công ty CP Acecook Việt Nam

Nên có lộ trình

Chúng tôi không gặp rắc rối gì lớn với con dấu. Tuy nhiên, là công ty lớn với nhiều giấy tờ khác nhau và chỉ có 1 con dấu nên việc sử dụng nhiều lúc cũng làm trễ tiến độ, nhất là khi phát hành một số văn bản với số lượng lớn. Trong các giao dịch cần thiết liên quan đến con dấu thì cần phải tính toán, thông tin rất kỹ khi mang con dấu ra ngoài công ty.

 

Con dấu doanh nghiệp: “Sửa” hay bỏ hẳn?
 

 

Việt Nam nên bỏ hẳn con dấu nhưng không phải bỏ ngay mà phải theo lộ trình từng bước và các quy định pháp lý về việc hủy bỏ con dấu cũng phải được ban hành để áp dụng khi xảy ra tranh chấp. Việc nhận dạng chữ ký (khi không cần con dấu) cũng là điều cần quan tâm. Một trong những lo ngại lớn nhất của DN trong trường hợp bỏ con dấu là những rắc rối liên quan đến pháp lý trong trường hợp bị làm giả chữ ký.

T.Nhân ghi

 

 
 
Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo