Công cụ nào giúp doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả?
Tăng trưởng trung bình trên dưới 10%/năm, thương mại trong nước được đánh giá là một trong những động lực chính cho sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Dân số đông, sức mua lớn là yếu tố giúp Việt Nam được nhận định là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới.
Vì vậy, quản trị chuỗi cung ứng được ví như công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam với các Tập đoàn lớn từ nước ngoài trong việc chiếm lĩnh thị trường, gia tăng lợi nhuận và kết nối với các đối tác trên phạm vi toàn cầu.
Liên kết lỏng lẻo
Vài năm trở lại đây, hàng loạt mặt hàng nông sản như dưa hấu, củ cải, ớt đỏ, hành tỏi …luôn rơi vào tình trạng “được mùa - rớt giá” và ngược lại.
Chỉ đến khi các bộ ngành chức năng đứng ra kêu gọi các địa phương, nhà bán lẻ chung sức “giải cứu” thì tình trạng này mới được giảm thiểu.
Theo phân tích từ các chuyên gia, thực tế này cho thấy người dân hiện vẫn mang đậm tư duy sản xuất theo phong trào và chưa nắm bắt được nhu cầu từ phía thị trường.
Điều này cũng phản ánh thực tế mạnh ai nấy làm và thiếu sự kết nối chặt chẽ để thực hiện chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến phân phối.
Chính sự bất cập này đã tạo đất cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nông sản không an toàn… trở thành bài toán khó cho các nhà quản lý.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng là thiếu vốn, công nghệ, trình độ quản lý và sự liên kết.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra hàng loạt chính sách áp dụng cho chuỗi cung ứng vẫn còn mang tính chung chung, không phù hợp với thực tiễn.
Không những thế, việc liên doanh liên kết còn rất lỏng lẻo, thậm chí tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và không cần thiết, dẫn đến các thành phần khi tham gia chuỗi cung ứng chưa phát huy tối đa về hiệu quả, cũng như chưa xây dựng được các chuỗi đủ bền vững, mạnh, đủ lớn để tham gia hội nhập.
Đại diện Tổng công ty May 10 bộc bạch, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là nạn hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.
Bên cạnh hàng hóa nhập lậu từ các cửa khẩu giờ đây còn rất nhiều hàng xách tay, hàng sản xuất nối chuyền (sản xuất hơn số lượng của khách đặt hàng để rồi bán bằng thương hiệu có uy tín) đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp.
Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh lại chỉ ra những bất cập ở khâu logistics.
Mặc dù mới chỉ ở quy mô nhỏ nhưng các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ cũng như hỗ trợ nhau trong việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin khách hàng do đó hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp vẫn còn thụ động trong vận chuyển hàng hải vì phụ thuộc vào các hãng vận tải nước ngoài.
Chính vì vậy, đến nay vẫn chưa có những giải pháp trọn gói và thiếu các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng.
Hoàn thiện chính sách
Chia sẻ kinh nghiệm khi xây dựng thương hiệu trứng gà Ba Huân, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội cho biết, khi đã xác định hợp tác, doanh nghiệp phải luôn giữ chữ tín hàng đầu và không để thiệt về phía người nông dân.
Khi đã đặt niềm tin vào doanh nghiệp, nông dân sẽ không bỏ qua cam kết với doanh nghiệp mà bán hàng cho thương lái. Nhờ đó, Công ty Ba Huân luôn phát triển ổn định và trở thành nhà cung ứng hàng đầu tại Việt Nam.
Là một trong những thương hiệu bán lẻ có tiếng nhất của Việt Nam, để xây dựng được chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng một cách bền vững, Big C Việt Nam đã triển khai hàng loạt các giải pháp như: ưu tiên thu mua hàng hóa trong nước; ưu đãi về vị trí trưng bày hàng tại siêu thị, giá chiết khấu cho hàng hóa Việt…
Đáng lưu ý, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, Big C đã phát động chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt” giúp hàng hóa được vào siêu thị dễ dàng hơn.
Ngoài ra, Big C còn ký biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng hàng hóa với các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh Duyên hải miền Trung theo hướng hỗ trợ thông qua việc cung cấp các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Giới chuyên gia cho biết, hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp học tập theo mô hình này và tham gia vào các chuỗi cung ứng khép kín nhằm tối đa hóa lợi nhuận, nâng cao sức cạnh tranh.
Vì vậy, trên thị trường hiện nay chuỗi cung ứng rau củ quả của chuỗi siêu thị UCAmart; chuỗi cung ứng thịt và trứng an toàn của Công ty TNHH Ba Huân; chuỗi cung ứng hàng Việt tại các siêu thị như Saigon Coop, VinMart đang dần được hoàn thiện.
Để các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực làm chủ thị trường, phát huy tiềm năng, lợi thế của thương mại nội địa, PGS TS. Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia thương mại cho rằng, cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để củng cố, phát triển các Tổng công ty, Tập đoàn kinh doanh thương mại có quy mô lớn để đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các cơ sở kinh doanh thương mại hoặc dịch vụ phụ trợ phục vụ thương mại khác theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp như: sàn giao dịch điện tử, trung tâm logistics, kho bán buôn… nằm ở ngoại vi các đô thị.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tập trung khai thác thị trường nông thôn bằng việc xây dựng các cửa hàng tiện lợi. Bởi, đây là thị trường rất nhiều tiềm năng và là địa bàn giàu "dinh dưỡng" cho phát triển thị trường, nhất là thị trường hàng Việt.
"Doanh nghiệp hoàn toàn có quyền hy vọng về một thị trường với trật tự mới, cấu trúc mới. Khi ấy, quản trị chuỗi sẽ trợ giúp đắc lực cho chống buôn lậu và gian lận thương mại, quản lý chất lượng hàng hóa, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm… Phát triển các chuỗi cung ứng là con đường hợp thời nhất để có ngành thương mại hiện đại trong một thị trường hiện đại" - PGS TS. Hoàng Thọ Xuân khẳng định.
Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển được chuỗi cung ứng, các chuyên gia cho rằng rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ việc xây dựng chính sách dễ áp dụng vào cuộc sống đến việc giảm tối đa các thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế tín dụng hoặc quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp các đơn vị tham gia chuỗi có điều kiện tiếp cận và chủ động nguồn vốn trong việc triển khai các khâu, các bước của chuỗi liên kết.
Cùng đó, Bộ Công Thương phải làm đầu mối lựa chọn tổ chức doanh nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về phát triển chuỗi cung ứng theo cơ chế thị trường, đặc biệt trong chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn mang thương hiệu Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo