Hỗ trợ doanh nghiệp

Công đoàn cơ sở cần thiết phải đổi mới

Ngày 7/12/2017, tại Phú Yên, Tổng LĐLĐVN tổ chức hội thảo lấy ý kiến về nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cơ sở (CĐCS) và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trong tình hình mới với sự tham gia của CĐCS các cấp tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý, các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN và đại diện LĐLĐ tỉnh, thành phố, nghiệp đoàn nghề cá...

CĐCS còn nhiều hạn chế trong hoạt động

Nêu thực trạng tổ chức và hoạt động của CĐCS hiện nay, Ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN nhìn nhận, nhiều CĐCS trong quá trình hoạt động còn nhiều bất cập, hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động của nhiều CĐCS còn chưa đáp ứng đổi mới, chưa làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết, liên kết người lao động (NLĐ); thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ở doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Duy Vũ - Phó trưởng Ban Tổ chức, Tổng LĐLĐVN - cho biết, hội nghị nhằm thu thập ý kiến đóng góp của đại diện các CĐCS, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở để hướng đến thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, như: Bổ sung Điều lệ CĐ; xem xét những bất cập, vướng mắc, vấn đề mới để bổ sung nhiệm vụ CĐCS; xác định nhiệm vụ của CĐCS hiện nay đã phù hợp chưa; đề xuất đổi mới nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu mới; xem xét kỹ sự liên thông giữa các bên trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Vũ, có ý kiến cho rằng, hiện nay, CĐCS được giao quá nhiều nhiệm vụ; một số nhiệm vụ quá nặng nề; ban chấp hành của nhiều CĐCS không đủ điều kiện và khả năng thực hiện; đổi mới tập trung vào thực hiện chức năng nào; giảm nhiệm vụ nào của CĐCS theo quy định.

“Tất cả những thắc mắc đó cần các CĐCS tiếp tục cho ý kiến” - ông Vũ đề nghị và cho biết, các CĐCS cần đề xuất, chuyển nhiệm vụ nào lên CĐ cấp trên thực hiện; nhiệm vụ nào thuộc trách nhiệm của CĐ cấp trên phải thực hiện; nhiệm vụ nào CĐ cấp trên chỉ tổ chức hướng dẫn CĐCS thực hiện; nhiệm vụ nào CĐ cấp trên tổ chức cho CĐCS thực hiện.

Ông Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐVN - cho rằng, NLĐ mong muốn khá nhỏ nhoi khi có tranh chấp, đó là cán bộ CĐCS phải đứng về phía NLĐ. “Vì sao không thể ở giữa? Vì khi đã nói là đại diện phải ở bên NLĐ” - ông Tiến nêu ý kiến. Theo ông Tiến, bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ dựa trên nguyên tắc thiện chí - độc lập - hợp tác.

Nhiều đề xuất thiết thực, sát thực tế

Đại diện nhóm thảo luận câu hỏi theo quy định của Điều lệ CĐ Việt Nam hiện hành, những nội dung nào CĐCS doanh nghiệp khó thực hiện hoặc không thể thực hiện, anh Lê Hoàng Anh Binh - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH MTV Sendo Vinako (tỉnh Quảng Nam) - chia sẻ: “Tại không ít doanh nghiệp hiện nay, việc CĐCS tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước đến NLĐ còn hạn chế. Các thông tin khác như báo cáo môi trường về tiếng ồn, nước thải, khí thải, CĐCS cũng khó tiếp cận. Khi có tranh chấp về quyền lợi, CĐCS gần như không có khả năng giải quyết được ngay, mà phải nhờ các cơ quan chuyên môn như Sở LĐTBXH, LĐLĐ cấp trên đối thoại với doanh nghiệp và NLĐ để đưa ra hướng xử lý”.

 

Trao đổi thêm về thực tế này, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên Nguyễn Thị Thu Vân cho rằng, trên thực tế, CĐCS chịu không ít áp lực, thậm chí bị điều chuyển, mất việc vì có ý kiến tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ tại cơ sở.

Sắp tới đây, các nghiệp đoàn nghề cá cũng cần thay đổi phương thức hoạt động để phục vụ đoàn viên nghiệp đoàn theo mô hình như một doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Ông Phan Thuẩn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP. Tuy Hòa, Phú Yên - cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường phổ biến pháp luật đến các đoàn viên nghiệp đoàn không đánh bắt cá ở các vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác; hướng dẫn các đoàn viên ra, vào cửa biển Đà Diễn an toàn. Tuy vậy, do không có phụ cấp cho các thành viên ban chấp hành nên quá trình tổ chức hoạt động không tránh khỏi chi phối công tác chuyên môn, ảnh hưởng đến nhiệm vụ.

Thẳng thắn nhìn nhận CĐCS hiện nay chưa tương xứng với với kỳ vọng của NLĐ, ông Phan Dương Nhựt - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) - chia sẻ: “Việc tuyên truyền, vận động đối với người sử dụng lao động để họ hiểu đúng và ủng hộ cho hoạt động CĐ của cán bộ còn hạn chế”. Bên cạnh đó, hoạt động CĐ ở một số đơn vị hết sức khó khăn do không có nguồn lực để tổ chức phong trào, phụ cấp CĐ, trợ cấp, hội họp, thăm hỏi đoàn viên. Từ đó, ông Nhựt đề xuất, cần tăng cường công tác tham mưu để có sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của các cấp chính quyền và các ngành chức năng trong việc lãnh đạo, tạo điều kiện cho CĐCS trong các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động có hiệu quả.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý cho rằng, về việc tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp CĐCS cũng có thể làm được nhưng phải có sự hỗ trợ của CĐ cấp trên. Tuyên truyền này, theo ông Lý, nên gói gọn trên một số vấn đề nhất định chứ không nên dàn trải. Hình thức tuyên truyền dễ thực hiện là tờ rơi, truyền thanh. Riêng công tác tập huấn, CĐ cấp trên phải làm chứ CĐCS không có khả năng để thực hiện. Ông Lý đồng thời lưu ý vấn đề CĐCS tăng cường giám sát thực hiện chính sách một cách cụ thể như người sử dụng lao động có thực hiện đúng như TƯLĐTT đã ký; ký HĐLĐ với NLĐ có đúng không; công tác thực hiện VSATLĐ đảm bảo không (?). “Đình công phải coi là biện pháp cuối cùng khi có tranh chấp. Vấn đề đặt ra là chúng ta giao việc cho CĐCS nhưng không có cơ chế bảo vệ họ. Vì thế, CĐCS phải tạo được uy tín, được NLĐ tín nhiệm. Sức mạnh CĐ là sức mạnh tập thể. Khi CĐCS bảo vệ NLĐ mà bị giới chủ gây khó dễ, với uy tín đã có, tập thể NLĐ sẽ đấu tranh, bênh vực” - ông Lý trao đổi.

Nên đọc
Theo Báo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo