Hà Nội: Ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh vẫn còn hạn chế
Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Liên kết doanh nghiệp, thúc đẩy mũi nhọn nghiên cứu khoa học / Một vài giải pháp nâng cao năng lực tự động hóa sản xuất doanh nghiệp nông nghiệp
Theo TS Lê Xuân Rao, Chương trình số 07-Ctr/TU, ngày 17/3/2021 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy Hà Nội đã đưa ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025.
Trong đó, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo đạt trên 50%. Điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ, trong đó ứng dụng, chuyển giao công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Các chỉ tiêu Chương trình số 07 đề ra về tăng năng suất lao động, về phát triển kinh tế số, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đều phải dựa trên khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Hà Nội đã đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn rất nhiều, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao.
“Hà Nội phấn đấu năm 2024 bắt đầu nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông minh. Tiềm năng về khoa học công nghệ của Hà Nội rất lớn, tuy nhiên Hà Nội lại áp dụng công nghệ trong nông nghiệp thông minh ít hơn một số địa phương. Tính đến nay, các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh của Hà Nội đều chưa đạt được. Hà Nội cần có cơ chế chính sách gì để giải quyết điểm nghẽn trong lĩnh vực này là câu hỏi cần được giải đáp”, ông Rao nói.
Chia sẻ về vai trò và giải pháp nông nghiệp đô thị thông minh trong phát triển sản xuất rau, hoa và cây cảnh trên địa bàn Hà Nội, PGS, TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau Quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong phát triển sản xuất rau, hoa là rất cần thiết. Thực tế đã chứng minh, các mô hình ứng dụng công nghệ cao do Viện chuyển giao đã và đang phát huy hiệu quả, đang có nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ nông dân đến học tập nhân rộng mô hình.
Ông Đông đề xuất Liên hiệp Hội Hà Nội và các cơ quan chức năng có những chính sách khuyến khích thúc đẩy hoạt động ứng dụng mô hình công nghệ này để phát huy những tiềm năng sẵn có đưa ngành nông nghiệp của thành phố Hà Nội tiếp tục tiến xa hơn nữa.
Theo PGS, TS Mai Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Liên minh Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam (VDECA), để từng bước có giải pháp cho vấn đề quản lý chất lượng nông sản, VDECA đã tham gia cung cấp dịch vụ công nghệ số eGap và eGap.vn; tham gia quản lý, giám sát các vùng trồng nguyên liệu.
VDECA cũng đã tạo ra ngôi nhà chung cho cộng đồng hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp (Phần mềm quản trị sản phẩm eGap & Cổng eGap.vn; quản trị và kế toán điện tử doanh nghiệp MISA; thời tiết thông minh WeatherPlus, makerting và mua bán trực tuyến trên nền tảng ViBOOK). Là đơn vị tư vấn, hỗ trợ kết nối các các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước chuyển đổi số, gia tăng hiệu quả kinh tế số.
Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam đề xuất thành phố Hà Nội và các tỉnh thành cả nước đưa eGap và eGap.vn chính thức tham gia vào Chương trình thí điểm ứng dụng khuyến nông số quốc gia, quản lý mã vùng nguyên liệu. Tạo căn cứ pháp lý, có chế tài ứng dụng cho các loại nông sản được Nhà nước đầu tư hỗ trợ, các loại nông sản đủ điều kiện quản lý chất lượng.
“Cần có chế tài ứng dụng giải pháp thay cho quản lý hồ sơ cơ sở và nhật ký giấy thủ công bằng eGap.vn. Có chương trình khuyến nông chuyển đổi số nông nghiệp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Tập huấn kỹ năng, trang thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số quản trị sản phẩm, quản trị doanh nghiệp cho vùng nuôi trồng và sản xuất có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, ban quản lý dự án cần sớm hướng dẫn cho các bên tham gia soạn thảo chi tiết các tiểu mục ứng dụng và thực hiện sau khi được phân công”, ông Vinh khuyến nghị.
Ông Nguyễn Hồng Thu - Phó Giám đốc Trung tâm R&D Chiếu sáng, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nhấn mạnh, công nghệ Internet vạn vật (IoT) toàn cầu trong thị trường nông nghiệp đạt 11,2 tỷ USD vào năm 2021, tốc độ phát triển dự kiến đạt khoảng 30 tỷ USD và năm 2030. Do đó, Việt Nam cần bắt kịp xu hướng ứng dụng IoT trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã giới thiệu về hệ sinh thái chuyển đổi số ngành nông nghiệp, kết quả nghiên cứu và ứng dụng gói chuyển đổi số nông nghiệp thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp tại Việt Nam. Đưa ra kết quả ứng dụng gói giải pháp nông nghiệp thông minh APPA Smart Farm tại một số mô hình điển hình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo