Hỗ trợ doanh nghiệp

Gỡ 'rào cản' để doanh nghiệp nông nghiệp phát triển

Việt Nam được xếp vào top 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản nhưng tiêu thụ ở thị trường nội địa gần 100 triệu dân lại gặp phải những vướng mắc bởi quy định bất hợp lý. Do đó, để tạo môi trường cho DN đầu tư vào nông nghiệp, ngoài sửa cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật… thì quan trọng không kém là sửa “thái độ” phục vụ.

Đà Nẵng: Đề xuất công nhận 9 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021 / Đề xuất tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, tháo gỡ khó khăn cho DN và người lao động

Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề được trao đổi trong buổi làm việc giữa cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệpvới Bộ NN&PTNT về một số tồn tại, vướng mắc trong văn bản quy phạm pháp luật diễn ra sáng ngày 7/7.

Nhiều rào cản gây khó doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay, hiện Việt Nam được xếp vào top 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản nhưng tiêu thụ ở thị trường nội địa gần 100 triệu dân lại gặp phải những vướng mắc.

Cụ thể, Thông tư 10 cấm kháng sinh Enrofloxacin vì thị trường Nhật Bản, Mỹ cấm loại kháng sinh này, trong khi thị trường EU lại chấp nhận một lượng rất nhỏ. Đấy là lý do dẫn đến một số hàng hóa có thể xuất khẩu vào châu Âu nhưng các siêu thị ở Việt Nam không chấp nhận do vướng quy định này.

thuy-san-vao-sieu-thi-3516-1625650680.jp

Hàng thủy sản có thể xuất khẩu sang EU nhưng lại không thể đưa vào các siêu thị của Việt Nam vì một quy định tại Thông tư số 10 của Bộ NN&PTNT.

Đại diện VASEP cho biết, đã báo cáo vấn đề này để Bộ NN&PTNT và các bộ ngành chức năng nắm tình hình, hiện tại các bộ, ngành đang kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, vì vậy trước bất cập nhỏ này cần có nghiên cứu kỹ hơn, từ đó điều chỉnh văn bản pháp luật cho phù hợp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y, đề xuất bãi bỏ chứng nhận hợp quy đối với thuốc thú y vì đã cókiểm soát theo tiêu chuẩn GMP, đăng ký lưu hành đầy đủ hơn so với hợp quy. Nếu quản lý hợp quy thì sẽ rất chồng chéo, thêm khâu quản lý, trong khi quốc tế cũng không có đăng ký hợp quy.

Bà Hương cho hay các nước nhập khẩu thuốc Việt Nam cũng chỉ yêu cầu được chứng nhận GMP mà không yêu cầu đăng ký hợp quy. Nếu DN tiếp tục phải chứng nhận hợp quy sẽ làm mất thời gian, chi phí, làm tăng giá thành sản phẩm thuốc thú y, chăn nuôi; giảm sự canh tranh của sản phẩm chăn nuôi.

Nêu bất cập từ việc sản phẩm sữa nhập khẩu phải kiểm dịch, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam chia sẻ, các sản phẩm sữa chế biến có bổ sung thêm canxi, collagen… thì không còn vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, Bộ cần bãi bỏ quy định này. Cùng với đó, trình tự kiểm dịch thú y rất phức tạp, hàng về đến Hải Phòng phải đưa về kho, sau đó lại mời và xin lịch để được thông quan.

"DN vẫn phải qua 2 cổng: Hải quan và thú y. Tại sao các bộ, ngành không kết nối với nhau để tạo ra một cửa cho DN", ông Trung cho biết.

 

Sửa 'thái độ' phục vụ

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, hiện nay ngành này đang vật lộn với thị trường và dịch bệnh. Tăng trưởng gia cầm 6 tháng là tăng trưởng âm, so với giá năm 2020 nhiều mặt hàng giảm 30%. Theo đó, Bộ NN&PTNT cần xem xét bỏ giấy phép con trong nhập khẩu vắc xin phòng bệnh cho gia cầm.

Về thực hiện Luật Chăn nuôi, Chính phủ và Bộ đã có các nghị định, thông tư, nhưng quá trình thực hiện rất khó khăn.Một số quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp với thực tiễn. Điển hình như Thông tư 04 về hợp quy thức ăn gây khó dễ, tốn kém thời gian và chi phí cho DN. "Thực chất hợp quy là để quản lý chất lượng mà quản lý chất lượng thức ăn, thuốc thú y đã có những quy định khác cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, các nước trên thế giới cũng không có quy định này", ông Sơn nhấn mạnh.

Trước phản ánh của cộng đồng DN, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, các DN nông nghiệp đóng vai trò dẫn dắt thị trường, để tạo thành chuỗi giá trị. Như vậy, cần có môi trường tốt hơn, một hệ sinh thái để kết nối DN với nông dân.

Ngành nông nghiệp đang quản lý, cấp phép khoảng 20 loại giấy chứng nhận đến hẹn phải cấp lại. Theo quy định, khi hết hạn thì cơ quan quản lý phải đi kiểm tra để cấp lại. Trong điều kiện COVID-19, Bộ sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có nghị quyết để điều chỉnh quy định này với các điều kiện như kiểm tra tuyến để tháo gỡ khó khăn cho DN.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, các hoạt động về cấp phép về kiểm dịch trong xuất nhập khẩu hiện nay còn một số vướng mắc. Hiện ngành đã giảm 157 mã hàng hóa (HS) từ trên 300 mã hàng phải kiểm tra. Thời gian tới, Bộ tiếp tục đưa ra các giải pháp để giảm số mặt hàng cần kiểm tra. Đồng thời, thời gian kiểm tra cũng cần phải nhanh hơn, thái độ phục vụ tốt hơn và có ứng dụng công nghệ để tránh DN phải chờ đợi.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu vấn đề: Để tạo môi trường cho DN đầu tư vào nông nghiệp, ngoài sửa cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật… thì quan trọng không kém là sửa “thái độ”. Bởi, nhiều quy định các bên đều thấy đúng nhưng cách thức triển khai quy định đó đôi khi khiến hiệu quả công việc chưa cao. Một nền hành chính phục vụ đúng nghĩa thì thái độ là gốc, cần thay đổi”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ ra.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm