Vay vốn ngân hàng: Điểm nghẽn và giải pháp với doanh nghiệp nông nghiệp
DNVN - Việc doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả vấp phải nhiều rào cản và những rào cản này xuất phát từ cả hai phía, trong đó câu chuyện lòng tin hay tài sản thế chấp vẫn là bài toán đau đầu với các doanh nghiệp này...
2 tháng đầu năm 2019: Doanh nghiệp dệt may và da giày tăng trưởng mạnh / Tổng cục Thuế giải đáp hàng loạt câu hỏi về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
Tại Diễn đàn Triển vọng Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 được tổ chức mới đây, THS Vũ Thị Vân Phượng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại khẳng định: Thời gian qua, cùng với sự phát triển của các ngân hàng, những gói sản phẩm cho vay cũng bùng nổ. Hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách mở, nhưng không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng có thể tiếp cận, đặc biệt là khối các DN tư nhân vẫn phải loay hoay tìm cách tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do điều kiện cho vay chưa thuận lợi.
Trên thực tế, ngân hàng không thiếu vốn, nhưng lại thiếu niềm tin với DN tư nhân. Nghị định 55/2015/NĐ-CP (NĐ55) và dự thảo sửa đổi cho nghị định này về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được cho là sẽ mang lại nhiều thuận lợi, ưu đãi cho người dân, DN tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận được nguồn vốn chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị định này còn quá nhiều rào cản.
Ảnh minh họa.
Nói về nguyên nhân chính khiến các DN thuộc lĩnh vực Nông nghiệp gặp khó khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, bà Phượng cho rằng, sản xuất nông nghiệp luôn chứa đựng nhiều rủi ro, như thiên tai, dịch bệnh và hiện nay đang chịu nhiều tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, thị trường sản phẩm không ổn định, hoạt động bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi. Trong khi vốn đầu tư cho nông nghiệp bền vững khá lớn.
Bà lấy ví dụ trong lĩnh vực trồng trọt công nghệ cao (CNC) như đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới..., tính theo giá thành đầu tư hiện nay (công nghệ của Việt nam) tối thiểu phải cần từ 200 -250 triệu/1.000 m2; tương đương 1 ha khoảng 2,0 - 2,5 tỷ đồng thậm chí còn cao hơn, trong đó chưa tính đến chi phí vận hành và chi phí đầu tư cho canh tác, DN không có tài sản gì để thế chấp ngoài diện tích đất dự định đầu tư sản xuất nông nghiệp CNC.
Tuy nhiên, thế chấp tài sản này (nhà màng, nhà lưới…) trên đất nông nghiệp không được ngân hàng chấp nhận chưa kể việc đất DN đang sản xuất chủ yếu là đất đi thuê, không phải sở hữu nên càng không thể thế chấp được. Hiện các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: nhà kính, nhà lưới… chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp gây khó khăn cho DN trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch, bảo đảm thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Lấy thực tế tại chính Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại, bà Phượng cho biết: Công ty thuê đất của dân, đầu tư trồng dược liệu tại vùng cao, vốn đầu tư cho cây tam thất, thất diệp nhất chi hoa là các loại biệt dược với chi phí giống, kỹ thuật, thiết bị…khoảng 5 tỷ/ha với quy mô 10ha. Tuy nhiên, tiếp cận vốn vay vẫn là không có tài sản đảm bảo, dù cân nhắc đến tài sản đầu tư trên đất nhưng ngân hàng không dám giải ngân do chu kỳ thu hoạch của sản phẩm này quá dài từ 5-7 năm sau trồng mới được thu hoạch.
Trong khoảng thời gian đó, các yếu tố rủi ro cho DN về thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, thiên tai, dịch bệnh... cũng chính là nỗi lo mà các ngân hàng rụt rè về khả năng trả nợ của DN. Do đó, DN vẫn phải tự chủ động nguồn vốn đầu tư, đây chính là một thiệt thòi rất lớn cho các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Trước thực trạng này, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại đã đưa ra giải pháp cho các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận vốn vay hiệu quả, đó là phải hiểu rõ vấn đề cốt lõi của các rào cản.
Theo bà, rào cản đó xuất phát từ cả hai phía. Về phía DN, khi mới bắt đầu tham gia kinh doanh thì hệ thống kế toán, tài chính và minh bạch thông tin chưa được chuẩn, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng sẽ khó.
Thứ hai, DN nông nghiệp không tích lũy được tài sản nhiều, chủ yếu đầu tư trên đất do đó cũng không có tài sản để thế chấp cho các khoản vay.
Thứ 3 là câu chuyện về lòng tin. Nếu các doanh nghiệp chưa vay được vốn từ ngân hàng mà cũng không có quan hệ lâu dài với ngân hàng thông qua việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng thì sẽ khó hơn rất nhiều.
Qua đó, bà Phượng nhấn mạnh, với một DN cần phải tiếp cận vốn ngân hàng thì điều kiện cốt lõi nhất là DN đó càng minh bạch càng tốt trong hoạt động kinh doanh của mình. Điều kiện thứ 2 là DN đang hoạt động và có tăng trưởng trong ngành của mình. Thứ 3 là DN cần chuẩn bị và làm quen với điều kiện ngân hàng về sự đồng nhất, chuẩn chỉnh của số liệu tài chính.
Gần đây, nhiều ngân hàng cũng đang nhận ra tiềm năng của phân khúc này và họ bắt đầu có cách tiếp cận mở hơn cho nhóm DN nhỏ và vừa, đặc biệt DN đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Hy vọng thời gian tới, khối DN này sẽ tiếp cận được nguồn vốn vay nhiều hơn.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo