Khoa học - Công nghệ

Phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với nền kinh tế xanh

DNVN - Ngày 28/6, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thừa Thiên Huế phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy hoạt động quản lý năng suất gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh”.

Xây dựng Huế trở thành trung tâm Khoa học và Công nghệ của cả nước / Thừa Thiên Huế xét tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ năm 2021

Phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với nền kinh tế xanh đang trở thành xu hướng và là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống trong doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Thắng- Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thì tăng năng suất lao động doanh nghiệp được coi là giải pháp then chốt và là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới tăng trưởng bền vững. Trong giai đoạn 2021-2030, một trong các đột phá chiến lược được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế".

Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo

Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh đó, tỉnh đã có Nghị quyết 07-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học – công nghệ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có chỉ tiêu "Trình độ, năng lực công nghệ trên mức trung bình chung của cả nước, nâng chỉ số đóng góp của chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 50% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030.

"Với vai trò chủ lực cho sự phát triển của nền kinh tế và là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần lấy hoạt động quản lý năng suất là chìa khoá và đòn bẩy để tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn", ông Hồ Thắng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Hà Minh Hiệp cho biết: Với mục đích xây dựng môi trường pháp lý giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, được sự hỗ trợ của APO, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2021.

Thừa Thiên Huế có các khu công nghiệp, các Viện, Trung tâm và các trường đại học, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được quan tâm. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030.

"Để triển khai có hiệu quả kế hoạch nâng cao năng suất, tỉnh cần tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đưa năng suất chất lượng vào các cơ sở sản xuất, dịch vụ; hình thành các mô hình kinh tế tuần hoàn khép kín trong doanh nghiệp. Đồng thời, trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh hơn nữa việc gắn kết hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hình thành lực lượng chuyên gia, đóng góp lớn nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động", ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

 

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các tham luận, trao đổi, thảo luận và các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới nền kinh tế xanh đã được các Sở, ban, ngành và các doanh nghiệp đề ra để làm sao Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng không những phải giải bài toán phát triển nhanh, chống tụt hậu xa về kinh tế trong thời kỳ hội nhập, mà còn phải nỗ lực phát triển kinh tế sao cho hạn chế nhất có thể đối với rác thải, chống ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu một cách tốt nhất trong thời gian tới.

Vinh Hưng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm