Khoa học - Công nghệ

Vaccine COVID-19 trong tương lai có thể ở dạng xịt hay nuốt được

DNVN - Đối với những người sợ tiêm, việc phải tiêm phòng COVID-19 là trải nghiệm không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của các nhà khoa học New Zealand có thể mang đến hy vọng với một loại vaccine dạng hít, xịt hoặc thậm chí là uống được.

Vaccine giúp giảm gần 50% nguy cơ nhiễm COVID-19 ở trẻ em / PC-COVID cập nhật thêm tính năng tự động cảnh báo nguy cơ tiếp xúc với F0

Hy vọng về những vaccine phòng COVID-19 hiệu quả hơn

Các nhà khoa học New Zealand vừa xác định được một mục tiêu mới đầy hứa hẹn có thể tạo ra vaccine niêm mạc hiệu quả chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như coronavirus.

Mặc dù khái niệm về vaccine hít hoặc xịt không phải là mới, nhưng nó vẫn tương đối hiếm trong y học, do một số hạn chế lâu dài.

Tuy nhiên, các nhà khoa học ngày càng tìm ra những lý do thuyết phục để biến vaccine niêm mạc thành một lựa chọn cho mọi người và nguyên nhân không chỉ vì chúng không cần phải chích.

Tiến sĩ Theresa Pankhurst và các đồng nghiệp đã xác định được một mục tiêu mới đầy hứa hẹn có thể tạo ra vaccine “niêm mạc” có hiệu quả chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như coronavirus. Ảnh: Nzherald

Tiến sĩ Theresa Pankhurst và các đồng nghiệp đã xác định được một mục tiêu mới đầy hứa hẹn có thể tạo ra vaccine “niêm mạc” có hiệu quả chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như coronavirus. Ảnh: Nzherald

Tiến sĩ Theresa Pankhurst - thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Malaghan của Wellington - giải thích rằng những loại vaccine này hoạt động theo cách tương tự như thuốc tiêm ở chỗ chúng chứa các bộ phận của mầm bệnh đã bị làm yếu, bị tiêu diệt hoặc khiến hệ thống miễn dịch hình thành phản ứng chống lại nó.

Tuy nhiên, ở dạng thuốc viên hoặc thuốc xịt mũi, thay vào đó, chúng được đưa vào đường niêm mạc, thông qua hệ tiêu hóa hoặc hô hấp của chúng ta.

Tiễn sĩ Pankhurst cho biết: “Mục đích của việc tiêm vaccine niêm mạc là tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại mầm bệnh trên khắp cơ thể, nhưng quan trọng là tại các vị trí trong cơ thể mà mầm bệnh có thể xâm nhập - đó là thông qua hệ thống niêm mạc”.

“Vaccine được tiêm vào cánh tay mang lại phản ứng miễn dịch mạnh mẽ lưu thông khắp cơ thể, nhưng có thể bị hạn chế trong việc tạo ra phản ứng miễn dịch bảo vệ ở những vị trí niêm mạc dễ bị tổn thương hơn” - tiến sĩ Theresa Pankhurst nói.

Điều này giúp mầm bệnh có thêm thời gian và cơ hội để lây nhiễm cho chúng ta. Trong trường hợp của SARS-CoV-2, virus corona chủ yếu ảnh hưởng đến hệ hô hấp - nơi mà vaccine niêm mạc đã được chứng minh là tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

“Điều này là do vaccine niêm mạc có thể hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn sự lây truyền virus vì các phản ứng miễn dịch trong đường hô hấp có thể ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào cơ thể chúng ta” - tiến sĩ Theresa Pankhurst chia sẻ.

 

Cụ thể, chúng thúc đẩy cơ thể chúng ta tạo ra một loại kháng thể chuyên biệt - được gọi là IgA - được tiết ra trên bề mặt niêm mạc, chẳng hạn như đường hô hấp.

“Khi một mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, các kháng thể IgA sẽ liên kết với mầm bệnh, ngăn không cho mầm bệnh lây nhiễm vào cơ thể và giảm khả năng mầm bệnh sẽ truyền sang người khác” - nhóm nghiên cứu cho biết.

Trên toàn thế giới, đã có một số loại vaccine niêm mạc cho COVID-19 trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định tính an toàn và hiệu quả của chúng trước khi chúng có thể được tung ra thị trường.

Các nhà khoa học cũng đang tránh xa những loại chứa các chủng còn sống hoặc đã bị làm yếu và hướng tới những loại “tiểu đơn vị” chỉ bao gồm một phần mầm bệnh, mang lại cho chúng hồ sơ an toàn tốt hơn.

Những thách thức

 

Kaitlin Buick - Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria và Malaghan - cho biết: “Một trong những thách thức chính là vaccine tiểu đơn vị có thể không tạo ra phản ứng miễn dịch đủ mạnh ở niêm mạc và do đó cần bổ sung chất bổ trợ”.

Một loại vaccine phòng COVID-19 của Pfizer Ảnh: Sylvie Whinray

Một loại vaccine phòng COVID-19 của Pfizer Ảnh: Sylvie Whinray

Chất bổ trợ là những thành phần được thêm vào vaccine để giúp tăng cường phản ứng miễn dịch.

“Một thách thức khác là vaccine tiểu đơn vị có thể nhanh chóng bị phân hủy hoặc đào thải khỏi cơ thể trước khi nó có cơ hội tạo ra phản ứng miễn dịch. Điều quan trọng nữa là phải đảm bảo rằng vaccine không tạo ra phản ứng miễn dịch quá mạnh có thể làm hỏng cấu trúc mỏng manh của phổi - do đó cần phải đạt được sự cân bằng” - nhà nghiên cứu Buick nói thêm.

Trong nghiên cứu vừa được công bố, Pankhurst, Buick và các đồng nghiệp tiến sĩ Lisa Connor và các giáo sư Gavin Painter và Ian Hermans đã chỉ ra một con đường đầy hứa hẹn để khắc phục những vấn đề đó.

Đó là khai thác sức mạnh của một loại tế bào miễn dịch cụ thể được tìm thấy trong phổi của chúng ta - và được gọi là tế bào T bất biến liên quan đến niêm mạc (MAIT) - để tăng cường tiêm vaccine cho niêm mạc.

 

“Các tế bào MAIT có thể được nhắm mục tiêu và kích hoạt bởi một thành phần được tìm thấy trong quá trình sản xuất vitamin B. Khi chúng tôi thêm thành phần kích hoạt tế bào MAIT vào vaccine tiểu đơn vị, chúng tôi nhận thấy rằng việc kích hoạt tế bào MAIT giúp ích cho các tế bào miễn dịch khác trong phổi và cuối cùng kích thích các tế bào B sản xuất kháng thể để tạo kháng thể - bao gồm cả kháng thể IgA. Điều quan trọng là các thành phần vitamin B này có thể chịu được môi trường niêm mạc và không gây viêm - mang lại sự cân bằng quan trọng cần thiết cho một loại vaccine niêm mạc thành công” - bà Kaitlin Buick cho biết.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cell Reports đã kết luận rằng các tế bào MAIT có thể trở thành mục tiêu tiềm năng cho vaccine niêm mạc trong tương lai.

Việt Tuấn (Theo Nzherald)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm