Hỗ trợ doanh nghiệp

Công nghiệp hỗ trợ: Nút thắt trong thu hút đầu tư

Vì đâu thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng?

 Tại một cuộc hội thảo do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12/2011, ông Sotaro Nishikawa - Giám đốc Văn phòng JETRO Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm JETRO nhận được 500 cuộc tư vấn của nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

 
Một khảo sát gần 350 Doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản vào năm 2011 do Thời báo Kinh tế Nikei, Nhật Bản tiến hành cũng cho biết, có tới 60% trong tổng số các doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát cho rằng, Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn.
 
Tuy nhiên, năm 2010, Việt Nam chỉ thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản, đứng thứ 4 trong tổng số 55 quốc gia, và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 3,3 tỷ USD của các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Thái Lan trong năm 2010.
 
Năm 2011, mặc dù có nhiều cuộc xúc tiến đầu tư vào Việt Nam diễn ra ở cả Nhật Bản và Việt Nam, nhưng tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm từ các nhà đầu tư Nhật Bản mới chỉ đạt 2,43 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2011. Các chuyên gia cho rằng, đây là con số khá “khiêm tốn” trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang có nhu cầu tái thiết đất nước sau khủng hoảng động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011 và hướng các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt quan tâm đến các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
 
Điều gì cản trở quyết định của nhà đầu tư Nhật Bản?
 
Có rất nhiều nguyên nhân được các nhà đầu tư Nhật Bản đưa ra liên quan đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
 
Chia sẻ tại chuyến thăm và làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vào ngày 5/3/2012, các nhà đầu tư Nhật Bản thuộc phái đoàn Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Nippon Keidanren) cho biết, các vấn đề liên quan đến chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu điện trong sản xuất,… và đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển là những lý do gây cản trở quyết định đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam trong thời gian qua.
 
Về vấn đề công nghiệp hỗ trợ, ông Sotaro Nishikawa - Giám đốc Văn phòng JETRO Hà Nội đã từng bày tỏ, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam cho biết, có tới 70% linh kiện phục vụ cho sản xuất phải nhập khẩu, điều này làm tăng chi phí cho các DN Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam.
 
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã từng thừa nhận tại một hội thảo rằng, công nghiệp hỗ trợ yếu kém, không chỉ làm giảm giá trị gia tăng xuất khẩu mà còn làm cho doanh nghiệp nước ngoài e ngại khi đưa ra quyết định đầu tư.
 
Đây cũng là lý do, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trở thành một trong những mục tiêu của Việt Nam được đề cập đến trong Sáng kiến chung Việt - Nhật. Và là một tiêu chí quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư của nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết.
 
Ý thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ đối với thu hút đầu tư và mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, tháng 2/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/ QĐ-TTg về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Theo đó, đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô, dệt - may, da - giày và các ngành công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao. Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng được ưu tiên về quỹ đất thích hợp cho dự án về diện tích, vị trí, tiền thuê đất,…/.


Theo Báo Kinh tế Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo