Hỗ trợ doanh nghiệp

Công ty 'con' của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lên sàn UPCoM

(DNVN) - Ngày 18/2, Sở GDCK Hà Nội đã chào đón CTCP Công nghiệp & Xuất nhập khẩu Cao su (MCK: RBC) gia nhập thị trường UPCoM với hơn 10 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch.

Theo Sở GDCK Hà Nội, đây là thành viên thứ 265 trên UPCoM, đồng thời là cổ phiếu 9 đăng ký giao dịch trong năm 2016.

CTCP Công nghiệp & Xuất nhập khẩu Cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 69%, hiện doanh nghiệp này đang nắm giữ 100% vốn điều lệ của 2 Công ty TNHH MTV Chế biến gỗ Đông Hòa, Công ty TNHH MTV Thương mại và Địa ốc Hồng Phúc; 71,8% vốn của CTCP An Thịnh – Việt Lào.

Ảnh minh họa.

RBC chủ yếu sản xuất và kinh doanh sản phẩm nội thất, trang trí trong nhà và ngoài trời; sản phẩm cao su kỹ thuật, đế các loại giày, dép, tấm EVA; cao su tự nhiên như SVR 3L, SVR 5, SVR 10, SVR 20, Latex và hóa chất các loại. Trong các năm 2013, 2014, doanh thu từ các sản phẩm luôn đạt trên 500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 97% doanh thu thuần.

Năm 2015, ngành cao su trong nước bị ảnh hưởng nặng nề do giá cao su thế giới biến động mạnh. Giá cao su thiên nhiên thế giới và trong nước liên tục giảm sâu đã khiến doanh thu mủ cao su của công ty giảm sút mạnh. Doanh thu của RBC ước đạt 460 tỷ đồng, tương đương 56,7% kế hoạch năm 2015. Lợi nhuận cả năm của công ty ước đạt 2,3 tỷ đồng, tương đương 32% kế hoạch.

Bên cạnh các sản phẩm cao su, RBC còn sản xuất gỗ. Nếu năm 2015, ngành cao su gặp khó khăn trầm trọng thì ngành gỗ tại Việt Nam lại mang đến nhiều tín hiệu lạc quan. Bắt đầu từ năm 2014, các đơn hàng gia công mặt hàng gỗ đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước lân cận do chi phí nhân công của nước này đã trở nên kém cạnh tranh trong khu vực. 

Với vị thế là nhà xuất khẩu gỗ lớn nhất ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 6 trên toàn thế giới, ngành gỗ Việt Nam đang hưởng lợi rất lớn từ xu hướng này. 

Cùng với đó, với việc các hiệp định thương mại như TPP kết thúc đàm phán trong năm 2015, cho thấy triển vọng ngành gỗ trong những năm tới khá tích cực với kỳ vọng khi biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nước sẽ được cải thiện khi hàng rào thuế quan được dở bỏ trong khối Hiệp định do hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào Mỹ, Nhật và EU.

 

Trên cơ sở định hướng phát triển ngành gỗ đến năm 2020, RBC tập trung tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng mục tiêu sản xuất 10.000 m3 gỗ tinh chế trong năm 2020. Bên cạnh đó, công ty sẽ duy trì đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới, mở rộng tìm kiếm và phát triển thị trường nội địa, đạt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp cao su theo định hướng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Nên đọc
Văn Hải
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo