Công ty CP dịch vụ - vận tải biển Hải Vân diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên sông
(TTO) Theo kịch bản, một tình huống giả định là tàu vận chuyển hàng hóa nằm tại cầu cảng Công ty ximăng Thăng Long tại Khu công nghiệp Hiệp Phước gặp sự cố tràn dầu. Trong quá trình nhận dầu đã để dầu tràn ra ngoài và gây cháy trên mặt sông. Theo đó, hai tàu phun nước chữa cháy đã kịp thời có mặt để dập lửa.
Một tình huống giả định khác là một thuyền viên trên tàu bị rớt xuống sông. Ngay lập tức đội ứng cứu phải kịp thời báo động ném phao ứng cứu và nhân viên cứu hộ đưa nạn nhân lên tàu và đưa vào bờ rồi lên xe chuyển đi bệnh viện. Trong khi đó, nhân viên Haivanship dùng tàu cứu hộ triển khai hàng trăm mét phao quây dầu nhằm không để dầu loang rộng trên mặt sông…
Thực hiện chủ trương xã hội hóa của Nhà nước cho tư nhân tham gia lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu, Haivanship là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đã đầu tư trang bị máy móc hiện đại và năng lực tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu. Đơn vị này cho biết đã phối hợp với các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu để xử lý các sự cố tràn dầu ở cấp độ quốc gia.
Theo ông Bùi Thế Anh - giám đốc Haivansip, hiện nay đơn vị đã hình thành hệ thống cứu hộ tại hầu hết các cảng trung tâm của khu vực miền Nam như TP.HCM, Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai.
Theo Cục Môi trường, từ năm 1987 đến nay trên cả nước đã xảy ra hơn 100 vụ sự cố tràn dầu lớn. Các sự cố này đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng làm ô nhiễm môi trường sinh thái, tài nguyên thủy sinh…
Theo bản đồ phân bố, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố tràn dầu, khu vực cảng biển miền Nam, các cảng thuộc TP.HCM, Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai… đều thuộc khu vực nhạy cảm. Đây là khu vực có nguy cơ cao về các sự cố tràn dầu và khi xảy ra sự cố dễ gây hậu quả nghiêm trọng đối với nguồn nước tưới tiêu và thủy sinh nuôi trồng thủy hải sản.
Ngọc Ân
End of content
Không có tin nào tiếp theo